Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kỳ thi THPT 2019: Đảm bảo nghiêm túc, an toàn tối đa

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2019, cả nước có gần 900.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT và Xét tuyển đại học, cao đẳng. Công tác coi thi và chấm thi các môn trắc nghiệm tại địa phương do các trường Đại học phối hợp với Sở GD-ĐT địa phương tiến hành. Chung sức vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc là quyết tâm chung của toàn ngành giáo dục.

Theo ghi nhận, sáng ngày 25/6, hơn 880.000 thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 với môn thi đầu tiên là môn Văn tại 1.980 điểm thi. Trong đó, có hơn 600.000 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng, còn lại là thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và thí sinh tự do.

Hơn 880.000 thí sinh trên cả nước đã chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 với môn Văn vào sáng nay 25/6

Với quy chế sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ chính xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm, kết quả thi khách quan, trung thực không chỉ đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, lựa chọn được các thí sinh xứng đáng vào các trường đại học, cao đẳng mà còn góp phần quan trọng củng cố, phát huy niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.

Liên tục trong suốt thời gian chuẩn bị cho đến khi diễn ra kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên tục yêu cầu cán bộ – giảng viên – giáo viên toàn ngành phải tập trung cao độ cho kỳ thi, các công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, giám sát trước, trong và sau kỳ thi được đặc biệt đẩy mạnh để đảm bảo tính nghiêm túc, trung thực tối đa.

Cán bộ – Giảng viên – Nhân viên HUTECH làm nhiệm vụ coi thi tại điểm trường THPT Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Coi thi vì thế cũng là khâu đòi hỏi toàn bộ đội ngũ tham gia phải hiểu rất rõ quy chế, đúng người, đúng việc. Mỗi cán bộ đều là một mắc xích quan trọng góp phần vào thành công chung của kỳ thi THPT. Nắm vững tinh thần đó, cán bộ coi thi cả nước đảm bảo thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế theo chí “5 rõ” – rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Sau buổi làm việc tại mỗi hội đồng sáng 24/6, cán bộ coi thi tại các điểm thi đều hào hứng và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, hướng đến một kỳ thi thành công.

Nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị ở các điểm thi trước “giờ G”, trong ngày 24/6, các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến kiểm tra tại các điểm thi trên khắp cả nước. Sáng ngày 24/6, đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đến kiểm tra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công tác coi thi và chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh này do trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh thực hiện. HUTECH cũng sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện chấm thi các môn trắc nghiệm (gồm Toán, Tiếng Anh, bài thi KHTN và bài thi KHXH) sau khi kỳ thi kết thúc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đến kiểm tra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi, lịch thi cho thí sinh tại điểm thi ở huyện Côn Đảo

Được biết, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 19 điểm thi với hơn 11.000 thí sinh. Trong đó, huyện Côn Đảo là địa phương xa nhất, gồm 01 điểm thi với 76 thí sinh là học sinh của trường THPT Võ Thị Sáu. Để tổ chức thi ở huyện đảo này, Sở GD&ĐT và HUTECH phối hợp huy động 20 cán bộ, giảng viên, giáo viên; gồm 13 giáo viên THPT và 07 cán bộ, giảng viên HUTECH. Đề thi được vận chuyển bằng máy bay với sự áp tải của 4 lực lượng gồm công an, giám sát, thanh tra và đại diện của trường đại học. Ngay sau kỳ thi kết thúc, bài thi được chuyển về đất liền bằng máy bay cũng dưới sự giám sát chặt chẽ của 4 lực lượng trên.

Với tinh thần nghiêm túc, quyết tâm cao độ, kỳ thi THPT 2019 không phải chỉ là thử thách của gần 900.000 thí sinh cả nước mà còn là vũ môn của toàn ngành giáo dục, với mục tiêu là kết quả xứng đáng nhất, thể hiện đúng nhất năng lực của từng thí sinh.

T.D.V

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)