Trong khi dư luận cả nước đang hoang mang với loài bọ xít hút máu người thì ít ai biết rằng có một loài ký sinh trùng khác rất nguy hiểm, có thể gây tử vong tên là mò đỏ. Nếu cắn người sẽ truyền bệnh sốt gọi là sốt mò.
Thập tử nhất sinh vì mò
Sáng 26/10, nhận được thông tin một cụ bà bị bọ xít hút máu đang rất nguy kịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi liền có mặt ngay. Thật bất ngờ khi nghe các bác sĩ nói rằng, "thủ phạm" gây bệnh không phải là bọ xít mà là con mò đỏ.
Anh Đỗ Hữu Thông – con trai bệnh nhân Trương Thị Tô (trú tại thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh) cho biết: Ngày 16/10, mẹ anh bị sốt, nhức đầu dữ dội, mất ngủ suốt đêm, đau nhức toàn thân. Gia đình đưa bà đến khám tại phòng khám tư của một bác sĩ và được kê đơn trị bệnh cảm cúm. Sau 4 ngày dùng thuốc, mẹ anh đau đớn quằn quại, rối loạn tri giác, khò khè khó thở.
Bệnh nhân Trương Thị Tô đang được người nhà chăm sóc tại
bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.
|
Gia đình đưa bà vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, bác sĩ phát hiện ra vết loét dưới vùng ngực phải và kết luận bà bị bệnh sốt mò, do bị con mò đỏ đốt, không phải bị bọ xít hút máu như đồn đại.
Bác sĩ Phan Thế Long – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, sau gần 1 tuần điều trị, bà Tô đã dứt sốt nhưng khoa lại vừa cấp cứu 2 ca khác cũng bị bệnh sốt mò. Trong đó có 1 ca rất nặng do biến chứng viêm phổi.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hành – Viện phó Viện Quân y 87 (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị bệnh sốt mò.
Có nhiều trường hợp "thập tử nhất sinh" như trường hợp chị Nguyễn Thị Thơ (20 tuổi, trú tại thôn Hương Điền, phường Phước Hải, Nha Trang). Sau 7 ngày sốt cao điều trị ngoại trú không khỏi bệnh nhân mới được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 87, test nhanh chẩn đoán sốt xuất huyết và điều trị theo hướng sốc Dengue.
Sau đó khám thấy vết loét ở bả vai trái, các bác sĩ tại đây xác định bệnh nhân bị sốt mò biến chứng tổn thương đa phủ tạng: Viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm phổi kẽ, suy hô hấp rất nặng. Bệnh viện phải điều trị bằng hồi sức tích cực (thở máy, Dopamine) sau 18 ngày bệnh mới thuyên giảm.
Nhà nông là đối tượng chính
Theo bác sĩ Hành, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tránh tiếp xúc với mò. Khi vào rừng, nơi cây cối rậm rạp phải mặc quần chẽn gấu, chân quấn xà cạp, đi giày… ; dùng thuốc xua côn trùng bôi da; phun tồn lưu hoá chất diệt côn trùng…
|
Theo Bệnh viện Quân y 87, phần lớn các trường hợp mắc bệnh sốt mò và đã điều trị tại viện là nông dân, trong độ tuổi lao động từ 26-45. Bác sĩ Nguyễn Bá Hành cho biết: Những vùng ven sông, ven suối, nơi có các bụi cây rậm là nơi con mò đỏ thường sinh sống.
Vật trung gian truyền bệnh sốt mò là ấu trùng mò đỏ (Leptotrombidium akamushi và L. deliense). Ngay sau khi nở ấu trùng mò đỏ đã mang sẵn mầm bệnh. Chúng bò lên cỏ hoặc lá mục đợi vật chủ là người hoặc động vật để bám vào hút máu. Ở người, mò đỏ thường cắn ở vùng kín.
Ấu trùng mò đỏ có 6 chân, nhiều lông và không thể phát hiện bằng mắt thường. Một khi bám vào người, chúng thường đốt từ 3-8 ngày và tạo nên vết loét không đau hay ngứa nên rất khó phát hiện.
Có tới 85% bệnh nhân nhập viện muộn do chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như cảm cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, sốt thương hàn, nhiễm virus cấp, nhiễm trùng huyết, viêm não… Và 65% bệnh nhân nhập viện sau 2 tuần bị bệnh, khi đã biến chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân, tổn thương đa phủ tạng, dễ gây tử vong.
Theo Dân Việt
Bình luận (0)