Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Điểm trung bình môn ngoại ngữ thấp nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Đến nay 120 cụm thi THPT quốc gia 2016 đã hoàn tất công tác công bố điểm. Các sở GD-ĐT sẽ tiến hành xét tốt nghiệp THPT trước ngày 25-7. Nhìn vào phổ điểm năm nay có thể thấy:

Thí sinh vui mừng sau buổi thi vì làm tốt bài thi (ảnh chụp tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Ảnh: D.Bình

Điểm liệt giảm, điểm tuyệt đối hiếm

Theo thống kê của Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), phổ điểm trung bình của các môn thi là từ 4,5 đến 6 điểm. Riêng môn ngoại ngữ (tiếng Anh) chỉ đạt điểm trung bình 3,3 điểm. Thống kê cũng cho thấy, trong 8 môn thi, cả nước chỉ có 17.000 bài thi đạt điểm 9-10, trong đó chỉ có 100 bài đạt điểm 10, thấp hơn nhiều so với năm 2015 (năm 2015, cả nước có 37.000 thí sinh đạt điểm 9-10, trong đó có 400 bài đạt điểm 10). Ngược lại, có 19.000 bài thi bị điểm liệt, giảm mạnh so với năm 2015 (năm 2015, cả nước có 37.000 bài bị điểm liệt).

Với môn ngoại ngữ, trong số 634.246 thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016, có gần 12% thí sinh đạt điểm trên trung bình (từ 5 trở lên). Trong khi đó, tổng số thí sinh đạt điểm dưới trung bình năm nay lên tới 559.797 thí sinh, chiếm 88,26%.

Thống kê từ dữ liệu của Bộ GD-ĐT (cung cấp ngày 19-7) cho thấy, có 51 thí sinh bị điểm 0 môn ngoại ngữ. Tổng số thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm) là 312 thí sinh, bao gồm 51 thí sinh bị 0 điểm. Ở môn này có 12 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối. Tương tự, môn toán có 8 thí sinh trên tổng số 825.560 thí sinh dự thi đạt điểm 10 tuyệt đối; 22 thí sinh đạt điểm 9,75. Điểm trung bình môn toán là 4,45 điểm.

Vì sao điểm ngoại ngữ thấp?

Năm 2015, trong phổ điểm 8 môn thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố, phổ điểm môn ngoại ngữ là thê thảm nhất. Năm nay, tình trạng cũng không khá hơn. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đơn vị chủ trì cụm thi tại Hà Tĩnh, môn ngoại ngữ ở phần tự luận có đến 11.684 bài làm bị điểm 0 trên tổng số 15.728 bài thi đã chấm. Tại cụm thi Trường ĐH Thủy lợi, phổ điểm môn này tập trung chủ yếu từ 2,5 đến 3,5 điểm. Có 1 bài thi đạt 8/8 điểm ở phần trắc nghiệm và 1 bài thi đạt điểm tự luận 2/2.

Theo các chuyên gia giáo dục, để chất lượng môn ngoại ngữ đạt như mong đợi, Bộ GD-ĐT cần thay đổi phương thức đánh giá. Còn nếu không, giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục dạy – học theo hình thức đối phó với thi trắc nghiệm.

Trong khi đó, tại cụm thi ĐH Đà Nẵng, phổ điểm trung bình của môn ngoại ngữ thấp nhất trong số các môn thi. Cụ thể chỉ có 20% bài thi đạt trên 4 điểm ở phần trắc nghiệm (phần này được tối đa 8 điểm), rất nhiều thí sinh bị điểm 0 ở phần tự luận.

Theo một số chuyên gia giáo dục, do mấy năm nay môn ngoại ngữ chỉ thi trắc nghiệm nên đã làm hỏng cách học và thi của học sinh. “Thi trắc nghiệm thí sinh đánh theo may rủi cũng được 2,5 điểm. Và thi trắc nghiệm không kiểm tra được các kỹ năng nghe, hiểu, viết và nói của các em. Năm 2015, Bộ GD-ĐT quyết định đưa thêm phần tự luận, thí sinh bỏ trắng bài là điều dễ hiểu. Học sinh học ngoại ngữ bây giờ chỉ để đối phó với thi trắc nghiệm”, một chuyên gia giáo dục ở Hà Nội nhận định. Cũng theo vị chuyên gia này, ngoại ngữ là môn học phải đánh giá cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu thi trắc nghiệm thì mới chỉ kiểm tra được kỹ năng “nhận dạng mặt chữ” và hiểu của thí sinh. Năm 2015, Bộ GD-ĐT đưa phần tự luận vào đề thi là một điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên cần phải có đánh giá về phần thi tự luận của thí sinh.

“Bộ GD-ĐT cần công bố phổ điểm riêng phần thi tự luận này. Vì như vậy sẽ thấy rõ thực chất học ngoại ngữ của Việt Nam hiện nay như thế nào. Nếu không đạt được đến trình độ nhất định, cũng giống như tiếng Việt, thí sinh sẽ không biết viết gì ở phần tự luận”, vị chuyên gia nhận định. Mặt khác, vị chuyên gia này khẳng định, từ phổ điểm môn ngoại ngữ (tách riêng phần tự luận và phần trắc nghiệm), Bộ GD-ĐT sẽ phải có điều chỉnh đối với học và thi. Vì nếu không điều chỉnh, học sinh Việt Nam chỉ biết một kỹ năng hiểu và “nhận dạng mặt chữ”.

Theo PGS. Đoàn Quang Vinh (Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng), môn ngoại ngữ thường là môn thi bắt buộc xét tốt nghiệp ít thí sinh lựa chọn để xét ĐH, CĐ nên điểm sẽ không cao. Do đó, theo các chuyên gia giáo dục, để chất lượng môn ngoại ngữ đạt như mong đợi, Bộ GD-ĐT cần thay đổi phương thức đánh giá. Còn nếu không, giáo viên, học sinh sẽ tiếp tục dạy và học theo hình thức đối phó với thi trắc nghiệm.

Thiên Lam

Bình luận (0)