Nhớ lời Bác dặn
Năm 1956 vào một ngày chủ nhật, Hồ Chủ tịch đã vào ghé thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chính đây là dịp may mắn nhất để ông Lương Đức Nhuận, nguyên cán bộ Ban khoa giáo Thành ủy TP.HCM được gặp Người.
Ông nhớ lại rất rõ dù đã cách xa hơn nửa thế kỷ: “Hôm đó đang ngồi học bài trên giường tầng, tuy là ngày nghỉ nhưng tôi không đi chơi đâu cả. Trong lớp có vài bạn quê ở miền Trung xa nhà nên cũng loanh quanh trong khu nội trú. Khoảng 9 giờ sáng bỗng có ai đó chạy vào phòng loan tin Hồ Chủ tịch đến thăm trường. Như chiếc lò xo, tôi bật dậy chạy ra ngoài sân trường. Lúc này tôi đã thấy nhiều người tập trung ở đó, Bác Hồ cũng vừa từ trong khu nhà bếp đi ra. Trước mặt tôi là hình ảnh một ông cụ dáng cao, vẫn bộ đồ ka ki như mình đã từng thấy trong phim ảnh. Đầu Bác để trần không đội mũ, tóc đốm bạc màu sương, dáng đi nhanh nhẹn. Một số công nhân đang sửa chữa khu nhà ở của trường cũng tụ tập trước sân. Sau khi hỏi thăm một anh công nhân, Bác căn dặn phải tích cực làm việc để xây dựng lại thành phố. Bác nói thêm: “Chú biết không, công nhân có vai trò lớn lắm vì các chú là giai cấp tiên phong mà”. Quay sang trò chuyện một bạn sinh viên khoa văn, Bác nói một cách hình ảnh: “Nông dân còn thất học, việc mang chữ đến cho dân như mang nước đến cho người khát nước”. Bất ngờ Bác hỏi: “ Muốn có nước cấp cho dân thì phải làm gì, cháu nói thử xem?”. “Dạ thưa Bác, muốn có nước thì phải đào giếng ạ” – cậu sinh viên khoa văn nhanh nhảu đáp. Đến khi Bác chất vấn tiếp: “Sau khi đào giếng xong ta phải làm gì?” thì … không thấy cậu ta trả lời. Bác vui vẻ nói: “Có nước rồi thì phải tìm cách mang nước đến tận nơi cho dân, đúng không?”.
Tuy thời gian nghe Bác nói chuyện không nhiều nhưng dấu ấn lần đầu tiên gặp Bác từ đó trở đi cứ đọng mãi trong tâm trí ông Nhuận – một học sinh kháng chiến của TP. Hà Nội. Không chỉ có ông mà những người hôm đó nhớ mãi hình ảnh “mang nước đến cho người khát nước” như lời dặn dò của Người đối với các thầy cô giáo tương lai dù khó khăn bao nhiêu cũng phải mang ánh sáng văn hóa đến cho nhân dân. Vì thế sau khi ra trường thầy giáo Lương Đức Nhuận đã xung phong về dạy tại một trường Cấp 3 ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cách nhà gần 50 cây số.
Bác Hồ với bộ đội phòng không – không quân Gia Lâm |
Một lần gặp Bác
Dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông Ngô Ngọc Quốc là lần được gặp Bác Hồ vào năm 1957. Lúc này chàng trai quê ở Bắc Ninh đang phụ trách điều phái máy bay và là một trong những người đầu tiên tiếp quản sân bay. Đây là lần đầu tiên Bác Hồ trở về quê ở Nghệ An bằng đường hàng không sau 50 năm xa nhà. Trước đó mấy ngày trong đơn vị đã có tin Bác sẽ đến sân bay Gia Lâm nên ai cũng náo nức đón chờ. Khẩu hiệu, cờ sao đã chuẩn bị sẵn. Sáng ngày 14 – 6 trong sân bay đội ngũ đã xếp hàng chỉnh tề. Khi thấy Bác từ trên xe bước xuống nhiều người vỗ tay reo vang. Ông Quốc nhớ như in: “Bác mặc bộ quần áo ka ki vàng nhạt đã bạc màu, chân đi đôi dép cao su đã mòn gót rất giản dị. Bác vẫy tay chào mọi người, nở nụ cười hiền từ và rạng rỡ. Sau đó Bác đứng trên một cái bục cao nói chuyện để mọi người nhìn cho rõ. Lúc này tôi mới thấy dáng Bác cao hơi gầy, giọng nói khi cất lên thì sang sảng. Không hiểu sao tôi bỗng có cảm giác giữa Bác và chúng tôi như tình cảm giữa cha và con, thân thiết như người trong gia đình. Bác dặn rất nhiều nhưng tôi nhớ nhất là Bác khuyên chúng tôi phải học thêm kỹ thuật để sửa và lái máy bay cho giỏi, có điều kiện là phải học lên tiếp để nâng cao trình độ”. Bỗng nhiên Bác hỏi: “Trước cổng sân bay có tấm bảng Phi trường Gia Lâm, không biết ai đã viết như vậy?”. Không thấy ai trả lời, đồng chí giám đốc liền thưa: “Thưa Bác, đó là tên sân bay có trước ngày Hà Nội giải phóng”. Bác cắt nghĩa: “Phi tiếng Hán là bay, trường là sân. Tại sao không sửa thành Sân bay Gia Lâm? Khi nào tiếng Việt không có ta mới vay mượn tiếng nước ngoài, còn không, phải dùng tiếng Việt mới trong sáng và dễ hiểu”. Bác cũng dặn thêm, đừng gọi là “phi cơ” nữa mà phải gọi bằng “máy bay” mới đúng.
