Dù vô tình hay cố ý, thí sinh (TS) sẽ bị đình chỉ thi và hủy kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm dưới đây.
Những hành vi vi phạm quy chế thi
Hướng dẫn ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT – Ảnh: Đ.N.T |
Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) lưu ý: TS bị cảnh cáo trước hội đồng coi thi, nếu chép bài của TS khác hoặc cho TS khác chép bài của mình dưới bất cứ hình thức nào.
Ông Nghĩa nhấn mạnh TS sẽ bị đình chỉ thi và hủy kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: mang vào phòng thi tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); chuyển giấy nháp cho TS khác hoặc nhận giấy nháp của TS khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau) bị giám khảo phát hiện.
Chiều 28.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị triển khai thực hiện chỉ đạo tất cả các lực lượng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đánh giá đúng chất lượng GD-ĐT của địa phương. Công điện cũng yêu cầu ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra của Bộ tại địa phương triển khai công tác thanh tra, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực trong thi cử và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế thi.
T.N
|
Hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu TS vi phạm một trong các khuyết điểm: hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo; gây rối, làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.
Đối với các trường hợp đi thi hộ, sẽ bị xử lý theo các hình thức: hủy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục tại các kỳ thi cùng năm; buộc thôi học nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm.
Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi
Theo quy định, đối với những môn thi trắc nghiệm, khi phát đề thi, TS phải để đề thi dưới phiếu trả lời trắc nghiệm. Nếu TS mở đề ra xem, giám thị phải kịp thời nhắc nhở và yêu cầu TS thực hiện đúng theo quy định. Nếu TS vẫn cố tình xem đề thì lập biên bản để hội đồng coi thi xử lý. Tuy nhiên, sau khi đã phát đề thi cho cả phòng, giám thị cần yêu cầu thí sinh soát số trang và chất lượng in của đề, để kịp đổi nếu cần thiết (khi xảy ra các trường hợp đề thiếu trang, các trang không cùng mã đề, hoặc đề in bị mờ…). Khi thi theo hình thức trắc nghiệm, tại hội đồng coi thi luôn có túi đề thi trắc nghiệm dự phòng gồm nhiều mã đề khác nhau. Trường hợp đề thi mờ hoặc thiếu trang… thì lấy đề thi có cùng mã đề trong túi dự phòng; nếu không có đề thi cùng mã thì lấy đề thi có mã khác với mã đề thi của 2 TS ngồi bên cạnh.
Ông Nghĩa nhắc nhở: khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, TS phải ngừng viết ngay. Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. Không nộp giấy nháp thay giấy thi. TS không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp. Trong trường hợp đặc biệt, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị trong phòng thi và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi.
Tuệ Nguyễn (Theo TNO)
Bình luận (0)