Bài 1: Hai trang đời của một thầy thuốc
Sau 10 năm tạm rời cây bút để cầm cây súng, từ một chiến sĩ quân đội anh quyết tâm học lấy bằng bác sĩ để tiếp tục phục vụ nhân dân sau khi đất nước hòa bình. Hơn 40 năm qua anh vẫn không quên một thời tuổi trẻ tình nguyện ra chiến trường đánh giặc với sức trai Phù Đổng. Anh là bác sĩ Nguyễn Thành Long (ảnh) – nguyên phó trưởng bộ môn mắt Trường Đại học Y Dược TP.HCM.
1. Năm 1965 bước vào học kỳ cuối của trường cấp 3, Nguyễn Thành Long cũng có mơ ước được trở thành sinh viên, thế nhưng anh không thể ngồi yên khi chiến trường miền Nam đang ngày đêm lửa cháy. Tạm xa bố mẹ, chàng trai quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) lên đường tòng quân. Sau một lớp học ngắn ngày ở Hòa Bình, Long đã trở thành người lính quân y của đơn vị và được phân công vào tổ chiếu phim lưu động để phục vụ công tác phòng chống vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng. Đây chính là thời gian anh được rèn luyện về tinh thần “vì nhân dân phục vụ” và có thêm nền tảng kiến thức chuyên môn để sau này đi chuyên sâu vào ngành y.
Đầu năm 1969, anh cùng với những người lính trẻ hăm hở vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Vào đến Vinh (Nghệ An) vượt sông Lam, đoàn quân chống gậy qua đèo Ngang, đón thuyền sang sông Gianh để đến điểm tập kết trên đất Quảng Bình. Bắt đầu từ đó, Long cùng đồng đội trải qua những đêm hành quân đường rừng và chịu bom tọa độ của giặc. Là lính quân y nên ngoài quân trang quân dụng, trong ba lô của anh có nhiều túi thuốc chữa bệnh dọc đường cho đồng đội, thế nhưng bệnh tật giữa rừng Trường Sơn không chịu chừa ai cả. Đi được nửa chặng đường vào đến cuối vùng đất Tây Nguyên sốt rét bắt đầu quật ngã anh. Và chính lần “lâm trận” đó anh càng hiểu và thông cảm hơn những anh em đã một lần bị sốt rét hoành hành. Ba bốn tháng trời không tắm không gội đầu vì cữ nước, rệp bò lổm ngổm như xe cóc trên giường anh nằm, còn trên đầu mỗi lần chải tóc chấy rụng… như sung. Nhờ ở lại trạm thu dung (trạm dừng chân điều dưỡng ở rừng Trường Sơn) nên sức khỏe của Long bắt đầu bình phục. Có lúc phải ăn canh môn thục, măng rừng nhưng cũng có hôm được cải thiện bằng các món thịt rừng do anh em săn bắt được như chồn, sóc, cheo, mễn…
Sau vài ngày hành quân đến vùng đất miền Đông, Long được đưa về Quân y Tỉnh đội Thủ Dầu Một (Bình Dương) đóng tại Nhà đỏ Bông Trang. Vùng đất này lúc bấy giờ địch vẫn kiểm soát rất gắt gao, ta và địch vẫn trong thế cài răng lược. Khó khăn nhất là khâu lương thực, muốn có gạo phải ra đường 14 chờ người tiếp tế nhưng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió cả. Nhiều ngày cả đơn vị không có gạo ăn do bị địch càn quét chỉ lâu lâu lại được nhân dân cứu giúp. Bác sĩ Long kể: “Nhiều bữa người dân ở trong vùng chở gạo bằng xe bò, xe đạp tới cho không bộ đội, chúng tôi nhận lương thực của đồng bào mà trong lòng cảm động không biết nói lời nào”. Ân nghĩa đó cũng là động lực để các chiến sĩ hăng say rèn luyện, chiến đấu hơn. “Những lúc khó khăn bị địch phong tỏa đồng bào lại có “sáng kiến” đem khoai mỳ đổ đống ngoài gò để bộ đội mình ra nhặt “chiến lợi phẩm”. Thế nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị lòi ra” bọn bảo an dân vệ “đánh hơi” biết được nên thường xuyên cắt cử lính ra canh. Trong khi bộ đội thiếu đói thì đống khoai mì ngoài gò phải để cho mốc cho thối đi.
