Thí sinh xem lại đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Ảnh: Anh Khôi
|
Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia “2 trong 1” năm 2015. Theo tôi, việc lựa chọn phương án 1 trong 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến là sự lựa chọn tối ưu đối với học sinh (HS).
Việc công bố phương án thi chính thức sớm giúp HS ổn định tâm lý và chuyên tâm vào học tập hơn. Về phía nhà trường có thời gian để các bộ môn chuẩn bị lên khung nội dung giảng dạy, kế hoạch ôn tập các môn kỹ lưỡng hơn.
Tuy nhiên, tôi có một số băn khoăn. Trước hết đó là về tổ chức thi. Theo tôi hiểu thì kỳ thi quốc gia này sẽ có hai cụm thi. Một cụm thi do các trường ĐH có năng lực chủ trì nhằm phục vụ cho HS có nhu cầu sau tốt nghiệp tiếp tục thi vào ĐH; cụm còn lại do Sở GD-ĐT chủ trì dành cho HS chỉ thi tốt nghiệp. Vậy thế nào là cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì và thế nào là cụm thi do trường ĐH chủ trì? Việc tách bạch ra hai cụm thi trong khi các thí sinh của hai cụm đều sử dụng chung đề thi như vậy thì liệu có sự phân biệt nào không? Hay nói cách khác, thí sinh chỉ thi với mục đích đỗ tốt nghiệp tại cụm thi của sở GD-ĐT thì việc chấm thi sẽ nhẹ nhàng hơn và như vậy nếu có xảy ra tiêu cực thì cũng chẳng ảnh hưởng gì? Mặt khác, ví dụ HS ở Huế mà có nguyện vọng học ĐH ở Đà Nẵng thì bản thân em đó phải khăn gói vào Đà Nẵng để dự kỳ thi trên. Như vậy sẽ tạo ra một sự xáo trộn và lãng phí. Theo tôi, thay vì bản thân thí sinh đó từ Huế phải vào Đà Nẵng dự thi thì nên chăng chúng ta chọn cách đưa cán bộ coi, chấm thi từ các trường ĐH đến các tỉnh có thí sinh có nguyện vọng vào trường mình để coi thi và chấm thi để hạn chế sự lãng phí. Như vậy, chỉ cần tổ chức một cụm thi có sự giám sát của các trường ĐH có năng lực thì kết quả kỳ thi sẽ đảm bảo chất lượng hơn và tránh được sự rườm rà, phân biệt giữa các thí sinh thi ĐH và thí sinh chỉ dự thi tốt nghiệp.
Kỳ thi quốc gia năm 2015, các trường ĐH sẽ tham gia tổ chức thi. Trong ảnh: SV tình nguyện hướng dẫn thí sinh đi thi ĐH-CĐ năm 2014. Ảnh: L.Sâm
|
Một vấn đề khác đặt ra là giả sử bản thân thí sinh nào đó, trong năm nay chỉ có nguyện vọng thi đỗ tốt nghiệp, còn năm sau mới có nhu cầu vào ĐH thì liệu năm sau thí sinh đó có phải tham dự lại kỳ thi này hay có thể sử dụng kết quả thi năm trước đó để làm cơ sở xét tuyển vào ĐH?
Khi chúng ta tổ chức một kỳ thi quốc gia thì nội dung kiến thức ôn tập, giảng dạy sẽ áp dụng như thế nào, chuẩn hay nâng cao? Cuối cùng là, thiết nghĩ các trường ĐH phải có phương án tuyển sinh sớm để tránh việc HS bối rối trong lựa chọn, tập trung ôn tập kỹ các môn thi cũng như nắm vững phương thức thi để an tâm hơn.
Phan Văn Tánh (Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng)
Sớm quy định cấu trúc đề thi môn ngoại ngữ
Theo phương án thi mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm nay ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Điều này phần nào khẳng định, xu hướng sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam ngày càng phổ biến rộng rãi hơn. Tuy nhiên, sự đổi mới này cũng gây ra nhiều khó khăn, vì như chúng ta đã biết, hiện có nhiều HS mất căn bản môn tiếng Anh nên việc đưa vào thi bắt buộc thì không tránh khỏi áp lực.
Là giáo viên đứng lớp 12 môn tiếng Anh, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần sớm có quy định về cấu trúc đề thi. Cụ thể là chương trình ôn tập như thế nào? Đề thi sẽ rơi vào phần chương trình lớp 12 hay bao gồm cả 3 năm học phổ thông? Trong đề thi có bao nhiêu phần trăm tự luận và bao nhiêu phần trăm trắc nghiệm. Nếu đề thi có câu hỏi tự luận thì dạng bài tự luận như thế nào?… Điều này nhằm tránh tình trạng như năm trước, đến cận kề kỳ thi thầy và trò mới biết đề thi có câu hỏi tự luận gây ra tình trạng băn khoăn, lo lắng cho học sinh.
Mai Nguyên Diệu Khoa
(giáo viên môn Anh văn, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng)
|
Bình luận (0)