Một chi tiết mà ông Quốc còn nhớ rõ là sau khi nói chuyện xong Bác được các nhà báo mời chụp hình. Thế là tất cả anh em ai cũng muốn đứng gần Bác để được lọt vào ống kính, nhiều người ở ngoài xa cũng muốn chen vào cho được. Thấy vậy Bác lên tiếng: “Thôi tất cả đứng vào hàng, ai ở phía trước thì ngồi xuống cho đủ chỗ”. Khi anh em sắp xếp xong Bác vui vẻ: “Bây giờ Bác đứng giữa được không?”. Mọi người vỗ tay hưởng ứng. Sau đó khoảng 10 phút Bác vẫy tay chào mọi người một lần nữa để lên máy bay.
Câu chuyện của một học sinh miền Nam
Năm 1959 khi mới tròn 15 tuổi, bà Lê Minh Ngọc (nguyên Phó giám đốc Sở GD – ĐT TP.HCM) – Phó chủ tịch Hội khuyến học TP.HCM có được vinh dự đại diện cho các cháu học sinh miền Nam trên đất Bắc ra Thủ đô gặp Bác Hồ. Đúng nửa thế kỷ đã đi qua nhưng bà Lê Minh Ngọc vẫn giữ mãi trong lòng những phút giây hạnh phúc đó.
Ngày hôm đó tại phòng khách, tôi cùng 2 bạn thiếu nhi khác được ưu tiên đứng trước để đón Bác Hồ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng nghe nói sắp được gặp Chủ tịch nước, tôi hồi hộp lắm. Một lúc sau Bác xuất hiện, tất cả đứng dậy vỗ tay chào Người. Thấy có 3 cháu quàng khăn đỏ đứng ở hàng trên, Bác đến gần hỏi thăm. Khi nghe người cán bộ giới thiệu một cháu người miền Nam, một cháu Hà Nội và một học sinh Hải Phòng, Bác nói: “Các cháu lại gần đây ngồi với Bác”. Tôi chưa kịp ngồi thì Bác bảo tiếp: “Cháu nào người miền Nam thì ngồi ghế giữa cùng với Bác”. Thế là tôi thật may mắn được ngồi cạnh Bác Hồ, còn 2 bạn kia ngồi vào ghế 2 bên.
… Tối hôm đó khi xem chương trình liên hoan văn nghệ tôi lại có thêm một dịp nữa để gần Bác. Lúc này có nhiều thời gian hơn buổi sáng nên Bác hỏi chuyện về miền Nam rất nhiều. Bác hỏi về gia đình, ba má tôi. Biết tôi ra Bắc sống một mình Bác hỏi “cháu có nhớ nhà không”. Tôi gật đầu, Bác động viên: “Càng nhớ má cháu càng phải học giỏi vào nhé”. Biết tôi còn sinh hoạt trong Đội TNTP, Bác động viên cố gắng phấn đấu vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam.
Sau này mỗi khi nhắc lại chuyện gặp Bác Hồ tôi luôn xúc động vì thấy Bác lúc nào cũng quan tâm đến các cháu thiếu nhi, luôn nghĩ về miền Nam – quê hương của tôi nhất là trong hoàn cảnh nước nhà đang bị chia cắt. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao Người lại nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Nhớ câu chuyện Bác ưu tiên một mình tôi được ngồi gần Người, tôi lại càng thương Bác hơn. Khắc ghi lời Bác, tôi càng phấn đấu và học chăm hơn. Ngay trong cuối năm học đó tôi đã được đứng vào hàng ngũ của Đoàn như lời dặn dò của Người.
Hương Thủy (ghi)
Bình luận (0)