Y tế - Văn hóaThư giãn

Ký sự nhân vật: Vài điều bây giờ mới kể của “ông vua ký sự”

Tạp Chí Giáo Dục

Khi biết tôi có ý định viết về anh, một đồng nghiệp đã nói: “Đấy là “ông vua ký sự”, em hãy cố mà viết cho hay…”. Tôi kể lại với anh, anh cười khiêm tốn: “Khi có bài báo hay trước hết là do may mắn gặp được những nhân vật quá hay, quá đẹp chứ không phải do mình tài ba gì…”.

1. Anh là nhà báo Hàng Chức Nguyên, báo Tuổi Trẻ.Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, năm 1970 anh vào Sài Gòn học tại Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn và ĐH Vạn Hạnh… Sau giải phóng, năm 1976 anh được Sở GD-ĐT TP.HCM phân công dạy văn tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Là người có đôi chút “máu me” viết báo, viết văn nên ngay từ thời còn là học sinh anh vẫn thường viết bài gửi các báo.  Đến khi là sinh viên rồi đi dạy học, anh lại càng viết nhiều hơn, bởi theo anh “viết báo, viết văn và dạy văn luôn bổ sung cho nhau: dạy văn giúp mình càng lúc càng cảm thụ được cái đẹp nhiều hơn và viết giúp mình khám phá thêm cái đẹp của văn…”.

Nhà báo Hàng Chức NguyênNăm 1981, báo Tuổi Trẻ mời anh về. Lúc đó anh như kẻ đứng giữa ngã ba đường, không biết phải đi lối nào. Nếu làm báo thì phải nghỉ dạy, phải rời xa các em học sinh thân yêu, các đồng nghiệp cùng đồng cam cộng khổ với mình bao năm qua. Tuy nhiên, nghề báo có cái hay mà nghề dạy học không thể có được. “Khi đứng trên bục giảng, tôi ao ước tất cả những xúc cảm của mình trong cuộc sống sẽ được truyền đạt tới học sinh. Tôi hy vọng thông qua những số phận nhân vật, các em sẽ cảm nhận được lẽ sống ở đời, biết rung động trước cái đẹp và không vô cảm trước những nỗi đau. Nếu làm báo có lẽ sẽ có nhiều cơ hội để gián tiếp truyền tải những thông điệp về lòng yêu thương, về sự sẻ chia với người khác tới rất nhiều bạn đọc…”. Và từ suy nghĩ đó, năm ấy anh về báo Tuổi Trẻ.

2. Thời gian đầu khi mới về báo, do nhớ nghề “gõ đầu trẻ” nên anh vẫn xin về Trường THPT Hoàng Hoa Thám dạy một số tiết văn. Chính trong khoảng thời gian 5 năm đứng trên bục giảng đã giúp anh hiểu hơn về cuộc sống khó khăn, sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo. Đó là một trong những mảng đề tài khiến anh dễ dàng “lấy được nước mắt” của bạn đọc. Nhiều độc giả của Báo Tuổi Trẻ vẫn còn nhớ về “Cuộc sống bên ngoài giảng đường”, một bài báo anh viết về các thầy cô là giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Để có thể đào tạo cho xã hội những giáo viên có đủ tay nghề và phẩm chất đạo đức, các thầy, các cô ở đây đã phải làm đủ thứ nghề từ làm sữa chua, giữ xe đạp đến bán cháo, bán phở. Qua bài viết của anh, người đọc hiểu hơn, kính trọng hơn người thầy của những người thầy và cảm thấy ray rứt trước câu hỏi vì sao những người trí thức lại rơi vào tình cảnh như thế… Đó là bài viết về một cô giáo vừa phải đi dạy với đồng lương ba cọc ba đồng vừa phải chăm sóc hai đứa con tật nguyền. Hàng chục năm, cô đã âm thầm chịu đựng nỗi đau riêng để đem đến cho lớp lớp học sinh những bài giảng hay. Và đó còn là hình ảnh những người thầy cô giữa núi rừng ở Khe Xanh (Quảng Trị), Kỳ Sơn (Nghệ An)…, những “anh hùng” từ đồng bằng lên “rừng thiêng nước độc” để truyền đạt kiến thức cho con em các dân tộc…

Những năm tháng ấy,  với một chiếc xe đạp cà tàng, một cuốn sổ, một cây viết và một cái “đầu” cùng với trái tim, anh đã đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, các vùng sâu vùng xa của Củ Chi, Cần Giờ cho đến Long An, Tây Ninh… để viết. Từ những nơi đó, số phận những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh đã lên báo, đã gắn liền với tên tuổi anh: “Hàng Chức Nguyên: nhà báo của người nghèo”.

3. Ngày ấy anh và vợ cùng hai con nhỏ ở trong một căn hộ trên lầu 4 của một chung cư ở đường Hồ Biểu Chánh, Q.Phú Nhuận. “Để có nước xài, đêm nào tôi cũng phải xuống dưới đất hứng rồi xách lên. Thấy vậy anh tôi đã mua cho một cái máy bơm “hỏa tiễn”. Nhưng muốn bơm nước lên thì phải có chỗ chứa, tôi mua một cái phuy. Khuya, tôi mang một chiếc thau xuống đất đợi hứng từng thau đổ vào phuy, để sáng bơm lên phòng. Thường hứng cho đầy phuy phải từ 1 giờ đến 4 giờ sáng nên tôi đã kéo một bóng điện xuống và… ngồi trên một chiếc ghế con, viết…”, anh kể. Những năm tháng ấy, có lẽ nhiều người khi cầm tờ báo Tuổi Trẻ, say sưa đọc những bài báo của anh nhưng ít ai biết rằng có nhiều trang viết của anh đã bị lem nhem mực do bị nước bắn vào giữa đêm khuya…

Gần 20 năm cầm bút, đến bây giờ, là người phụ trách Ban Công tác xã hội của Báo Tuổi Trẻ, đã tổ chức bao nhiêu chương trình dành cho HS, SV nghèo, cho người nghèo… nhưng anh vẫn mang một nỗi day dứt: “Vẫn còn đó bao nhiêu số phận, bao nhiêu cảnh đời. Hằng tuần, tôi vẫn nhận được những lá thư … kêu cứu gửi trực tiếp cho tôi hoặc cho báo Tuổi Trẻ. Hầu hết đó là những lá thư giãi bày hoàn cảnh, số phận khắc nghiệt của mình và mong chờ một sự giúp đỡ…, nhưng biết làm sao được, phần lớn tôi chỉ chia sẻ được với họ bằng một tiếng thở dài và một lời an ủi…”.

PV

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)