Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2): Bài 2: Thế hệ tiếp nối trong gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam tại phòng làm việc

Suốt một đời cống hiến cho nền y học nước nhà, có thể nói vợ chồng dược sĩ Nguyễn Ngọc Châu – nguyên GV Trường ĐH Y khoa Hà Nội rất bằng lòng với 2 đứa con của mình vì cả 2 đã tiếp tục nối nghiệp được nghề của bố mẹ.
Cha truyền con nối
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ ông Nguyễn Ngọc Châu đã tham gia một số hoạt động yêu nước tại địa phương. Năm 1954, theo các anh các chú, chàng trai quê ở huyện An Nhơn (Bình Định) lên tàu tập kết ra Bắc. Cuộc sống hòa bình đã mở ra một trang đời mới cho ông khi được học hành đến nơi đến chốn, sau đó bước vào giảng đường của Trường ĐH Y dược Hà Nội và được chọn giữ lại trường công tác. Thời kỳ chiến tranh ác liệt phải đi sơ tán nhiều nơi nhưng dù khó khăn gian khổ bao nhiêu thầy trò trường y vẫn bám trường bám lớp. Thầy Châu không thể nào nhớ hết các thế hệ học sinh là những bác sĩ, dược sĩ vượt Trường Sơn đến những vùng ác liệt nhất phục vụ cho chiến trường. Tuổi còn trẻ và đầy lòng nhiệt tình nên đây là thời kỳ dược sĩ Châu cùng với các thầy cô, đồng nghiệp khác như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Tôn Thất Tùng… đã đào tạo những người thầy thuốc giỏi sau khi tốt nghiệp đã trở về các địa phương phục vụ và cống hiến cho ngành y tế.
Đến Bệnh viện nhân dân Gia Định, được bác sĩ Nguyễn Anh Cường – Trưởng phòng Hành chính giới thiệu, tôi thật sự may mắn khi được gặp bác sĩ Nguyễn Hoài Nam – người con trai của dược sĩ Nguyễn Ngọc Châu. Trong thâm tâm tôi cứ nghĩ Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của một bệnh viện trung tâm phải là một vị lớn tuổi, đầu 2 thứ tóc. Nhưng không, trước mặt tôi là một bác sĩ còn quá trẻ nếu đoán tuổi cũng chỉ ngoài 30 một chút mà thôi. Sau cái bắt tay nồng ấm và những lời chúc đầu Xuân, bác sĩ Nam trò chuyện về những tháng ngày học tập của mình: “Sinh trưởng ở Hà Nội nhưng 7 tuổi tôi đã theo ba mẹ vào TP.HCM đi học nên kỷ niệm về Thủ đô cũng chưa có nhiều. Khi còn là học sinh Trường THCS Phùng Hưng, quận 5 tôi rất mê môn toán và ở trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Lớn lên một chút, ngôi trường THPT Hùng Vương chính là nơi nuôi dưỡng ước mơ vào đại học của tôi và các bạn bè khác. Được các thầy hướng dẫn tôi đã đi sâu vào các môn khoa học tự nhiên mà tập trung nhất là 3 môn toán hóa sinh với đích ngắm là trường ĐH Y dược TP.HCM”. Năm 1989, Nguyễn Hoài Nam đậu vào Trường ĐH Y dược không phải là một sự kiện đặc biệt vì ai cũng biết sức học của cậu học sinh giỏi của trường.
Thầy thuốc trẻ tiêu biểu 
Tuy không đúng nguyện vọng nhưng không vì thế mà người bác sĩ trẻ từ chối vì Nam thấy mình còn may mắn hơn những người khác. Lúc này bệnh viện chưa có nhu cầu về ngoại khoa, hơn nữa đây là thời điểm nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường khó tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng cũng chỉ để giữ tay nghề chứ không có chế độ lương bổng gì cả. Sau 3 năm cống hiến nhiệt tình cho phòng cấp cứu, bác sĩ Nam được phân công về phòng khám của bệnh viện. Dù công tác ở cương vị nào người bác sĩ trẻ đều luôn tận tụy với nghề nghiệp, chăm sóc cứu chữa bệnh nhân như chính người thân trong gia đình. Hơn 2 năm nay với cương vị là Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, trách nhiệm của anh càng nặng nề hơn khi đề đạt các ý kiến tham mưu cho ban giám đốc, đưa ra các định hướng về chuyên môn, xây dựng kế hoạch cho bệnh viện trong thời gian trước mắt và cả lâu dài. Để nâng cao trình độ chuyên môn, bác sĩ Nam vẫn không quên đưa ra kế hoạch tự học tự bồi dưỡng cho bản thân. Nghiên cứu khoa học luôn là niềm đam mê của người bác sĩ trẻ dù ở cương vị nào. Sau khi hoàn tất chương trình cao học nội tổng quát, anh tiếp tục thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở về nguy cơ bệnh mạch vành theo thang điểm FROCAM.
Bệnh viện Nhân dân Gia định là một đơn vị y tế nhiều năm nay làm tốt công tác xã hội khám và cấp phát thuốc cho người nghèo. Gần 15 năm gắn bó với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và cũng chừng ấy thời gian bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cùng đồng nghiệp đi các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ làm công tác từ thiện. Mỗi lần về vùng sâu vùng xa, người bác sĩ trẻ luôn trăn trở với cuộc sống nghèo khổ và thiếu thốn của người dân nơi đây, đặc biệt là các cơ sở y tế ở tuyến dưới chưa được tiếp cận nhiều với chương trình y tế kỹ thuật cao. Anh cho biết, nhiều bệnh nhân nếu được chăm sóc và phát hiện bệnh sớm thì đỡ chi phí điều trị và giảm tải cho các tuyến trên. Vì thế năm 2009 khi Bộ y tế có đề án đưa cán bộ tuyến trên về tuyến dưới hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, anh rất tâm đắc và là một trong những bác sĩ trong bệnh viện tình nguyện ra Bệnh viện Bình Thuận lên Bệnh viện Kroong Ana (Đăk Lăk) và xuống Bệnh viện Hậu Giang khám bệnh miễn phí. Tất cả những thành tích trên cộng lại đã đem đến cho anh một niềm vinh dự lớn lao đó là năm 2009 anh đã được Ban thường vụ Thành đoàn TP.HCM tuyên dương danh hiệu thầy thuốc trẻ tiêu biểu và đạt giải thưởng Phạm Ngọc Thạch trong năm đầu tiên. Cùng với chị gái là dược sĩ đang công tác tại Bệnh viện SOS, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam đã trở thành thế hệ tiếp nối liên tục trong một gia đình trọn đời theo nghề thầy thuốc.
Bài, ảnh:  HƯƠNG THỦY

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)