Bài 2: Thương binh “tàn nhưng không phế”
Anh thương binh Nguyễn Nam Quốc thành công bằng khối óc của mình |
Thật vậy, khi nói đến những người thương binh này, ai cũng thán phục nghị lực vượt khó, sống có ích cho xã hội của họ như lời dạy của Bác Hồ kính yêu ngày nào “Thương binh tàn nhưng không phế”. Họ đã viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…
Đi lên bằng khối óc
Sau ngày giải phóng, anh Nguyễn Tấn Quang về làm thợ ở Nhà máy Z – 751. Dù bị thương tật nhưng với quyết tâm cao, anh đã hoàn thành xuất sắc mọi công việc của nhà máy giao. Khi Nhà máy Z-751 gặp khó khăn về thiếu nguyên liệu thiết bị, đòi hỏi những sáng chế thay thế cũng là lúc anh thể hiện mình. Bắt đầu từ cái khuôn đắp lốp máy bay F5E đến máy cán ren, máy đùn săm ô tô loại lớn, máy đùn gạch, máy cắt thảm xơ dừa, ống cao áp… sản phẩm nào cũng được ứng dụng thành công, được anh em nhà máy rất nể phục. Cứ thế, nhiều sáng kiến có giá trị cứ tiếp tục ra đời. Từ một người thợ bậc 4/7, anh tiến lên bậc 7/7 và sau đó được đề bạt chức Phó quản đốc Phân xưởng cơ khí. Năm 1990, anh bắt đầu nghỉ làm ở nhà máy và mở một cơ sở sửa chữa cơ khí tại nhà như đại tu máy công cụ, chế tạo máy cán sắt, máy nghiền trộn quặng thiếc… Do không có vốn nên cơ sở thiếu nhiều trang thiết bị sản xuất, khách hàng chưa biết đến nhiều. Nhờ một người bạn chiến đấu cũ giới thiệu anh với Nhà máy Thuốc trừ sâu Sài Gòn. Anh đã hợp tác cùng nhà máy này nghiên cứu và chế tạo máy đổ thuốc và đóng chai tự động. Kết quả thật mỹ mãn, máy hoạt động tốt, năng suất cao, dung tích chính xác, không rơi vãi hoang phí và đảm bảo môi sinh an toàn hiệu quả hơn hẳn các loại máy ngoại nhập. Sau đó, anh tự chế tạo một dây chuyền chế biến gỗ với hơn 20 thiết bị cho Công ty Thủ công mỹ nghệ Artex Sài Gòn, đặc biệt là máy bào cuốn thảm khổ rộng 1m mà thành phố chưa có. Các máy móc của anh đều đạt tiêu chuẩn như máy nước ngoài, giá thành lại rẻ… Hiện tại, cơ sở của anh chỉ gần 100m2 chuyên sản xuất các máy đóng chai, máy pha trộn thuốc trừ sâu, máy chế biến gỗ (cưa, bào, tiện, xẻ gỗ…) nhưng lại cung cấp sản phẩm cho hầu hết các khu công nghiệp như: Sóng Thần, Nhơn Trạch, Lê Minh Xuân và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 1998, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, anh cũng đã nhận Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng 3, ba bằng khen lao động sáng tạo… Năm 2008, anh được Liên đoàn Lao động TP tặng bằng khen “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi 5 năm liền”.
