Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở GD-ĐT và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó lưu ý nhiều mốc thời gian quan trọng.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm trước
Theo Bộ GD-ĐT, trong trường hợp phải tổ chức thêm đợt thi của kỳ thi tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bộ sẽ có hướng dẫn riêng.
Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trực tuyến
Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 7 và 8-7. Cụ thể, ngày 7-7, sáng thí sinh dự thi môn ngữ văn; chiều thi môn toán. Ngày 8-7, sáng thí sinh dự thi bài thi khoa học tự nhiên và bài thi khoa học xã hội; chiều thí sinh dự thi môn ngoại ngữ. Còn chiều 6-7, thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế, lịch thi… Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm ngoái. Thí sinh thực hiện thi 3 môn bắt buộc: toán, ngữ văn, ngoại ngữ cùng 2 bài tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Trừ môn ngữ văn thi tự luận, đề thi các môn khác dạng trắc nghiệm. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 2 bài độc lập là toán và ngữ văn cùng một bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT phải hoàn thành tổ chức tập huấn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi trước ngày 26-4; thành lập hội đồng thi, phân công nhiệm vụ các thành viên trước ngày 1-6; cập nhật báo cáo trước kỳ thi vào hệ thống quản lý thi và gửi về Bộ GD-ĐT chậm nhất ngày 10-6; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi trước ngày 6-7. Các ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, các hội đồng thi phải tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT và đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 22-7. Các sở GD-ĐT công bố kết quả tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 28-7. Hiệu trưởng các trường phổ thông cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho học sinh chậm nhất ngày 30-7. Các hội đồng thi hoàn thành tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) chậm nhất ngày 14-8.
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm nay
Công văn của Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong trường hợp phải tổ chức thêm đợt thi của kỳ thi tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn riêng. Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các sở/ngành địa phương để thực hiện những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh/thành, của ban chỉ đạo cấp tỉnh và ban chỉ đạo cấp quốc gia đảm bảo thực hiện đúng quy chế thi cũng như các hướng dẫn thực hiện công tác phối hợp tổ chức thi. Các đơn vị thống nhất sử dụng những phần mềm trong kỳ thi do Bộ GD-ĐT cung cấp như: Phần mềm quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022; phần mềm hỗ trợ chấm thi; phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Đặc biệt, năm nay thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Vì vậy, từ ngày 26-4 đến hết ngày 3-5, thí sinh được thử đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Việc đăng ký chính thức sẽ được các sở GD-ĐT tổ chức từ ngày 4 đến 13-5.
Nâng cao vai trò các sở GD-ĐT
Mọi năm, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT sẽ đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, sau khi có kết quả thi sẽ có thêm một đợt được điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, năm nay việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH dự kiến sẽ được tách ra, thực hiện sau khi thí sinh đã có kết quả thi tốt nghiệp THPT. |
Trước đó, chia sẻ với Giáo dục TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay vai trò của các sở GD-ĐT sẽ được nâng lên trong công tác thi và tuyển sinh. Cụ thể, phía sở GD-ĐT sẽ hoàn thiện kế hoạch chi tiết để triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh tại địa phương. Đồng thời, rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Theo bà Thủy, các sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) của thí sinh lên cơ sở dữ liệu ngành và kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi, xét tuyển. Mặt khác, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT và hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến. Bên cạnh đó, sở GD-ĐT có trách nhiệm tổ chức tập huấn những nội dung của quy chế, quy trình nghiệp vụ, sử dụng phần mềm… nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc của kỳ thi và đăng ký xét tuyển. Sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT để nhập dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh. Ngoài ra, các sở GD-ĐT có trách nhiệm tổ chức cho thí sinh thử nghiệm phần mềm đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia; hỗ trợ thí sinh tự do đăng ký dự thi và xét tuyển. Cùng với đó, hướng dẫn các trường THPT có thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, các sở cần chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm ở các khâu như: Đặt hàng, giao nhiệm vụ; xây dựng quy trình, tiêu chí; tổ chức triển khai.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)