Học sinh Trường THPT Đa Phước đặt câu hỏi cho Ban tư vấn
|
Dù ở ngoại thành nhưng học sinh Trường THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã chắt lọc rất kỹ các thông tin trong Dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 để đặt nhiều câu hỏi “hóc búa” cho Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.
Trong đó, những vấn đề như: Cấu trúc đề thi thay đổi như thế nào? Các trường xét tuyển ra sao để chọn được học sinh ưu tú nhất?… được các em đặc biệt quan tâm.
Một kỳ thi hai mục đích
Ngay từ phần tư vấn chung, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại điện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, đã nhấn mạnh: “Năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia nhằm hai mục đích là sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ”. Sau thông tin này, em Nguyễn Minh Thư (lớp 12A1) đã đặt câu hỏi: “Các trường ĐH dùng học bạ để xét tuyển dựa theo tiêu chí nào? Chẳng hạn, hai học sinh của Trường THPT Hùng Vương và THPT Đa Phước cùng nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, nhưng điểm học bạ của cả hai đều bằng nhau thì phải xét như thế nào?
Về vấn đề này, bà Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng bộ phận tuyển sinh (Trung tâm Tư vấn tuyển sinh truyền thông của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM), cho biết: “Khi xét học bạ, nhà trường sẽ lấy điểm từ cao đến thấp. Khi xét xong một mức điểm, có trường hợp hai học sinh ở trường khác nhau cùng bằng điểm thì sẽ xét thêm những ưu tiên cụ thể về khu vực, học sinh giỏi quốc gia…”. Để học sinh yên tâm hơn, ông Nguyễn Quốc Cường phân tích thêm: “Các em không phải lo lắng mình học trường nào bởi khi xét học bạ, trường ĐH sẽ chỉ nhập điểm chứ không nhập tên trường tốt nghiệp THPT”.
Trong khi đó em Phan Kim Ngân (học cùng lớp với Minh Thư) hỏi: “Kỳ thi THPT quốc gia có sự khác biệt như thế nào giữa học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông với học sinh đã tốt nghiệp?”. Ông Nguyễn Quốc Cường giải đáp: “Học sinh lớp 12 phải thi đủ 4 môn để xét tốt nghiệp và thi tiếp những môn mà các trường ĐH sử dụng xét tuyển thí sinh có ý định đăng ký học. Học sinh trường nào nộp hồ sơ dự thi ở trường đó và thi theo cụm quy định. Còn học sinh đã tốt nghiệp THPT thì chỉ chọn những môn theo tổ hợp mà trường ĐH xét tuyển, thí sinh có quyền lựa chọn cụm thi gần nhà nhất”.
Nội dung chủ yếu trong chương trình lớp 12
Gộp hai kỳ thi thành một, vấn đề các em học sinh quan tâm nhất vẫn là cấu trúc, nội dung đề thi sẽ thay đổi như thế nào? Liệu học sinh trung bình có vượt qua kỳ thi này hay không?
Em Nguyễn Lê Vy Bằng (một học sinh lớp 12) thắc mắc: “Theo em tìm hiểu, những năm trước đề thi tốt nghiệp THPT nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, còn đề thi ĐH có một số câu hỏi nằm ở chương trình lớp 10 và 11. Vậy cấu trúc đề thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ thay đổi như thế nào?”. Cùng băn khoăn này, em Đoàn Thị Kim Loan (lớp 12A9) hỏi: “Nếu sử dụng thang điểm 20 thì cấu trúc đề thi sẽ thay đổi như thế nào?”.
Giải đáp những thắc mắc này, ông Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp việc làm (ĐHQG TP.HCM), cho hay: “Những thông tin này đang là dự thảo nhưng xu hướng của Bộ GD-ĐT là quay trở lại thang điểm 20. Kỳ thi này sử dụng cho hai mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ nên sẽ có độ phân hóa, tính cạnh tranh cao hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước”.
Ông Nguyễn Quốc Cường phân tích thêm: “Đề thi năm nay cơ bản giống với đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ những năm trước. Điều này có nghĩa là đề có một phần trung bình để hầu hết thí sinh có thể làm được, phần còn lại có sự phân hóa cao để giúp các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Như vậy đề thi sẽ có mức độ từ dễ, khó đến rất khó. Đề tuy có độ phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức thực tế xã hội nhưng về cơ bản vẫn nằm trong chương trình lớp 12”.
Bài, ảnh: Dương Bình
HỎI – ĐÁP
Chuyên ngành cơ khí nông lâm đào tạo như thế nào? Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu?
– ThS. Đặng Kiên Cường (Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) trả lời: Chuyên ngành cơ khí nông lâm đào tạo kỹ sư có kiến thức chuyên môn cơ khí cùng với kiến thức về công nghệ và kinh tế chuyên ngành liên quan như bảo quản và chế biến nông – lâm – thủy – hải sản. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về các quá trình, máy và thiết bị để sản xuất các chi tiết máy cho các nhà sản xuất công – nông nghiệp; về cấu tạo, nguyên lý làm việc của các thiết bị động lực, các máy và thiết bị phục vụ cho việc cơ giới hóa một quá trình sản xuất nông nghiệp; bảo trì, bảo dưỡng, khắc phục các nguyên nhân hư hỏng trong máy kéo, máy nông nghiệp… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các lĩnh vực cơ khí nói chung và các ngành cơ khí phục vụ phát triển nông thôn, các xí nghiệp cơ khí chế tạo máy, xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, chế biến nông lâm sản…
Nhiều sinh viên Trường ĐH Hoa Sen được du học ngắn hạn qua các chương trình trao đổi sinh viên. Chương trình này được hợp tác với quốc gia nào? Sinh viên có những chế độ và kỹ năng gì khi tham gia chương trình này?
– Ông Nguyễn Ngọc Tú (chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen) trả lời: Hiện trường có chương trình trao đổi sinh viên với 18 quốc gia có nền giáo dục phát triển. Thông thường chương trình này kéo dài khoảng 1 học kỳ hoặc 1 năm. Khi tham gia, tùy theo đối tác mà sinh viên sẽ được miễn giảm học phí, ưu tiên hỗ trợ chỗ ở trong ký túc xá hoặc hỗ trợ tìm chỗ ở bên ngoài với chi phí thấp, được cấp học bổng… Nếu có nhu cầu, sinh viên có thể sẽ được chuyển đổi tín chỉ để nhận bằng tốt nghiệp của trường đối tác. Tham gia chương trình, sinh viên có cơ hội nâng cao khả năng ngoại ngữ, hiểu biết thêm về văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước đến học tập…
Minh Châu (ghi)
|
Bình luận (0)