Được tách ra từ Trường THCS xã Rô Men (huyện Lâm Hà cũ) từ tháng 8-2005, đến nay Trường THCS Liêng Srônh (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã qua 4 năm học, dù còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên đáng kể. Điều thú vị là ngôi trường này hiện… không có tên!
Ngôi trường 2 trong 1 |
1. Nếu không có người dẫn đường, tôi chắc mình khó mà tìm ra Trường THCS Liêng Srônh – xã Liêng Srônh – một huyện mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xếp trong số 61 huyện nghèo nhất nước. Khuôn viên nhỏ bé của trường nằm trên Quốc lộ 27 (cách tỉnh Đắk Lắk hơn 30km và cách TP. Đà Lạt trên 100km). Bảng hiện treo trước cổng trường ghi: “Trường Tiểu học Liêng Srônh”! Vậy, Trường THCS Liêng Srônh ở đâu? Qua làm việc với Ban giám hiệu (BGH) nhà trường tôi mới biết, trong khuôn viên của ngôi trường này đang tồn tại 2 khối cấp, với 2 BGH khác nhau cùng làm việc: dãy phòng học bên trái là Trường Tiểu học Liêng Srônh (khối cấp I); dãy phòng học bên phải là Trường THCS Liêng Srônh (khối cấp II). Ngoài trụ sở chính… không tên này, Trường THCS Liêng Srônh hiện còn 2 phân hiệu nằm ở hai thôn của xã Rô Men, cách đó 20 km (cũng đang mượn tạm cơ sở của 2 trường tiểu học xã này). Ông Nguyễn Xuân Đính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học đầu tiên (2005 – 2006), cơ sở vật chất của Trường THCS Liêng Srônh gần như chẳng có gì (phòng học, bàn ghế, các dụng cụ dạy và học của giáo viên, HS…) đều phải mượn của khối tiểu học. Toàn trường có 19 CB, CNV và 178 HS theo học ở 5 lớp (2 lớp 6 và 1 lớp 7, 1 lớp 8, 1 lớp 9). Năm học đầu tiên với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, chất lượng lên lớp thẳng của trường cuối năm chỉ đạt 80%, số HS yếu kém, lưu ban chiếm tỉ lệ còn cao…
Đến nay, sau gần 4 năm vật lộn với khó khăn và được sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền tỉnh Lâm Đồng, huyện Đam Rông và của ngành GD-ĐT địa phương, một dãy phòng học mới 2 tầng được xây dựng khang trang (với 8 phòng học vừa đưa vào sử dụng tháng 9-2007 trong khuôn viên Trường Tiểu học Liêng Srônh); trang bị 30 máy vi tính được nối mạng nội bộ, các dụng cụ phục vụ dạy và học… đã phần nào cải thiện được tình trạng của trường. Đáng mừng nhất là số lượng và chất lượng giáo dục HS của trường đã nâng lên đáng kể. Trong năm học 2008 – 2009, toàn trường có 426 HS theo học ở 13 lớp (từ lớp 6 – 9), có tất cả 33 CB, GV, CNV; các tổ chức: Chi đoàn giáo viên, Liên đội, Công đoàn được hình thành và hoạt động có hiệu quả.
2. Để tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực”, từ đầu năm học, BGH nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, triển khai đến từng CB, CNV ký cam kết thực hiện như: cuộc vận động “Hai không”, đăng ký các danh hiệu thi đua; tăng cường bồi dưỡng GV về trình độ sử dụng vi tính trong soạn giáo án và giảng bài; tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học… Đối với HS, tăng cường việc duy trì sĩ số HS đến lớp là vấn đề quan tâm hàng đầu, bởi trong 426 HS toàn trường, có 272 HS thuộc hộ gia đình đặc biệt khó khăn (có sổ hộ nghèo). Những năm học trước, số HS bỏ học giữa chừng còn nhiều, các thầy cô giáo phải đến từng nhà dân vận động HS ra lớp; đóng góp trong giáo viên, HS toàn trường tiền, quần áo… hỗ trợ những HS nghèo đến trường. Đa số HS của trường học lực trung bình, tỉ lệ HS yếu cao, việc phụ đạo HS yếu là nhiệm vụ thường xuyên, tăng cường kiểm tra, gần gũi, động viên HS cũng là một phương pháp giáo dục linh hoạt đối với HS người đồng bào dân tộc thiểu số vốn thụ động…
Nhờ đó mà năm học 2007 – 2008 vừa qua, chất lượng giáo dục của Trường THCS Liêng Srônh đạt kết quả khả quan: Số HS bỏ học chỉ còn 6 em (chiếm 1,4%); tỉ lệ HS lên lớp đạt 98,6%. Học kỳ I năm học 2008 – 2009, số HS giỏi của trường đạt 1,7%, HS khá: 18,6%, HS trung bình: 63,3%, HS yếu còn 16,9%. Đáng mừng hơn, những năm học gần đây Trường THCS Liêng Srônh có 5 HS đạt giải HS giỏi cấp huyện (có 1 HS người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên).
Ngoài khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trình độ tiếp thu của HS người dân tộc thiểu số có hạn, đội ngũ CB, GV nhà trường đa số là người từ các tỉnh phía Bắc vào đây công tác, sinh sống và có đến 70% số GV của trường phải thuê nhà để ở và đi dạy. Hiện nay, Trường THCS Liêng Srônh chưa đủ phòng học cho HS, phòng làm việc của BGH, phòng truyền thống của Liên đội, phòng họp GV… chưa có, lấy đâu có phòng ở tập thể cho GV nội trú?
Chia tay thầy trò Trường THCS Liêng Srônh trong chiều cuối tuần để trở về Đà Lạt, ngoái lại phía sau ngôi trường nghèo, nhỏ bé chìm dần trong sương mù và chập chùng đồi núi, lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Trên mảnh đất còn nghèo khó này, nhiều thầy cô giáo trẻ từ những miền quê xa về đây chấp nhận cuộc sống thiếu thốn vẫn tháng ngày lặng thầm gieo những hạt mầm xanh cho tương lai một làng bản. Dù rằng, ngôi trường họ đang công tác không cần có… bảng tên, cũng như họ không cần ai biết đến tên mình!…
Dương Hồng – Thanh Tàu
Bình luận (0)