Bị cáo Trần Huy Khanh (áo sọc xanh, bên trái) bị áp giải ra xe sau khi tòa xét xử |
Tôi đặt tên cho bài viết của mình như thế có lẽ không ngoa. Bởi vì nó chẳng những đã làm mất đi sự gần gũi, thâm giao của những mối quan hệ mà còn làm tan nát hạnh phúc của một gia đình vốn đã không trọn vẹn.
1. Một chiều đầu tháng 2-2008, Lê Hữu Đức (42 tuổi) và Trần Huy Khanh (SN 1989, đã bỏ học) cùng với hai thanh niên khác ngồi uống rượu trước hiên nhà. Vì không muốn kết thúc bữa tiệc vui nên ngay khi cạn rượu Khanh tiếp tục chạy về nhà mang thêm rượu đến nhưng bản thân lại quyết tâm dừng cuộc chơi, không thể cùng uống thêm được nữa. Thế nhưng Đức lại cho rằng “ai mang rượu đến thì phải uống” nên vẫn cứ rót rượu thúc ép Khanh. Mâu thuẫn nảy sinh, cả hai lời qua tiếng lại. Sau đó Đức bảo Khanh mang rượu về. Bữa rượu chung vui tưởng sẽ dừng tại đó, nào ngờ khi Khanh ghé sang nhà ông cố của mình, nhìn thấy con dao nhỏ đặt trên bàn liền nghĩ phải bỏ vào túi để phòng thân khi đi ngang nhà Đức để về nhà.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như Đức không lớn tiếng chửi đổng “Đồ mất dạy!” khi phát hiện Khanh về ngang qua trước ngõ nhà mình. Thấy vậy, Khanh tức giận thách thức “có giỏi ra tay đôi với tôi!”. Ngay lập tức Đức từ nhà chạy ra nhặt theo khúc cây nhỏ đánh vào vai Khanh. Mâu thuẫn lên cao, Khanh đáp trả bằng một nhát dao chí mạng vào lưng Đức khiến nạn nhân chết ngay trên đường đưa đến bệnh viện.
2. Chân mang đôi dép xẹp, vóc dáng lam lũ và gương mặt hằn rõ sự khắc khổ của người nông dân quanh năm chỉ biết đến bùn lầy, người phụ nữ tuổi trạc 40 tuổi đi cùng một mẹ già và 2 con nhỏ. Vừa thấy Khanh bị áp giải từ chiếc xe chở phạm nhân chị vội kêu lên: “Sao mày giết chồng tao?” khiến ai cũng ngoái lại nhìn, chua xót. Người phụ nữ ấy tên Hiền, là vợ Đức. Mưu sinh từ công việc đăng cá đăng tôm, cái chết oan nghiệt của chồng làm tăng thêm nỗi nhọc nhằn của chị khi một thân nặng gánh mẹ già và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Thế nhưng trong suốt phiên sơ thẩm xét xử Trần Huy Khanh sáng 18-1-2010 tại TAND TP.HCM, nỗi đau trong chị dường như lắng lại, không một lời oán trách kẻ đã giết hại chồng mình, chị chỉ yêu cầu tòa án xử nghiêm minh, đúng người đúng tội và được nhận khoản bồi thường, trợ cấp nuôi con từ gia đình bị cáo. Đứa con gái út của chị chừng 4, 5 tuổi có lẽ chưa ý thức những mất mát, vẫn vô tư đùa nghịch, còn người mẹ già với câu nói đã thành cửa miệng: “Phải trả lại sinh mạng con trai cho tui!” khiến những ai có mặt trong phiên xét xử đều không khỏi ngậm ngùi.
Giờ nghị án 4 người họ thui thủi đi về một góc, không ai thân thích và cũng không ai đến hỏi han. Phía bên kia là gia đình bị cáo với đông đủ bà con. Tôi nhận thấy sự lặng lẽ trong những đôi mắt như không muốn nhìn nhau, giữa họ có lẽ chỉ còn lại sự ghét bỏ, hận thù mà không có một sợi dây thân tình nào níu giữ.
Dựa trên những tình tiết giảm nhẹ, án sơ thẩm xử phạt Khanh 10 năm tù giam về tội “giết người”. Trước đó, trong lời nói cuối phiên tòa Khanh xin: “Mong tòa giảm nhẹ mức phạt để bị cáo sớm ra tù bù đắp những tội lỗi đã gây ra”.
3. Cách nhau chưa đầy 500m, cùng là những người nông dân nghèo khổ của xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM nên gia đình Khanh có mối quan hệ xóm làng gần gũi với gia đình Đức. Sự thân quen càng thêm thắt chặt khi D. (SN 1988) – là chị gái của Khanh dọn về ở với T. – em trai của Đức vào năm 15 tuổi. Mặc dù mối quan hệ này không ràng buộc bởi tờ hôn thú nhưng đã được hai gia đình “chứng nhận”, thương yêu. Từ ngày chung sống cho đến khi có với nhau hai mặt con, chị D. vẫn được chồng yêu quý và không cho “động tay” bất cứ công việc gì. Vậy mà từ khi vụ án xảy ra, anh trai mình chết đi bởi nhát dao của người em vợ, T. bỗng dưng thay đổi tính tình, thường xuyên đánh đập vợ. D. vì không chịu nổi đòn roi, sự lạnh nhạt từ phía nhà chồng nên mang con về lại gia đình mình nhờ ba mẹ nuôi nấng, còn mình tự bươn chải nuôi hai con nhỏ mà không nhận được sự giúp đỡ nào từ T.… Phiên tòa hôm ấy không thấy T. đến dự. Cuộc hôn nhân của họ vốn đã không vuông tròn theo đúng nghĩa nay lại càng mong manh, côi cút trong sự thù hằn…
Tuyết Dân
Bình luận (0)