Anh Nguyễn Nam Quốc cho biết: “Người khuyết tật về thể xác không có nghĩa là khuyết tật ý chí và khát vọng sống. Vấn đề là phải tìm được hướng đi thích hợp với tình trạng sức khỏe và khả năng của mình”. Với suy nghĩ đó, anh chọn công việc chăn nuôi để mưu sinh. Nhờ “mát tay”, lợn của anh nuôi lớn nhanh như thổi, bán giá cao. Từ chỗ nuôi lợn có vốn, năm 1997, anh nghĩ đến việc nuôi cá để tận dụng mấy nghìn m2 đất cù lao của gia đình. Ban đầu anh nuôi thí điểm khoảng 2.000 m2 ao. Thành công ngoài dự tính, anh đầu tư thuê 5.000 m2 mở rộng nuôi cá. Công việc làm ăn ngày càng “xuôi chèo mát mái”, anh mạnh dạn thuê cùng lúc 15.000 m2 đất, với hàng chục lao động phụ việc, mỗi năm cho ra thị trường gần 2 tấn cá thịt, hơn 2 tấn cá con. Trừ mọi chi phí, anh thu lãi mỗi năm khá cao. “Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, dẫu không có đôi tay nhưng nếu có ý chí mạnh mẽ thì con người ta có thể làm được tất cả”. Khi bắt tay vào công việc, anh trở nên nhanh nhẹn lạ thường. Nhìn anh bắt cá dưới ao, nhiều người cứ ngỡ như đang xem… xiếc. Với những thành tích đã đạt được, anh được các cấp lãnh đạo TP.HCM tặng danh hiệu “Thương binh vượt khó”, “Thanh niên tiên tiến cấp thành” nhiều năm liền.
…và đôi tay
Riêng anh Nguyễn Minh Thắng, năm 1991, được Nhà nước cấp cho một căn nhà và anh đã mang con về đây sống. Thời gian đầu, anh sống bằng tiền lương thương binh nên cũng gặp nhiều khó khăn. Sau đó, nhờ bạn bè giúp đỡ, anh bắt đầu công việc nuôi gà công nghiệp tại nhà để bán tăng thêm thu nhập. Những ngày nằm trên giường bệnh, anh Nguyễn Thanh Đức đã tự vạch ra kế hoạch cho tương lai của mình. Không muốn nhờ vả đến bất cứ ai, dù là người thân, chính vì vậy mà khi sức khỏe vừa được phục hồi, anh đã tự động ngồi trên chiếc xe lắc tay ngày ngày đi học nghề sửa chữa điện gia dụng ở nhà một người bạn cũ. Sau một năm, anh đã có kiến thức cơ bản. Cũng nhờ siêng năng tập luyện mà sau đó anh đã có thể di chuyển được trên đôi nạng gỗ. Cùng lúc ấy, người anh họ của anh là thầu xây dựng đang thi công một công trình cách nhà anh khoảng 500 m. Vốn rất đam mê nghề xây dựng nên anh thường xuyên sang bên đó chơi và tập tành lấy gạch xây thử. Tường xây của anh trông rất đẹp mắt, ngay hàng thẳng lối, ai nhìn qua cũng phải khen ngợi. Từ thành công ban đầu, anh càng thấy mình phải cố gắng hơn nữa để thực hiện cho bằng được niềm đam mê của mình. Và chỉ hai năm song hành cùng với người anh họ, anh đã bắt đầu tự đứng ra làm thầu, nhận lãnh nhiều công trình xây dựng riêng ở tỉnh Bình Thuận, cuộc sống của anh đã bắt đầu khá giả. Năm 2000, mẹ anh bị căn bệnh ung thư rất nặng, cả gia đình anh đã phải bán nốt căn nhà để lấy tiền chạy chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Để gầy dựng lại sự nghiệp, anh quyết tâm vào Sài Gòn làm nghề. Những ngày trên mảnh đất đô hội này, anh gặp rất nhiều khó khăn, từ việc những chủ nhà không tin tưởng khi giao cho thầu là người đi trên đôi nạng gỗ đến việc di chuyển bằng xe ôm cũng ngốn của anh rất nhiều tiền bạc. Rồi những khó khăn ấy cũng dần trôi qua nhanh. 9 năm trên mảnh đất Sài Gòn, anh đã có một cuộc sống ổn định. Không dám thầu những công trình quá lớn, anh chỉ nhận xây dựng những công trình vừa với khả năng của mình. Mới đây, hai người em trai cũng đã theo anh vào đây làm nghề. Nhìn đôi chân đứng không vững trên đôi nạng gỗ và đôi tay cũng không lấy gì mạnh mẽ nhưng anh làm việc thuần thục đến nỗi những người thợ xây bình thường cũng phải chào thua nên lúc nào anh cũng có công việc đều đều.
ĐẠI NGHĨA – KHÔI NGUYÊN
Bài 3: Hạnh phúc cho mình và cho đời
Bình luận (0)