Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Những “chiếc áo blouse trắng” thầm lặng

Tạp Chí Giáo Dục

Đối mặt với bệnh tật, không ít người bệnh cảm thấy lo lắng. Nhưng niềm tin vào cuộc sống đã được vực dậy khi họ đón nhận sự chăm sóc tận tình từ những bàn tay ân cần chu đáo của các y BS. Đó là những con người ngày đêm hy sinh thầm lặng để đem lại những giá trị y đức cao cả.

Vì hạnh phúc trẻ thơ

BS Phạm Ngọc Thạch cùng giáo sư nước ngoài khám bệnh cho trẻ

Truyền thống cách mạng của gia đình đã tiếp lửa cho BS Phạm Ngọc Thạch – Phó khoa Thận niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) nối gót mẹ và người bác ruột để lại.

Đến Khoa Thận niệu, chúng tôi gặp ThS.BS Phạm Ngọc Thạch đang kiểm tra sức khỏe cho một cháu bé trai vừa trải qua ca phẫu thuật về dị tật bộ phận sinh dục. Nhìn thấy vết sẹo chưa lành hẳn nhưng khi biết sức khỏe của đứa trẻ đã bắt đầu bình phục, BS trẻ này cảm thấy trong lòng ấm áp hơn. Những ca phẫu thuật tuy phức tạp nhưng lại đem đến rất nhiều niềm vui cho thân nhân các bé và cả hạnh phúc tràn đầy đối với từng BS. BS Thạch tâm sự, hiện nay việc phẫu thuật để can thiệp dị tật bẩm sinh về sinh dục và thận đã được máy móc hiện đại hỗ trợ, nhưng nếu không được trang bị kiến thức và kỹ thuật tương ứng thì những dụng cụ nội soi đó vẫn không thể phát huy hết tác dụng của nó. Chính vì thế, ngoài trách nhiệm chuyên môn của một thầy thuốc, anh còn nâng cao trình độ tay nghề của mình thông qua các khóa học và các lớp đào tạo về phẫu thuật nội soi dị tật bẩm sinh của trẻ. Những chương trình đào tạo phẫu thuật nội soi dị tật bẩm sinh do các chuyên gia đến từ Pháp, Bỉ, Mỹ tổ chức trong và ngoài nước đã giúp anh “mở ra” rất nhiều điều. Những kinh nghiệm mà anh nhận được từ các chuyên gia như có thêm “cây đũa thần” giúp cho nhiều ca mổ thành công ngoài mong đợi. Từng kíp mổ nội soi thận ứ nước hay sỏi thận đã đưa các bệnh nhi thoát ra khỏi những biến chứng dị tật bẩm sinh và lưỡi hái của tử thần.

Mỗi ca phẫu thuật biết bao vất vả và cả áp lực nhưng đó chính là niềm đam mê có từ lâu của BS mới ngoài 30 tuổi. Đây là “chất xúc tác” của nghề nghiệp tạo nên niềm vui lớn mỗi khi anh nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trở lại trên khuôn mặt từng trẻ thơ. Ít ai biết rằng ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Thạch đã lẽo đẽo theo mẹ là BS Trưởng khoa Nội thần kinh đi trực trong bệnh viện. Chính đây là những lần chạm ngõ đầu tiên để sau này cậu học trò Trường THPT Gia Định quyết tâm đi theo con đường của mẹ. Hơn ai hết, BS Nguyễn Thị Hồng Thê – nguyên Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) là người thầy và cũng là chỗ dựa vững chãi nhất cho đứa con trai của mình trong việc lựa chọn nghề y. Truyền thống gia đình đã trở thành bệ phóng vững vàng cho người BS trẻ nhanh chóng gắn bó và trưởng thành với bệnh viện sau khi tốt nghiệp cử nhân năm 2000. Khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tinh thần cống hiến của người thầy thuốc trẻ như được tiếp thêm sức mạnh trong mọi lĩnh vực. Áp lực công việc không đè bẹp ý chí và niềm say mê học tập, tinh thần cầu tiến của một BS còn non trẻ về tuổi đời. Sau khi hoàn thành xuất sắc chương trình cao học, Thạch không dừng chân tại chỗ như một vài đồng nghiệp khác mà tiếp tục đăng ký theo học nghiên cứu sinh. Sự nghiệp của anh chỉ mới bắt đầu nhưng tương lai phía trước đã mở ra trước mắt một BS trẻ năng động, nhiệt tình và có nhiều ưu điểm của một lớp cán bộ kế cận. Anh thật xứng đáng với mong mỏi của gia đình khi được bố mẹ đặt tên trùng với tên nhà khoa học y khoa nổi tiếng Phạm Ngọc Thạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam.