Từng tham gia một số trận đánh trong thời gian ở chiến trường miền Đông nhưng với anh đáng nhớ nhất là trận ở Tân Uyên và Thủ Đức. Do bị tấn công bất ngờ nên đội lính bảo an của giặc đi dò đường bị bộ đội đánh cho tơi tả, chết nằm như rạ ngay xã Bình Chánh (Tân Uyên). Tuy nhiên chính trong trận đó mà Long đã bị thương ở lưng do trúng miểng của cối 52. Sau một năm chữa lành vết thương Nguyễn Thành Long lại tiếp tục tham gia trận đánh lớn ở Thủ Đức. Bác sĩ Long nhớ lại: “5 giờ chiều hơn 300 chiến sĩ được lệnh bí mật hành quân, cứ 3 người lại khiêng một trái hỏa tiễn DKB (của Liên Xô cũ). Từ Tân Uyên chúng tôi đi suốt một đêm 4 giờ sáng hôm sau mới đến huyện Thủ Đức. Sau khi hỗ trợ cho cánh bộ đội công binh phóng hỏa tiễn vào sân bay Tân Sơn Nhất thì chúng tôi bị kẹt không quay trở ra được nữa. Địch xác định được hướng ta tấn công nên quay lại nã rốc-két nhưng chỉ bắn vu vơ chứ không dám đến gần. Hôm đó chờ đến tối anh em lại rút quân vào rừng tuy nhiên có 25 người bị hy sinh phải nằm lại trên đất Thủ Đức”.
2. Năm 1976 sau cuộc đời người lính, Nguyễn Thành Long về Trường Đại học Y Dược TP.HCM học tiếp ngành bác sĩ đa khoa. Tốt nghiệp anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy học chuyên sâu về ngành mắt. Ít ai biết rằng gia tài của thầy giáo trường y chỉ có một chiếc xe đạp đi làm và một chiếc bàn ở văn phòng bộ môn vừa là chỗ làm việc vừa là chỗ ngủ suốt 3 năm trời. Có lần đến chữa mắt thấy “thê thảm” quá một chủ tịch phường đã xếp cho anh về ở dưới chân cầu thang của nhà một cán bộ công an phường. Kể từ đó anh mới có một chiếc giường để ngả lưng sau một ngày đứng lớp. Thế rồi khó khăn dần dần cũng qua đi, khi có gia đình cuộc sống của anh mới bắt đầu ổn định. Từ một giáo viên có tay nghề giỏi anh được cử làm phó chủ nhiệm bộ môn mắt, tham gia các hội nghị nhãn khoa trong và ngoài nước. Anh không thể nào quên được cảm xúc của mình khi tham dự Hội nghị nhãn khoa quốc tế tại Hoa Kỳ năm 1997. Anh không ngờ rằng từ một anh lính giải phóng quân chân dép lốp băng rừng vượt suối hôm nào thế mà bây giờ đang đứng trên giảng đường lớn giữa trời Tây sánh vai cùng với các nhà khoa học, bác sĩ nổi tiếng trên thế giới. Trước và sau khi nghỉ hưu anh tích cực tham gia nhiều chuyến đi mổ mắt từ thiện tại các tỉnh miền Tây và nước bạn Campuchia. Có thể nói hai trang đời của bác sĩ Nguyễn Thành Long trang đời nào cũng đẹp, đẹp như phẩm chất của người lương y trong chế độ mới của chúng ta.
Hương Thủy
Bình luận (0)