Một chàng trai gốc Việt 33 tuổi, sinh tại TP.HCM, hiện sống cùng cha mẹ ở TP Brampton (bang Ontario, Canada) đã tiêu tốn ba thẻ tín dụng và toàn bộ khoản tiền tiết kiệm để chế tạo robot giống hệt người (android) đầu tiên của Canada.
Hiện nay, robot Aiko phải ngồi xe lăn vì chưa biết đi lại. Trong ảnh: kỹ sư Lê Trung và robot Aiko tại Trung tâm khoa học Ontario (Canada) tháng 11-2008 – Ảnh: Project Aiko |
Cô người máy Aiko có tất cả các giác quan, trừ khứu giác, đã “ngốn” của chàng kỹ sư độc thân tổng cộng 25.000 USD.
Đó là anh Lê Trung, kỹ sư phần mềm người Canada gốc Việt, hiện làm việc tại Công ty Logitech. Lê Trung cho biết Aiko là android đầu tiên biết phản ứng khi bị làm đau.
Cô robot xinh đẹp
Aiko có đôi mắt nâu, trông giống một người mẫu và có những số đo ba vòng khá chuẩn 82-57-84, trọng lượng 32kg và chiều cao 1,52m.
Ban đầu, Trung định thiết kế Aiko để làm những việc như pha trà và cà phê, thông báo tình hình thời tiết, đọc báo, nhắc uống thuốc đúng giờ. Robot Aiko có thể dùng tại các gia đình, công sở và những nơi công cộng. Anh muốn làm một robot có thể cảm nhận và hành động giống người để là một người bạn hoàn hảo của người già.
Nhưng dự định của Trung đi chệch hướng và anh đã tạo ra một cô robot có cơ thể hoàn hảo và gương mặt xinh đẹp đầy sức biểu cảm với đôi môi biết cử động khi nói chuyện. Lê Trung lý giải "robot Aiko là những gì xảy ra khi khoa học gặp gỡ sắc đẹp".
Cô robot xinh đẹp Aiko – Ảnh: Project Aiko |
Aiko có thể lau dọn nhà cửa, đọc báo, làm toán cơ bản. Đến nay Aiko có thể hiểu và nói được 13.000 câu khác nhau bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.
Aiko biết nhận mặt người (có thể nhận ra 300 khuôn mặt/giây) và nói xin chào mỗi khi có người quen tới thăm gia đình anh Lê Trung. Thậm chí Aiko còn giúp Trung định hướng đường phố mỗi khi anh có việc phải đi đâu đó.
Cô robot Aiko có các sensor (cảm biến) ở những điểm quan trọng khắp cơ thể và có một camera ở cổ. Những thiết bị này cho phép Aiko phản ứng với sự động chạm, tín hiệu hình ảnh và lời ra lệnh.
Da của Aiko làm bằng silicon, bên trong là một bộ những motor, dây điện và vô số sensor. Với khuôn mặt và cơ thể nhạy cảm với sự động chạm, cô người máy này biết phản ứng theo những cách rất tự nhiên, ví dụ như biết kêu lên khi bị làm đau.
“Chung thủy” với niềm đam mê robot
Trung thích robot nhưng bố mẹ anh lại không hài lòng về sở thích này của anh. Họ nói rằng khi lớn lên Trung phải học y hoặc một các gì khác chứ không phải là học về robot. Theo sự định hướng của bố mẹ, Trung học đại học suốt 11 năm, lần lượt lấy các bằng vi sinh học, hóa phân tích và khoa học đại cương.
Tuy nhiên, Trung vẫn kiên định với mục tiêu lâu dài của mình. Ngoài việc học hành ở trường phổ thông và đại học, Trung vẫn làm việc về phần mềm, phát triển những kỹ năng lập trình để thực hiện giấc mơ chế tạo robot của mình.
Vào ngày 15-8-2007, Trung quyết định sẽ làm một android. Một tháng rưỡi sau, anh xây dựng xong hệ thống phần cứng nền tảng của robot Aiko. Nhưng anh mất hơn một năm để xây dựng phần mềm và cho tới nay bộ phần mềm vẫn tiếp tục được anh phát triển.
Phần mềm mang tên BRAINS (Biometric Eobot Artificial Intelligence Neural System) (tạm dịch là Hệ thần kinh trí tuệ nhân tạo cho robot sinh trắc học). Đây là phần mềm dùng để điều khiển việc nói, đọc, làm toán, nhìn, phân biệt màu sắc, nghe, phát hiện sự chuyển động, nhận dạng mặt người và đồ vật, đồng thời điều khiển các sensor của robot.
Phần mềm BRAINS được thiết kế để tương tác với môi trường xung quanh, xử lý và ghi lại thông tin để nạp vào bộ nhớ trong.
Đầu tháng 11 năm ngoái, Aiko trả lời phỏng vấn lần đầu tiên (Đài truyền hình Global News), sau đó xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng tại Trung tâm quốc tế Toronto và Trung tâm khoa học Ontario.
Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn của chúng tôi với kỹ sư trẻ gốc Việt Lê Trung:
Robot đầu tiên anh chế tạo là vào năm nào?
– Tôi làm ra robot chính thức đầu tiên năm lên 8 tuổi cho một triển lãm khoa học.
Anh có thể miêu tả vài nét về robot này?
– Robot được làm bằng bìa cactông, nó có thể đi lại, chuyển động cánh tay, nói được hai câu và bắn những viên đạn nhỏ.
Anh có bạn gái chưa? Hay Aiko đã lấy mất của anh rất nhiều thời gian rồi?
– Hiện nay tôi còn độc thân. Nhưng tôi vẫn gặp gỡ và trò chuyện với những con người thực.
Là kỹ sư phần mềm tại Công ty Logitech, anh làm thế nào để sắp xếp thời gian cho dự án robot Aiko?
– Tôi làm robot Aiko về đêm khi tôi rảnh rỗi.
Hiện nay robot Aiko có thể nói tiếng Anh và tiếng Nhật. Trong tương lai, anh có định làm robot Aiko “phiên bản tiếng Việt” không?
– Cũng có thể, nhưng hình như không có nhiều người Việt Nam quan tâm đến robot.
Xin cảm ơn anh và chúc các dự án tương lai của anh thành công.
Theo Thương Vũ (TTO)
Bình luận (0)