PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng trong phòng làm việc |
Ra đi từ một vùng quê nghèo khó (tỉnh Nghệ An), hành trang của anh không có gì ngoài tuổi xuân 18 và những bài học dở dang của cậu học sinh cấp 3. Thế nhưng 40 năm sau trở về quê hương, anh có quyền tự hào khi trở thành một bác sĩ giỏi, một thầy thuốc ưu tú đã có nhiều cống hiến cho ngành y trong thời kỳ đổi mới. Anh là PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng – Phó trưởng khoa điều dưỡng y học Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Từ một thượng sĩ quân đội
Mùa thu năm 1972, chưa học lớp xong lớp 10, Nguyễn Văn Thắng có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Chàng trai 18 tuổi quê xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, đành gửi lại những ước mơ của mình để cùng với một số bạn bè khác lên đường nhập ngũ. Tình hình chiến sự ở miền Nam đang nóng lên từng ngày nhất là sau những diễn biến ác liệt của chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” kéo dài từ Quảng Trị cho đến miền Đông Nam bộ. Trên vai có khẩu súng, sau lưng đeo ba lô phủ đầy lá ngụy trang, các chiến sĩ quân đoàn 4 của sư 341 trong đó có chiến sĩ Nguyễn Văn Thắng bắt đầu vượt dãy Trường Sơn để chi viện lực lượng cho những cánh quân đi trước. Cuộc đời binh nghiệp của thượng sĩ Thắng trải dài từ vùng cát trắng Quảng Bình đến những miền đất anh chỉ biết tên trong bài học địa lý mà bây giờ mới đặt chân đến. Ngày nối ngày, đêm tiếp đêm cả một chiến trường rộng lớn vẫn không ngăn nổi bước chân của người chiến sĩ. Bác sĩ Thắng nhớ lại: “Thuộc ban tác chiến của phòng tham mưu, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ lên kế hoạch tác chiến cho các trận đánh. Trước một trận đánh, ban tác chiến phải tính toán thế nào để bảo toàn lực lượng và giành được nhiều phần thắng nhất. Có những trận được thiết kế trên bản đồ nhưng có những trận lại được thiết kế trên sa bàn. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, tôi và anh em trong đơn vị đã vào đến mặt trận Xuân Lộc và là một trong những cánh quân mạnh nhất của phía Đông thành phố tiến về giải phóng Sài Gòn”.
Sau 1975, thượng úy Nguyễn Văn Thắng tiếp tục ở lại trong quân ngũ. Chính trong thời gian này anh vừa học xong sĩ quan dự bị và được kết nạp vào Đảng năm 1977 khi đơn vị đóng quân tại khu quân sự Long Bình (Đồng Nai).
Năm 1978, anh thi đậu vào Trường ĐH y dược TP.HCM. Mặc dù thời bấy giờ SV đi học có chế độ bao cấp nhưng quần áo sách vở cái gì cũng thiếu, lên giảng đường vào phòng thí nghiệm bụng luôn đói meo là chuyện thường.
Đến tiến sĩ ngành y
Anh nhớ lại những tháng ngày gian khổ của thời bình: “Bộ đội đi học tuy có lương nhưng mỗi tháng chỉ được 36 đồng nên cũng thiếu thốn đủ bề”. Đến năm thứ 2 mối tình với người bạn gái ở quê nhà được nối lại sau ngày hòa bình đã vào độ chín, chú rể SV trường y từ miền Nam về làm một đám cưới nho nhỏ rồi sau đó rước cô dâu theo chuyến tàu Thống Nhất vào Sài Gòn. Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, Nguyễn Văn Thắng vẫn giành được những kết quả cao trong học tập đặc biệt với cương vị là người lớp trưởng, anh đã đưa phong trào lớp trở thành tập thể mạnh nhất trong toàn trường, liên tục 6 năm đạt danh hiệu tập thể học sinh XHCN. Chính những thành tích xuất sắc và có nhiều cống hiến cho nhà trường nên sau khi tốt nghiệp, SV Nguyễn Văn Thắng là một trong 20 SV xuất sắc được xét giữ lại trường công tác. Để trở thành một giảng viên chính thức và giỏi chuyên môn của chuyên khoa giải phẫu, anh bắt đầu lao vào công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ học vị. Năm 2000 sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu khoa học: “Bướu đại bào của xương”, anh được cử phụ trách phòng giáo vụ bộ môn và Bí thư chi bộ khoa y. 5 năm sau một tin vui nữa lại đến, anh được phong hàm Phó giáo sư. Gần đây TS. Thắng còn nhận thêm trách nhiệm hướng dẫn SV, bác sĩ thực hiện luận án tiến sĩ, thạc sĩ với các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh tại các bệnh viện.
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng quan niệm: “Là thầy thuốc trước hết phải có đạo đức tốt, coi trọng y đức để phục vụ nhân dân. Có đạo đức nhưng chuyên môn chưa vững thì cũng chưa phải là một bác sĩ giỏi”.
Hiện nay, niềm tự hào lớn nhất của vợ chồng anh là 2 cậu con trai đều là cựu học sinh Trường THPT năng khiếu TP.HCM, từng nằm trong đội tuyển thi HS giỏi quốc tế và được học bổng du học toàn phần tại Mỹ.
Bài, ảnh: HƯƠNG THỦY
Bác sĩ Vương Văn Ảnh – Trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: Nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay, Trường ĐH Y dược có 19 cán bộ, bác sĩ được công nhận là thầy thuốc ưu tú, trong đó có PGS.TS Nguyễn Văn Thắng – Phó trưởng khoa điều dưỡng y học vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu và đào tạo, đồng thời có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường nói riêng và sự nghiêp y tế TP.HCM nói chung. |
Bình luận (0)