Kỹ sư âm thanh, trong đó có DJ (disc jockey – thợ chỉnh nhạc), một nghề thời thượng của giới trẻ – là công việc sáng tạo khá quan trọng của công nghệ sản xuất âm nhạc. Nhưng cho tới đầu năm 2008, việc đào tạo kỹ sư âm thanh vẫn còn khá mới mẻ và chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Mới đây, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành nghề này, và trong tương lai, có thể đây sẽ là một ngành nghề hút giới trẻ.
Kỹ sư âm thanh – nghề nhiều tiền
DJ – một nghề nhỏ của kỹ sư âm thanh, người được đào tạo kỹ sư âm thanh bài bản sẽ là một tay chơi DJ khá ổn. Lương của một DJ Việt Nam hiện tại chừng 1.500 – 3.000 USD/ tháng, lương của kỹ sư âm thanh cũng sẽ tương đương như vậy.
Khá nhiều người chỉ nghĩ kỹ sư âm thanh chỉ làm việc trong các studio sản xuất băng đĩa, nhưng trái lại, kỹ sư âm thanh có mặt ở mọi nơi: trong các show diễn lớn của ca sĩ, chỉnh nhạc – âm thanh trên các chương trình radio, kênh tivi, có vai trò quan trọng trong khâu thu âm của các ca sĩ, rồi truyền thông nghe nhìn. Trên thế giới, kỹ sư âm thanh là linh hồn của một show diễn, một sự kiện truyền thông quan trọng.
Tuy nhiên, đào tạo kỹ sư âm thanh ở Việt Nam tính đến đầu năm 2008 vẫn chưa được đào tạo bài bản. Phần lớn các kỹ sư âm thanh đang sống và làm việc tại các studio, các sân khấu đều được học từ nước ngoài về, hoặc “săn” sư phụ và truyền nghề, học lóm. Bởi vậy, kỹ sư âm thanh vẫn chỉ là những nhóm người thầm lặng đứng phía sau lưng những ekip nghe nhìn, chỉnh nhạc, chỉnh âm như một thợ âm thanh khô khan.
Kỹ sư âm thanh được gọi là nghề ngàn $, ngoài lương cao, còn là vì chi phí học nghề quá đắt. Học phí để thành một kỹ sư âm thanh của khoa kỹ sư âm thanh của Trường ĐH Hoa Sen (phối hợp với trường CIFAP – Trung tâm Đào tạo nghe nhìn Pháp) có giá 1.500 USD/năm (đào tạo 2 năm – hệ học viên), đó là chưa kể những máy móc bạn sẽ phải mua để hành nghề sau này. Chẳng hạn như máy móc cho mỗi DJ – nghề thời thượng mà nhiều kỹ sư âm thanh đang hoạt động là 1.200 – 1.800 USD cho bộ DJ gồm 2 turntable (bàn xoay), 1.200 – 1.600 USD cho một mixer (bàn trộn), 1.300 USD cho 1 cặp CD, 3.000 – 4.000 USD cho một bộ sound effect. Rồi laptop, headphone, đĩa nhựa vinyl0. Chừng 8.000 USD – 130 triệu! Còn máy móc cho một audiophile – từ gọi chung những người chơi âm thanh – cũng tương đương cỡ đó!
Nghề cám dỗ và đào thải cao!
Không phải tự dưng người ta nói kỹ sư âm thanh là nghề cám dỗ, vì ngoài mức lương cao,
môi trường làm việc vô cùng phức tạp. Chơi và chỉnh nhạc – âm thanh trong bar – vũ trường là một ví dụ, khói, thuốc, những cuộc chơi nửa đêm về sáng, âm thanh hỗn loạn, uống rượu và sử dụng chất kích thích. Rất nhiều kỹ sư âm thanh phải từ bỏ vì những cám dỗ đó.
Thêm nữa, không ai bảo vệ sức khỏe cho đôi tai và đôi tay – hai bộ phận quan trọng nhất của một kỹ sư âm thanh – bằng chính mình tự bảo vệ: Tiếp xúc với đủ loại âm thanh, trộn đủ loại nhạc thử nghiệm. Tuổi đời cho một kỹ sư âm thanh là dài, nhưng tùy thuộc vào sức khỏe của bạn.
Thêm nữa, một kỹ sư âm thanh, không chỉ là chỉnh nhạc máy móc, còn phải tự nghĩ cho mình những sáng tạo riêng, học hỏi để luyện tay nghề. Vậy nên việc nửa đêm thức dậy, săn nhạc trên các website để mua về làm tài liệu cho mình, hoặc chơi đi chơi lại nhiều lần để thành thạo và sáng tạo là chuyện bình thường. Các bar, vũ trường, studio trả cat-sê theo đẳng cấp của từng kỹ sư âm thanh, chỉ gọi và tin tưởng phong độ của kỹ sư âm thanh vào thời điểm đó. Nên đào thải của nghề là khá lớn.
Học kỹ sư âm thanh ở đâu?
Nếu muốn được đào tạo là một kỹ sư âm thanh, bạn có thể đăng kí học tại Trường ĐH Hoa Sen, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình. Còn DJ thì học tại Kool studio (176/3 Phú Nhuận). Nghề nào cũng vậy, chỉ cần đam mê và vượt qua những cám dỗ, chịu khó học hỏi và sáng tạo không ngừng thì bạn sẽ thành công!
Việt Khôi
Lưu ý khi học kỹ sư âm thanh: Phải có một đôi tai tốt (không bị khiếm thính hoặc bệnh gì ảnh hưởng đến khả năng nghe) Khi chọn trường học âm thanh, hãy chú ý xem trường đó đã đào tạo ai thành công chưa, giáo trình giảng dạy đã khoa học, chuyên nghiệp? Máy móc có hiện đại và đảm bảo đủ giờ thực hành cho bạn không? Từ kỹ sư âm thanh lên đến producer – nhà sản xuất âm nhạc là hướng đi chung của các kỹ sư âm thanh hiện tại. Nếu có đủ tài chính, hãy học kỹ sư âm thanh từ các trường đào tạo nước ngoài, Singapore, Thái Lan là hai điểm đến của giới kỹ sư âm thanh Việt Nam – vì vừa rẻ, vừa hiện đại. Hiện tại, có rất nhiều dự án đào tạo kỹ sư âm thanh nói chung và DJ nói riêng hợp tác với nước ngoài đang được thảo luận. Trong tương lai, nghề này sẽ được nhắc đến rất nhiều. |
Bình luận (0)