Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kỷ niệm nhỏ với nhà văn Tô Hoài

Tạp Chí Giáo Dục

Vy là tròn 10 năm (6-7-2014/ 6-7-2024) nhà văn Tô Hoài cưi “Dế Mèn” v nơi yên ngh đy c xanh và gió đng lng lng.


Tác gi và nhà văn Tô Hoài

Tô Hoài là một nhà văn lớn của mọi thế hệ, đặc biệt các thế hệ thiếu niên, nhi đồng không thể quên “Ông Dế Mèn” một thuở. Từng trang “Dế Mèn phiêu lưu ký” vẫn còn lấp lánh nụ cười hiền hậu, hóm hỉnh của nhà văn Tô Hoài. Những loài côn trùng xung quanh chúng ta (mà nhiều người không để ý, ít thấy) bỗng có hồn; có những cư xử, lời nói, tình bạn, sự hiểu lầm, sự cảm thông, lòng thương nhau… bởi nghệ thuật nhân hóa tài tình, tinh tế của tác giả! Những bài học cuộc đời không ở đâu xa mà được tác giả gửi gắm ngay trong từng nhân vật đặc biệt như: Dế Mèn, Dế Trũi, võ sĩ Bọ Ngựa, Cành Cạch, Dế Choắt, chú Cóc, chú Ếch Cốm, Cào Cào, Châu Chấu, thế giới Chuồn Chuồn, Bọ Muỗm, Kiến, Xén Tóc, Cá Chuối… Mỗi nhân vật được tác giả dày công trau chuốt, nhân hóa cao độ, trở nên sống động vô cùng, lôi cuối tuổi thơ (và cả người lớn) từ đầu đến cuối truyện.

Thế hệ chúng tôi thời đi học dưới làn bom đạn Mỹ nhưng Dế Mèn vẫn đồng hành với tuổi thơ đầu trần chân đất. Đặc biệt, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa (cùng thế hệ chúng tôi) đã viết, đại ý dù trong cảnh chiến tranh nhưng cuộc sống vẫn diễn ra thường ngày như nó vốn có tự bao đời: “Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ ao vẫn chú Dế Mèn vuốt râu”. Mùa hè năm 2001, chúng tôi từ Sóc Trăng đi tập huấn môn ngữ văn theo lời mời của ĐH Đà Nẵng. Trước đó, không ai biết được nội dung chương trình tập huấn một tháng này, ra đến nơi mới biết nên ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Đó là nhân dịp mở lớp tập huấn, sẽ có nhiều nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trong chương trình ngữ văn tới dự và nói chuyện, trong đó có nhà văn Tô Hoài! Đúng là một dịp tốt “ngàn năm có một”, bởi vì dễ gì ai cũng được vinh dự gặp thần tượng nhà văn của mình từ trong trang sách bỗng bước ra ngoài đời bằng xương bằng thịt. Khi người hướng dẫn chương trình giới thiệu, nhà văn Tô Hoài bước lên bục với tiếng vỗ tay đón chào hồi lâu của thầy cô giáo khắp mọi miền đất nước về dự tập huấn. Với chất giọng nhỏ nhẹ, đầm ấm, nhà văn Tô Hoài tâm sự biết bao điều cùng bạn đọc – giáo viên dạy môn ngữ văn. Đó là quãng đời thơ ấu, được nghỉ hè, được đi chơi bắt dế, cào cào trên cánh đồng làng quê tác giả. Theo nhà văn, muốn viết tốt cho thiếu nhi, trước hết phải có năng khiếu viết. Tiếp đó là khả năng quan sát tinh tế, nhạy cảm về các loài vật, thời tiết, cỏ cây, mây trời… Tuổi thơ tác giả đầy ắp nắng, đầy ắp tiếng chim, đầy ắp trí tưởng tượng phong phú nên tất cả tràn qua từng trang sách, hình thành từng trang viết, trang đời. Trang văn không chỉ là câu chữ bình thường mà chính là hồn vía của tấm lòng tác giả. Nên đọc sách trực tiếp để thấy từng con chữ cục cựa; gọi nhau ngồi dậy, kết thành từng đoàn kiến thức đi vào tâm trí, đi vào tình cảm con người. Phải cần mẫn, siêng năng viết thì mới có thành công được! Nhà văn Tô Hoài cho biết, mỗi ngày ông ngồi viết mấy trang sách khi có hứng thú viết. Nếu bỏ qua, hứng thú sẽ mất và không tìm ra được những ý tưởng, những câu chữ đó nữa.


Tác phm “Dế Mèn phiêu lưu ký”

Nhà văn Tô Hoài khuyên nhủ: Đối với người dạy văn, khâu quan trọng để duy trì hứng thú, cảm xúc giảng dạy là không ngừng đọc sách! Đọc sách về chuyên môn, đọc sách về những vấn đề liên quan với bộ môn ngữ văn! Trong chương trình ngữ văn, chỉ có một đoạn trích “Dế Mèn phiêu lưu ký” nhưng cần đọc cả truyện mới hiểu được nội dung đoạn trích và nắm được quãng đời phiêu lưu đầy mạo hiểm, đầy dũng cảm của Dế Mèn.

Chỉ một buổi học thôi mà làm chúng tôi ấn tượng mãi về nhà văn Tô Hoài. Ông sống rất giản dị, bình dân, gần gũi với mọi người. Giờ giải lao, được ngồi chung bàn với ông là cả một niềm vinh dự! Ông tâm sự: Ngoài những tác dụng giáo dục trẻ nhỏ, kể cả giáo dục mọi lứa tuổi, về lòng thương yêu, bảo vệ loài vật xung quanh mình của câu chuyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tác phẩm còn hướng tới việc dạy lòng nhân ái cho trẻ nhỏ bắt đầu từ lòng thương yêu những con vật nhỏ nhất, từ con kiến, con ong, con dế… cho đến các loài chim, muông thú. Chia tay rồi, chúng tôi còn lưu luyến mãi dáng hình thân thuộc của nhà văn; nụ cười và ánh mắt toát lên vẻ hiền hậu, khiêm nhường. Nhà văn Tô Hoài đã đi xa nhưng tác phẩm của ông vẫn còn sống mãi; luôn đồng hành cùng nhiều thế hệ bạn đọc!

Lê Đc Đng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)