Ngày 21.5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và Ban chỉ đạo thi của Bộ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT với 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tăng cường thanh tra, giám sát
Học sinh trường THPT Gia Định (TP.HCM) ôn thi tốt nghiệp – ảnh: Nhựt Quang |
Tại hội nghị, Sở GD-ĐT Kiên Giang hỏi về nguyên tắc xử lý đối với thí sinh (TS) làm cả 2 phần riêng và có nên vẫn chấm một phần riêng theo đúng chương trình mà TS đó được học hay không? Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Nếu thí sinh làm cả 2 phần riêng là vi phạm quy chế thi và chắc chắn sẽ không được chấm. Còn việc TS đó có làm đúng phần đề riêng theo chương trình mình được học hay không thì Bộ sẽ không yêu cầu các Sở GD-ĐT phải kiểm tra, rà soát trong quá trình chấm thi. Bộ GD-ĐT sẽ có biện pháp để hậu kiểm và sẽ kiên quyết xử lý với những trường hợp vi phạm.
Giải đáp thắc mắc của địa phương về việc xếp phòng thi cuối cùng của mỗi cụm thi, ông Nghĩa cho biết: Bộ GD-ĐT cho phép ghép cơ học các phòng thi cuối không đủ 24 TS/phòng thi trong cùng hội đồng thi (bao gồm nhiều phòng thi cuối do máy tính tạo ra) theo nguyên tắc: để riêng danh sách TS, túi đề thi và túi bài thi của các phòng thi được ghép lại. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu phải cử giám thị có nghiệp vụ thật tốt coi thi tại các phòng thi này.
Một trong những quy định mới và căn bản của năm nay là các hội đồng thi phải được bố trí theo cụm tối thiểu ba trường để trong một phòng thi có học sinh nhiều trường. Thực tế, không ít cụm thi có những phòng thi chỉ gồm học sinh của một trường do những trường đó chỉ tổ chức dạy học một ban là ban cơ bản chứ không tiến hành được cả 3 ban (số liệu thống kê của Cục Khảo thí cũng cho thấy phần lớn thí sinh đăng ký dự thi theo ban Cơ bản). Điều này dẫn tới thực tế là: mặc dù thi theo cụm nhưng lại không đáp ứng được mục đích học sinh của nhiều trường khác nhau ngồi trong một phòng thi. Trước thực tế này, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: sẽ rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau. Những hội đồng thi như vậy sẽ khắc phục bằng cách tăng cường công tác thanh tra, giám sát.
Giảng viên ĐH, CĐ sẽ tham gia chấm thi
Tại hội nghị, ông Bành Tiến Long khẳng định: năm nay việc xây dựng thang điểm và đáp án sẽ được đặc biệt coi trọng về độ chính xác, rõ ràng. Khác với năm trước, điểm chênh lệch được tính là 0,5 điểm thì năm nay thang điểm sẽ chi tiết tới 0,25 điểm.
Cũng liên quan đến việc chấm thi, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đề nghị cho thêm thời gian chấm thi; Sở GD-ĐT Hà Nội thì mong muốn số bài mà Hà Nội chấm cho các tỉnh chỉ tương đương với số bài thi của TS Hà Nội… ông Long công bố thông tin vừa được Ban chỉ đạo thi phê duyệt: những địa phương nào thiếu cán bộ chấm thi thì Bộ GD-ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên các trường CĐ, CĐSP và ĐH ở địa phương đó tham gia chấm bài thi tốt nghiệp.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Theo quy chế, TS không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Nhưng trong trường hợp thi tự luận thì TS có thể rời khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian thi. Khi đó, Hội đồng coi thi cũng có thể cho TS rời khỏi khu vực thi với điều kiện tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn vòng ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của bên ngoài vào khu vực thi.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị địa phương đặc biệt lưu ý trong việc tổ chức thi theo cụm: Các cụm thi phải tính đến phương án đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo vệ sinh, an toàn với TS ở xa đến. Những vùng địa hình phức tạp, nhiều sông ngòi, kênh rạch phải chú ý việc đưa đón TS.
Phó thủ tướng – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: chậm nhất đến ngày 25.5, mọi văn bản hoặc hướng dẫn bổ sung liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được gửi về các địa phương.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)