Hằng ngày ảnh Bảy Trọng vẫn chăm chỉ với nghề lặn sông của mình |
Những hộ dân sống dọc hai bờ sông Đồng Nai chủ yếu sống bằng nghề nuôi cá bè, chài lưới, thả câu, mò ốc hến, tìm phế liệu… Trải qua bao thăng trầm cùng sông nước, đến nay, phận nghèo vẫn đeo đuổi họ như một định mệnh nghiệt ngã…
Sống nhờ đáy sông
Đến thăm nhà thợ lặn Bảy Trọng tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), chúng tôi bắt đầu bước vào thế giới của những mảnh đời sống nhờ vào đáy sông. Chờ cho con nước ròng (cạn) hết cỡ, anh Bảy Trọng nổ máy ghe đưa chúng tôi đi gặp những người vớt trùn chỉ, cào hến dưới đáy sông Đồng Nai. Đúng như những gì anh Trọng nói, mới 5 giờ sáng nhưng đã có rất nhiều người trầm mình dưới dòng nước sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, đoạn chảy qua cù lao Phố thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) để hành nghề. Mọi người tất bật xúc xúc, cào cào những “sản vật” mà dòng sông ban phát. Chúng tôi cho ghe tấp vào chỗ hai anh em Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Phúc (sống tại khu nhà bè Tân Mai) đang hì hục dùng vợt lưới cào hến, xúc trùn. Bùn đen bị khuấy lên bốc mùi nồng nặc. Nước cạn, mùi tanh của bùn và mùi khó chịu của nước thải khiến chúng tôi hắt xì liên tục, nhưng Nghĩa vẫn tỉnh bơ. Anh Nghĩa phân tích: “Chỗ nào gần các đường cống nhà máy xả nước thải mới có nhiều trùn. Sông Đồng Nai chỉ có đoạn gần Nhà máy Giấy Tân Mai và bờ kè bến đò An Hảo (phía bờ KCN Biên Hòa 1 thuộc phường An Bình) mới có trùn chỉ, chứ không phải chỗ nào cũng có để xúc đâu”. Nhìn dòng nước cạn, đen ngòm, chúng tôi ái ngại hỏi: “Ngâm mình dưới nước bẩn suốt thế này không bị ngứa sao?”. Anh Phúc cười: “Ngứa hay không anh xuống ngâm mình hai tiếng thì biết ngay ấy mà. Tụi tôi ai chẳng bị ghẻ ngứa, nhưng vì kế sinh nhai nên phải cố. Khi nào lên bờ thì tìm mua thuốc thoa vào”. Dưới khúc sông dài chưa tới 2km đã có hàng trăm người trầm mình trong nước để tìm nguồn sống. Chỉ tính riêng tại khúc sông gần Nhà máy Giấy Đồng Nai cũng có trên 50 người đang miệt mài xúc trùn chỉ, cào hến. Họ bám vào các bãi bồi, vùng nước cạn để mưu sinh. Anh Bảy Trọng ví von: “Họ như những nàng tiên cá, lúc nào cũng trầm nửa thân mình dưới nước vậy đó”. Lân la làm quen với nhóm ba người đang ngụp lặn cào hến ở mép sông, chúng tôi mới biết họ là ba anh em nhà Trương Hùng. Cậu em út là Trương Hiếu Quân, học viên Trung tâm Văn hóa phường Tân Mai. Anh Trương Hùng tâm sự: “Chỉ có người nghèo như chúng tôi mới dầm mình dưới đáy sông như thế này mà thôi. Những người khá giả hơn đã có ghe máy để cào, để xúc hoặc thuê người làm. Đặc thù của công việc khiến chúng tôi phải luôn tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Vì ở nơi nào bùn lầy nhiều thì mới có nhiều trùn, hến sinh sống”. Cả ngày lao động cực nhọc như thế, nhưng số tiền họ kiếm được chẳng đáng là bao. Chị Nguyễn Thị Hương, xóm nhà bè, phường Tân Mai chia sẻ: “Mỗi con nước (ngày) xúc được 2-3 thùng trùn chỉ (loại thùng 20 lít), thu về khoảng 40-45 ngàn đồng là cùng. Còn hến thì kiếm được khoảng 20 ngàn đồng/ngày (4-5 thùng 20 lít). Bây giờ, trùn, hến đều hiếm, ngâm mình dưới nước cả buổi mới kiếm được vài chục ngàn đồng. Nhưng không đi xúc, đi cào thì tụi tôi không biết làm nghề gì để sống”. Thu nhập đã thấp, những người thợ lặn này có khi phải gánh chịu nhiều rủi ro và tai nạn trong lúc hành nghề. “Chuyện giẫm phải miểng chai, miểng sành, dao kéo, sắt thép dưới đáy sông khiến đứt chân, tay dẫn đến nhiễm trùng là điều mà những người dựa vào sông nước mưu sinh như chúng tôi thường phải đối mặt. Nghề nó vậy, đành phải cắn răng chịu đựng chứ biết làm sao hả anh”, anh Trần Hải Vương trải lòng.