Luôn xem bệnh nhân như chính người nhà của mình

BS Lê Thị Tuyết Phượng tại Bệnh viện Nhân dân 115 

Là nữ BS nhưng Lê Thị Tuyết Phượng (Trưởng khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện Nhân dân 115) không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn “cứng” về khả năng quản lý. Khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện hàng ngày phải nhận hàng chục bệnh nhân nên áp lực cũng không nhỏ. Cơ quan tiêu hóa có bao nhiêu bộ phận thì cũng có bấy nhiêu căn bệnh từ lành tính đến ác tính. BS Phượng chia sẻ, ngay như lá gan cũng có rất nhiều bệnh nhân phải đối mặt với các căn bệnh khác nhau như xơ gan, biến chứng gan gồm hôn mê gan hoặc hội chứng gan. Vì thế, hơn 50 nhân viên trong “cỗ máy” lớn của khoa luôn hoạt động hết công suất với tinh thần “vì Nhân dân phục vụ”. Thực tế cho thấy so với các nơi khác, Khoa Nội tiêu hóa vẫn còn nhiều thiệt thòi về cơ sở vật chất khi số lượng giường bệnh chưa đủ. Mỗi lần xuống trại nhìn thấy hai bệnh nhân nằm chung trên một giường chật hẹp hay phải “sơ tán” xuống ghế bố kê tạm, nữ BS Trưởng khoa không khỏi chạnh lòng. Những căn bệnh mãn tính kéo dài không chỉ mang đến nỗi đau cho người bệnh mà còn đem lại sự đồng cảm lớn cho các thầy thuốc. May mắn hơn những năm gần đây khoa đã được trang bị máy móc hiện đại với nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả cao giúp cho người bệnh vượt qua giai đoạn chỉ định phẫu thuật. Bao giờ người nữ Trưởng khoa cũng lấy bệnh nhân làm trung tâm, coi họ như chính người nhà của mình để tìm ra mọi điều kiện chữa trị tốt nhất trong hoàn cảnh cho phép. Phòng khám chuyên khoa gan ra đời là cách làm mới thể hiện sự sáng tạo đột phá của cả tập thể. Không chỉ chữa bệnh đây còn là địa chỉ tư vấn miễn phí được Nhân dân gửi gắm rất nhiều niềm tin. Dù khó khăn nhưng Nội tiêu hóa còn là một khoa có tinh thần học tập cao luôn sắp xếp công việc thuận lợi để chuẩn hóa trình độ. Để làm gương cho mọi người, chị là người đi đầu trong việc nghiên cứu khoa học và học tập. Hiện nay bệnh viêm gan siêu vi C đang có tỷ lệ khá cao với 80% diễn tiến mãn tính nên các BS chuyên ngành nhìn thấy nguy cơ xơ gan và ung thư đang là kẻ giết người thầm lặng. Đây chính là trăn trở thường trực của ThS. Phượng để chị tâm huyết với đề tài nghiên cứu khoa học mà mình đang theo đuổi.

Khi được hỏi có bí quyết gì khi người trưởng khoa có được tác phong lãnh đạo và tinh thần làm việc vì mọi người, chị chẳng cần suy nghĩ nhiều: “Tôi học tập ở nhiều người và cả đồng nghiệp nhưng tấm gương đạo đức để lại cho tôi nhiều bài học nhất chính là Bác Hồ của chúng ta”. Theo chị những câu chuyện nhỏ được anh em trong khoa sinh hoạt vào mỗi sáng thứ hai trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là bài học thiết thực và sâu sắc hơn bao giờ hết bởi vì những câu chuyện đó luôn được đúc rút ra từ cuộc đời giản dị và trong sáng của Người chứ không có gì cao siêu, xa vời cả. Cũng giống như BS Ngọc Thạch, truyền thống gia đình với người anh trai và người chồng đều là BS có tiếng đã trở thành điểm tựa vững vàng cho BS Lê Thị Tuyết Phượng – một thế hệ mới “đầy năng lượng” của ngành y tế suốt đời thầm lặng cống hiến sức lực và tuổi trẻ với tinh thần: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)