Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỳ thi THPT quốc gia: Liệu có công bằng?

Tạp Chí Giáo Dục

Chi phí, tính công bằng, khách quan, tác động của việc thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 đối với thí sinh… là những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất trong tài liệu hỏi -đáp do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố ngày 8-10.

Câu hỏi đặt ra nhiều nhất là liệu việc tổ chức song song cụm thi do trường ĐH chủ trì và cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì có khiến kết quả kỳ thi THPT quốc gia thiếu công bằng. Trả lời vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết các thí sinh sẽ cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng và câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Vì vậy, việc quay cóp, trao đổi bài, hiện tượng dùng “phao thi”… sẽ được khắc phục. Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm….đảm bảo tính công bằng, khách quan tại tất cả các cụm.

Thí sinh trao đổi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 tại Trường THPT Hùng Vương (TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh/NLĐ

Qua đây, bộ cũng xác nhận cơ hội vào ĐH, CĐ của thí sinh thi ở các cụm do Sở GD-ĐT chủ trì bị hạn chế hơn do phụ thuộc vào quy định của từng trường. Tuy nhiên, các thí sinh dự thi ở cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì vẫn còn cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng.
Trước thắc mắc liệu kỳ thi THPT quốc gia có phát sinh nhiều chi phí, Bộ GD-ĐT cho biết so với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ trước đây,chi phí của kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm đi nhiều. Năm nay, với việc chỉ tham dự một kỳ thi được tổ chức thành nhiều cụm, thí sinh đỡ phải đi xa. Bên cạnh đó, số bộ đề thi ít lại, lượt làm bài cho mỗi thí sinh cũng giảm, giúp tiết kiệm chi phí cho gia đình, xã hội, giảm áp lực thi cử cho thí sinh.
Về quyền lợi của thí sinh – đối tượng chịu tác động nhiều nhất trong lần đổi mới này – bộ cho biết trong những năm trước mắt, chưa đòi hỏi các em phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều. “Các em vẫn tiếp tục học chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay đến khi áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới…. Do đó, các em yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng”, Bộ GD-ĐT trấn an thí sinh.
Bộ cho biết đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản, phù hợp với hầu hết thí sinh (phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp) và yêu cầu nâng cao để phân hoá trình độ thí sinh (phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ). Ngoài ra, việc kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT tạo điều kiện giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, giúp học sinh không coi nhẹ môn học nào, tránh chuyện học lệch.
Thí sinh khó học lệch!
Bộ GD-ĐT cho rằng việc kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp nhằm đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”. Đồng thời, kỳ thi cũng buộc học sinh phải học đều để đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển ĐH tốt…
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, học sinh không coi nhẹ môn học nào, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường.

L. Thoa

(NLĐO)

Bình luận (0)