Đối với mỗi người dân Việt Nam, nếu ai đó dù chỉ một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi làm việc Phủ Chủ tịch hay giữa đời thường thì họ đều coi đó là niềm hạnh phúc và điều may mắn nhất trong cuộc đời mình. Những lần gặp gỡ ấy đã để lại trong ký ức mọi người những kỷ niệm sâu sắc và tình cảm nồng ấm về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
NSND Trần Thị Tuyết (trái) cùng với bức ảnh chụp với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch |
Trong cuộc đời đi làm báo của mình, tôi đã tiếp xúc rất nhiều người nhưng thật may mắn khi được gặp những nghệ sĩ, diễn viên để nghe họ kể những kỷ niệm khó quên khi được gặp Bác Hồ lúc sinh thời.
Kỷ vật vô giá
NSƯT Song Thao tại nhà riêng (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Năm 2015 khi biết giọng ngâm thơ nổi tiếng Trần Thị Tuyết được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, tôi đã đến căn hộ mà gia đình bà đang sống ở đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM để chúc mừng. Đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe của bà không được như xưa do những căn bệnh của tuổi già hoành hành nhưng khi nghe nhắc lại thời huy hoàng mà bà đã đi qua trong thời kỳ chống Mỹ thì NSND Trần Thị Tuyết thật sự hào hứng hơn. Những ký ức về cuộc đời, về nghiệp ngâm thơ phục vụ cho thính giả qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam như được sống lại từ những câu chuyện tưởng như đã cất giấu kín trong sâu thẳm cõi lòng nay có cơ hội được đồng điệu sẻ chia. Bên cạnh những kỷ niệm vác ba lô cùng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đi khắp nơi để biểu diễn, kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời bà là những dịp vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ cho Bác Hồ nghe. “Do những bài thơ này tôi đã từng ngâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam nên đã thuộc sẵn và không cần phải chuẩn bị nhiều. Ngoài một số bài thơ tiêu biểu như Người đi tìm hình của nước, Bài ca vỡ đất, Nhớ con sông quê hương… hay những bài thơ hay nhất của nhà thơ Tố Hữu như Ba mươi năm đời ta có Đảng, Ta đi tới, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Người con gái Việt Nam…”. Theo bà Tuyết, có được may mắn đó là nhờ đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác mời vào phục vụ vào những ngày nghỉ cuối tuần vì chỉ có lúc đó Người mới có thời gian thảnh thơi sau một tuần làm việc căng thẳng. Bà xúc động nhớ lại: “Vì Bác vốn là một nhà thơ giàu tâm hồn nghệ sĩ nên mỗi khi được nghe đọc thơ, ngâm thơ Bác rất vui vẻ và hào hứng. Bác khen tôi ngâm thơ hay, rõ chữ nhưng cần phải giữ giọng và luyện thêm. Dù tôi ngâm cho Bác nhiều bài nhưng Bác vẫn thích nhất là Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm vì theo Bác hồi nhỏ, Người đã nghe rất nhiều nhưng lâu lắm rồi mới được nghe lại. Đó cũng là tình cảm chung của mỗi người dân Việt Nam luôn quý trọng đối với những kiệt tác văn học nước nhà như đã thấm vào máu thịt từng người”. Cũng giống như các nghệ sĩ khác vào phục vụ tại Phủ Chủ tịch, sau khi ngâm thơ xong bà còn được Bác dẫn ra vườn tưới cây, ra bờ ao rải thức ăn cho cá. Đến bây giờ bà vẫn nhớ mãi hình ảnh đó dù thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Vinh dự nhất là những lần bà được ăn cơm với Bác bên nhà sàn rợp bóng cây mát rượi: “Bác dặn tôi nhiều điều nhưng tôi vẫn nhớ nhất lời dặn là người cán bộ cách mạng phải quý trọng đạo đức và biết rèn luyện đạo đức giống như “ngọc càng mài càng sáng vàng càng luyện càng trong”. Món quà mà Người tặng đến nay tôi vẫn còn giữ được là cuốn sổ lịch năm 1969”. Cuốn sổ Agenda tuy đã 47 năm nhưng vẫn như còn mới. Tôi lật giở ra xem và thật sự xúc động khi gặp được nét chữ thân quen của Bác được viết bằng loại bút máy thời đó đề tặng với nội dung: “Học tập tốt, phấn đấu tốt chú ý việc luyện thanh góp sức đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Bên trái Người còn ghi thêm dòng chữ: “Chúc vui khỏe và tiến bộ!”.
