Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Kỹ sư điện tử đi nuôi dế

Tạp Chí Giáo Dục

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, nhưng ra trường lại trở về quê theo nghiệp nông gia. Sau một thời gian chịu khó làm ăn và cũng không ít lần thất bại, giờ đây, anh Phan Khắc Ninh đã trở thành “triệu phú làng cổ” nổi tiếng tại Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) với nghề nuôi dế.

Trăn trở với nghề

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng kiêm trại nuôi dế, gương mặt trẻ trung và khá thân thiện của anh Chủ nhiệm Hợp tác xã phát triển chăn nuôi và dịch vụ thương mại tổng hợp Đường Lâm đã làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Tuổi đời mới ngoài ba mươi, nhưng ông chủ trại dế tỏ ra là người khá giàu bản lĩnh.
 
Lớn lên tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, anh Ninh luôn mơ ước làm giàu trên chính quê hương mình từ hồi còn trẻ. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp khoa Điện tử của Trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội, anh ra làm việc, theo nghề liên quan đến máy tính, điện tử nhưng theo anh là “khô khan, cứng nhắc”. Niềm trăn trở vẫn đau đáu trong anh. Một lần lang thang trên mạng Internet tình cờ đọc được thông tin về một nông dân ở TP.Hồ Chí Minh làm giàu từ nghề nuôi dế, anh thấy cũng không quá phức tạp để thực hiện, song với chàng kỹ sư lúc bấy giờ, dự định nuôi dế vẫn còn quá xa vời. Anh cho biết: “Lúc đó, mình cũng chưa biết gì về nghề nuôi dế và chưa định hình được nghề này như thế nào”.
Nhưng quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê mình đã trở thành động lực thôi thúc Ninh tìm đến con dế, bởi lẽ sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật chăm nuôi cũng như điều kiện môi trường, anh thấy hoàn toàn khả quan để phát triển nghề thuần nông này. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định dành toàn bộ số tiền tích cóp được cộng với sự hỗ trợ từ gia đình để đầu tư nuôi dế.
Năm 2006, anh vào tận Củ Chi (TPHCM) để mua dế giống và nhờ tư vấn cách làm.
Những ngày đầu khởi nghiệp
Có được con giống, anh Ninh bắt tay vào chuẩn bị và đầu tư trang trại để nuôi dế. Nhưng hai “lứa” đầu bị thất bại hoàn toàn vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Anh tiếp tục mày mò kiến thức qua tài liệu báo chí và kinh nghiệm thực tiễn từ những chủ dế đã thành công ở huyện Mỹ Đức, Quốc Oai… Anh Ninh tiếp tục đầu tư một “lứa” mới và lớn hơn hẳn hai lứa trước và lần này, anh đã thành công. Theo kinh nghiệm của anh, giống là khâu quan trọng nhất, nên cần phải lựa chọn một cách kỹ càng, khi nuôi cần phải chăm sóc rất cẩn thận, giai đoạn khó chăm sóc nhất là trong khoảng 10 ngày đầu trứng nở. Anh Ninh cho biết: Vòng đời của con dế từ lúc nở đến lúc xuất bán khoảng 40 – 45 ngày, mỗi con dế đẻ khoảng 300 – 400 trứng, từ lúc xuất bán đến lúc sinh sản trong vòng 1 tuần và đẻ liên tục trong vòng 20 ngày sẽ chết.
Nhân rộng mô hình
Sau một thời gian nuôi thành công, anh Ninh đã vận động bà con trong xã nuôi dế để phát triển kinh tế. Nhờ vào kinh nghiệm bản thân, anh đã tự soạn tài liệu hướng dẫn để bà con học tập. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay cả xã có hơn 40 hộ nuôi với quy mô trên 20m2. Anh Ninh chia sẻ: “Nuôi dế hiệu quả lắm, chi phí đầu tư ban đầu thấp mà lợi nhuận thu lại khá cao, ít rủi ro”. Giờ đây, nguồn tiêu thụ của anh rất ổn định, thậm chí gần đây, mặt hàng dế thương phẩm không cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường. 
Khi được hỏi về thu nhập từ nuôi dế, anh Ninh khiêm tốn: “Tính đơn giản theo kiểu “nông dân”, mỗi tháng gia đình tôi thu về trên dưới chục triệu đồng”. Giá thành hiện tại khoảng 200.000đ/kg.
Hiện nay, sản phẩm dế của anh Ninh đã được mọi người biết đến. Một số nhà hàng lớn tại Hà Nội đã đưa sản phẩm này vào thực đơn để chế biến thành những món ăn đặc sản phục vụ khách hàng. Nguồn tiêu thụ dế của anh cũng như của bà con trong xã khá ổn định. Hiện tại, ước tính mỗi ngày, HTX cung cấp 40 – 50kg dế thương phẩm (1,2 – 1,5 tấn/tháng) cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong mấy năm gần đây, sản phẩm dế của anh còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan.
Trong vai trò là Chủ tịch Hội Nuôi dế Đường Lâm, anh Ninh là người luôn đi đầu và là đầu mối cho hoạt động thu mua xuất khẩu dế ở quê nhà. Với anh, cái khó lớn nhất đối với xuất khẩu con dế bây giờ chính là hàng rào thương hiệu. Mong muốn lớn nhất của anh chính là con dế sớm được xác nhận vào danh mục sản phẩm chăn nuôi, tiến tới xét tiêu chuẩn và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho sản phẩm. Hiện anh cùng với nhiều hộ nuôi dế khác đã gửi đơn lên cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm của thành phố và chờ kết quả.
Với mô hình sản xuất tiên tiến trên, anh Ninh đã được nhận bằng khen thành tích phong trào thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi của Thành đoàn Hà Nội.
Nguyễn Lộc
Theo Lao Dong

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)