Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh 2016: Chưa thể an tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Dù mới chỉ công bố dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy nhưng vấn đề này đang được dư luận rất quan tâm, nhất là các trường ĐH. Theo dự thảo này, mùa tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, những điểm mới đó vẫn còn những ý kiến băn khoăn.

Hướng dẫn thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào Trường ĐH Tài chính – Marketing năm 2015

Lo ảo

Năm 2015, nguyện vọng 1, thí sinh được rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào. Nhưng điều này cũng dẫn đến hệ lụy những ngày cuối, phụ huynh, thí sinh nộp hồ sơ như chơi trò chứng khoán. Để khắc phục những hạn chế này, năm nay, dự thảo thông tư chỉ cho phép nguyện vọng 1 thí sinh được phép nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và không rút hồ sơ. Tuy nhiên, với  việc cho phép thí sinh có tới 4 cơ hội xét tuyển nguyện vọng 1 thay vì 1 cơ hội như những năm trước 2015 đã khiến các trường lo lắng.  PGS.TS Nguyễn Văn Nhã (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Với thay đổi như năm 2016 thì các trường ĐH, CĐ chắc chắn phải chấp nhận xảy ra tình trạng ảo trong tuyển sinh. Thực tế hiện nay, nhiều thí sinh còn a dua theo chúng bạn cho nên cũng không xác định học ngành theo sở trường dẫn đến lượng ảo lại càng lớn. Chắc chắn các trường tốp dưới, một số trường ngoài công lập sẽ không thể có nhiều thí sinh nhập học đợt đầu. Khi đã ảo, thì các trường phải lường trước để gọi dôi dư nhiều hơn chỉ tiêu dự định và không đoán được là khoảng bao nhiêu % thí sinh được gọi sẽ đến nhập học. GS. Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cũng cho biết vấn đề ảo thì các trường phải chấp nhận và phải tiên lượng trước để có những dự tính, dự báo và phân tích trong xét tuyển. Vì vậy, nhóm ngành có điểm thi cao cần gọi số dư nhiều vì những thí sinh đó cơ hội đỗ ở nhiều trường khác nhau cho nên nguy cơ xảy ra ảo sẽ lớn hơn. Có thể có những ngành để khắc phục tình trạng ảo trường phải gọi nhập học gấp 1,5 lần thậm chí 3,5 lần so với chỉ tiêu thì mới bảo đảm tuyển sinh đủ. Thí dụ, chỉ tiêu 100 thì phải gọi đến hơn 300 em. Điều đó rõ ràng khiến các trường vất vả hơn rất nhiều và phải chấp nhận có thể rủi ro. Một chuyên gia về tuyển sinh của ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho hay, với việc cho phép thí sinh nộp hồ sơ như năm nay thì nhiều trường, nhiều ngành sẽ phải gọi nhập học đến 200% chỉ tiêu thì mới mong đủ thí sinh. Như vậy, sẽ làm mất cơ hội của những thí sinh khác.

Băn khoăn cụm thi

Một trong những điểm mới khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là việc triển khai các loại cụm thi. Trong đó, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức: Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT (gọi tắt là cụm thi ĐH); cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH. Việc thay đổi tổ chức các cụm thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh nhưng cũng gây nên những băn khoăn trong dư luận xã hội. Bởi thực tế việc tổ chức các cụm thi như năm 2015 (cụm thi tốt nghiệp ở từng tỉnh, thành phố và cụm thi ĐH liên tỉnh) khá hiệu quả, được dư luận đồng tình. Nếu triển khai cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh năm 2016 một cách cứng nhắc về địa giới hành chính có thể dẫn đến những xáo trộn đối với thí sinh. Thực tế có những thí sinh sang tỉnh bên dự thi lại gần, thuận lợi hơn lên trung tâm của tỉnh đang cư trú dự thi.

Nhưng dưới góc độ của những người tổ đã từng tổ chức thi, GS. Trịnh Minh Thụ cho rằng tổ chức cụm thi ĐH ở tất cả các địa phương sẽ khó khăn cho các trường khi về địa phương. Thực tế việc tổ chức cụm thi như năm 2015 không có gì phức tạp cho thí sinh trong quá trình đi thi. Mặt khác, qua một kỳ thi, thí sinh, phụ huynh đã biết và có thể quen với kiểu cụm thi năm 2015 và hiểu được sẽ thi ở chỗ nào, thi ra sao, tâm thế chuẩn bị cũng đã ổn định. Năm 2016 việc bố trí cụm thi lại thay đổi sẽ tác động đến tâm lý các em, nhiều vấn đề phức tạp sẽ nảy sinh. Trong khi đó, TS. Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng: Giáo dục lâu nay có tình trạng chạy theo bệnh thành tích không khắc phục được cho nên giao cho các địa phương tổ chức thi sẽ vẫn có sự ngờ vực của xã hội là chưa thật sự nghiêm túc, chính xác. Vì vậy, cụm thi tốt nghiệp chỉ nên tổ chức ở những tỉnh miền núi, khó khăn trong đi lại còn những tỉnh đồng bằng hoặc thành phố thì không nên. Đối với cụm thi ĐH tổ chức có thể khách quan hơn, an lòng dư luận xã hội hơn nhưng tổ chức quá nhiều cụm cũng không dễ. Bởi các trường ĐH chủ trì cụm thi ĐH sẽ chịu trách nhiệm từ coi thi, chấm thi, ký giấy báo điểm… Tuy nhiên, không phải trường ĐH nào cũng có đủ giảng viên dạy các môn giống như môn thi của kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện chấm thi cho tốt. Vì vậy, nhiều trường vẫn phải huy động lực lượng giáo viên phổ thông vào chấm thi, nếu không sẽ khó thành công.

Giải đáp những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng nguyên tắc tổ chức kỳ thi THPT 2016 là khắc phục những hạn chế của kỳ thi năm 2015. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, nhìn nhận một cánh thẳng thắn Bộ GD-ĐT vẫn đang ôm đồm quá nhiều và thiếu tin tưởng các trường ĐH, CĐ.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)