Tình cảm đối với trẻ thơ và quê nhà
NSƯT Ái Xuân trong một lần biểu diễn đàn tranh (ảnh do nhân vật cung cấp) |
NSƯT Ái Xuân cũng có may mắn gặp Bác Hồ nhiều lần vì thường được vào phục vụ văn nghệ trong Phủ Chủ tịch. Bảy lần được gặp Bác nhưng NSƯT Ái Xuân vẫn nhớ nhất là lần gặp đầu tiên: “Năm đó tôi 11 tuổi, là giọng ca chính của Cung Văn hóa Thiếu niên thủ đô lại hát được giọng Nam bộ nên các cô chú tập kết rất thích. Lần đó vào Phủ Chủ tịch tôi hát bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Sau khi hát xong, một ông cụ mặc bộ đồ ka ki màu vàng hiền từ ngồi chính giữa gọi cô bé đến gần, vuốt râu và hỏi hóm hỉnh: “Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài có phải là chòm râu này không?”. Cả phòng rộ lên tiếng cười làm cho cô bé cũng hơi ngập ngừng một chút nhưng đó là kỷ niệm khó quên nhất đối với lần đầu gặp Người”. Theo lời kể của chị, có lần hai chị em (chị Ái Vân) vừa biểu diễn xong ca khúc Miền Nam ơi, chúng tôi đã sẵn sàng sáng tác của Lưu Cầu thì thấy Bác Hồ rơm rớm nước mắt, sau này lớn lên chị mới hiểu hết tình cảm của Người đối với đồng bào miền Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập.
Bút tích của Bác Hồ trong cuốn sổ lịch tặng NSND Trần Thị Tuyết |
Có lần Bác hỏi: “Bây giờ cháu thích hoa hay kẹo?”. Chờ một hồi không thấy câu trả lời, Người biết ý nên trả lời giùm luôn: “Chắc cháu thích cả kẹo lẫn hoa rồi”. Những lần sau đó chị còn được Bác mời vào ăn cơm với những món ăn bình dân, đạm bạc. Dù Bác ăn rất ít nhưng luôn giục chị ăn cho no, ân cần gắp thức ăn cho cô bé. Lần gặp cuối cùng với Bác đó là vào tháng 7 năm 1969: “Mặc dù sức khỏe đã hơi yếu nhưng Bác vẫn dắt hai chị em vào xem bộ phim về Anh hùng Phạm Tuân bắn máy bay Mỹ. Được ngồi gọn trong lòng Bác nhưng lâu lâu tôi lại nghe tiếng Bác ho, không ngờ đó là lần cuối gặp được Bác”, NSƯT Ái Xuân bồi hồi nhớ lại.
Cuối năm 1965 khi hai đoàn văn công Nghệ An và Hà Tĩnh dự liên hoan ca múa nhạc chủ đề Tiếng hát át tiếng bom, văn phòng Phủ Chủ tịch đã mời một số nghệ sĩ, diễn viên đến thăm Bác Hồ trong đó có NSƯT Song Thao và NSƯT Xuân Năm. Cũng giống như lớp nghệ sĩ cao niên khác, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hai bà vẫn nhớ như in trong đời những lần hát cho Bác nghe những bài hát, bài vè mang âm hưởng dân ca ví dặm như Giận mà thương, Xa khơi, Thần sấm ngã, Mừng chiến thắng trời quê. NSƯT Song Thao kể: “Năm 1961 khi Bác về quê Nam Đàn, tôi hát phục vụ cho Bác nghe bài Tiếng hát sông Lam khi đến câu: Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh” thì sau đó Bác nói vui đại ý: dân xứ Nghệ phải hát “nước” là “nác” mới đúng từ địa phương”. “Khi tôi hát dặm bài Thần sấm ngã tại Phủ Chủ tịch đến câu: “Trôốc thì nậy hơn đuôi” Bác dừng lại giải thích, tiếng Hà Tĩnh trôốc là đầu còn nậy là lớn, to để cho mọi người hiểu rõ hơn. Dù đi xa quê hương hàng chục năm ở nước ngoài, Người vẫn nhớ những câu nói nơi quê mình từng sinh ra và lớn lên thuở ấu thơ” – NSƯT Xuân Năm xúc động nhớ lại.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)