Những khát khao thường nhật
Rời bãi xúc trùn, cào hến, anh Bảy Trọng tăng ga cho ghe chạy ngược dòng giữa con nước chảy xiết. Do nước ngược nên để đến được khu nhà bè Tân Mai (cách nơi xuất phát khoảng 3km), chúng tôi phải mất hơn nửa giờ lênh đênh trên sông nước. Trên đường đi, anh Bảy tâm sự: “Thật ra không ai muốn bám đáy sông mưu sinh hay lênh đênh trên sông nước kiếm cơm qua ngày đâu. Chỉ có người nghèo mới làm nghề cào hến, xúc trùn. Và ở Biên Hòa này cũng chỉ có dân ở làng bè mới đi cào hến, xúc trùn kiếm cơm thôi. Cực nhọc, tủi nhục, cuộc sống bấp bênh nhưng buông nghề ra thì họ lại không biết bám víu vào đâu nên đành phó mặc cho số phận”. Chúng tôi ghé thăm bè cá của chị Trần Thị Ngọc (ở làng bè Tân Mai). Nơi ở của ba mẹ con chị chỉ là một cái lồng nuôi cá với diện tích chỉ chưa tới 8m2, thấp lè tè, nổi bồng bềnh trên mặt nước. Chị Ngọc nói buồn: “Ba mẹ con tôi không sợ chỗ ở chật chội, mà chỉ lo bệnh tật, không có việc làm. Tụi nhỏ hàng ngày lên bờ làm thuê cho người ta. Còn tôi thì xúc trùn kiếm được khoảng 20 ngàn đồng/ ngày. Cuộc sống khó khăn quá, không biết bao giờ tôi mới có tiền lên bờ để mua miếng đất ở cho đỡ cực tấm thân”. Thấy chúng tôi ghé bè chị Ngọc, nhiều người khác cũng chèo xuồng sang chơi. Bà Lê Hoàng Miến kể: “Dân bè tụi tôi mỗi lần cưới dâu, gả con gái hoặc có chuyện hữu sự phải lên xin ban hành giáo nhà thờ tìm nơi tổ chức. Chứ nơi ở chật chội như vầy thì lấy chỗ đâu mà lo chuyện cưới hỏi, ma chay. Còn thuê nhà hàng để tổ chức thì nghèo quá, làm gì lo nổi!”.
“Ngày cũng như đêm, mùa mưa hay mùa nắng, miễn sông Cái cạn đáy là tụi tôi tất tả chèo ghe đi làm”, ông Hồ Hải Lành, một ngư dân ở làng bè, cho biết. Bà Huyền Kim, người sống lâu năm tại làng bè tâm tư: “Khi còn sống thì chúng tôi mơ có một chỗ ở trên bờ và một công việc ổn định. Đến lúc “nhắm mắt xuôi tay” thì mơ được yên nghỉ tại nghĩa địa. Vậy mà đời này sang đời khác, chúng tôi vẫn chưa có nổi miếng đất cắm dùi”. Nói rồi, bà Kim dẫn chúng tôi đến bè gia đình ông Lê Văn Luyện cách đó không xa như để chứng minh điều này. Cũng cảnh mái bè cách mặt nước 2m, hầm hập nóng vào mùa hè, nhưng bảy nhân khẩu trong gia đình ông Luyện đã quen sống với 12m2 diện tích mặt sàn. Ông bộc bạch: “Phía trên thì cha con tôi ở, dưới thì dành cho cá”. Bà Trần Hồng Cẩm Nhung, vợ ông Luyện nói giọng buồn thiu: “Vừa rồi, lúc ổng lội sông vớt trùn, đạp phải miếng thiếc cắt đứt chân bị làm độc, điều trị mất hơn 3 triệu đồng. Các con tôi muốn lên bờ đi làm công nhân, tìm lối thoát và trả nợ nhưng vì địa phương chưa cho đăng ký tạm trú, không thể xác nhận hồ sơ xin việc nên đành chịu. Buồn thay, mấy đứa cháu chẳng đứa nào biết mặt con chữ vì bố mẹ chúng đều làm nghề xúc trùn, cào hến kiếm sống qua ngày nên nói đến chuyện học thì thật là xa xỉ”.
Chờ nước lớn, chúng tôi theo con nước xuôi về nhà. Dọc đường chúng tôi gặp rất nhiều ghe nhỏ, ghe máy trong khoang đầy trùn, đầy hến đang ngược xuôi kiếm mối tiêu thụ.
Bài, ảnh: Thái Khuê
Bị áp lực cơm áo gạo tiền làm cho mỏi mệt nhưng trong sâu thẳm những con người cùng khổ ấy vẫn luôn cháy bỏng những khát khao hết sức bình dị. Người mong ước có đủ tiền để lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Kẻ lại mơ mình có một công việc ổn định hơn. |
Bình luận (0)