Năm học 2014-2015 được kỳ vọng đổi mới trong việc học cũng như cách thi cử, nhất là kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”. Trong suốt năm học, có thể nói rằng những điểm được và mất đã thấy rõ.
Tính đến thời điểm hiện nay, trước tình hình biết bao thí sinh như “ngồi trên đống lửa”, đang “đánh đu” với mùa tuyển sinh này ở một góc độ nào đấy có thể thừa nhận rằng, mất thì nhiều, còn cái được thì quá ít. Theo tôi, những cái mất nhìn thấy rất rõ.
Thứ nhất, là việc xét điểm học bạ trong kỳ thi. Việc xét điểm học bạ mà Bộ GD-ĐT áp dụng vào kỳ thi là đúng nhưng vì bệnh thành tích mà cấp dưới đã tạo nên “làn sóng” thành tích bằng cách nâng điểm làm cho học sinh lớp 12 “bỗng dưng khá, giỏi đột biến”. Vì chạy theo bệnh thành tích nên giữa điểm học và điểm thi có khoảng cách “một trời một vực”. Tại sao rất nhiều thí sinh có điểm học bạ cao mà thi lại bị điểm liệt? Một câu hỏi mà người lớn không cần lời giải đáp vì ai cũng hiểu.
Thứ hai, là kéo dài thêm một tháng học. Đầu tháng 7 thi THPT quốc gia, như vậy, trên thực tế học sinh phải học hơn 10 tháng. Đối với hệ công lập, đó là tính vào thời điểm học sinh nhập học từ giữa tháng 8, chưa kể những trường tư thục còn tựu trường sớm hơn. Nếu cho rằng, đằng nào trong tháng 7 học sinh cũng ôn thi ĐH sau khi tốt nghiệp THPT như những năm trước thì không đúng bởi các em phải ôn thi trong tháng này nhiều môn (ít nhất là 4 môn), chưa kể nhiều trường ép học sinh học theo “tinh thần tự nguyện”.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: M.Tâm |
Thứ ba, là tốn kém nhiều hơn. Bước đầu cho thấy kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” vừa qua ít tốn kém nhưng thực ra lại tốn kém nhiều hơn. Thời gian qua biết bao thí sinh chạy đôn chạy đáo, chạy tới chạy lui lấy giấy báo, đến trường ĐH nộp – rút hồ sơ, ở trọ đợi chờ, số tiền ấy ắt hẳn sẽ hơn nhiều so với việc tổ chức hai kỳ thi như trước đây.
Thứ tư, là thí sinh “ngồi trên đống lửa”. Vì chẳng biết mình có đậu hay không, có thể rớt trường công ngay cả khi mình có điểm cao mà phụ huynh cũng bất an. Với cách làm sau khi có điểm thi, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó 1 giấy để xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 giấy còn lại để xét tuyển nguyện vọng bổ sung…; tiếp đó là các trường phải luôn cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển 3 ngày/lần để thí sinh nắm rõ được vị trí, khả năng có thể đỗ của mình ra sao như Bộ GD-ĐT đưa ra khiến các em không hề được định hướng rõ ràng, giống như kiểu “may nhờ rủi chịu”, kiểu “trúng tuyển tạm thời”. Cả thí sinh và phụ huynh căng thẳng rất nhiều, luôn trong tâm trạng lo lắng, thấp thỏm.
Thứ năm, là nhiều trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng điểm học bạ thì đồng nghĩa rằng “hễ đậu tốt nghiệp chắc chắn 100% học sinh trở thành sinh viên”. Dễ dãi quá!
Tất cả những cái mất ở trên dồn lại thành một cái mất lớn hơn. Đó là mất niềm tin vào một kỳ thi đổi mới trong sự mong đợi của xã hội. Theo tôi, một kỳ thi kỳ vọng đổi mới nhưng vẫn có những điều chưa được mỹ mãn.
Hoàng Đà Lạt
(Giáo viên THPT tại TP.HCM)
Bình luận (0)