Sự kiện giáo dụcTin tức

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có bị tháo khoán?

Tạp Chí Giáo Dục

Cũng giống như các kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, kỷ luật trường thi được thắt chặt hơn kỳ thi trước. Kỳ thi năm nay, chúng ta có con số rất đẹp về số thí sinh vi phạm, trong số hơn 1 triệu thí sinh dự thi chỉ có 45 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi; và dự kiến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ là trên 90%. Vậy con số này có nói lên được sự nghiêm túc của một kỳ thi mang tính quốc gia.

Nụ cười tươi của các thí sinh tỉnh Hà Nam vì kết quả làm bài thi tốt nghiệp THPT mỹ mãn.
Nếu đem so sánh kỳ thi năm nay với kỳ thi năm trước, có thể thấy số thí sinh vi phạm quy chế thi năm nay giảm một nửa và chỉ tập trung ở hệ GDTX, cùng với đó là tình trạng sử dụng điện thoại di động, tài liệu và thi hộ giảm một cách tích cực.
 Tuy nhiên, ghi nhận của các phóng viên khi đi tác nghiệp trực tiếp ở các hội đồng coi thi các tỉnh cho thấy thí sinh vẫn thản nhiên cầm phao khi ra về và những câu chuyện bên ngoài phòng thi của các thí sinh cũng cho thấy việc quay cóp không gặp khó khăn. Vậy, phải chăng ở một vài nơi đã có sự nới lỏng trong khâu coi thi đối với thí sinh trong kỳ thi năm nay?
 Quay ngược trở lại thời gian trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 diễn ra, Báo điện tử VnMedia có nhận được email của một giáo viên ở tỉnh Nam Định đưa ra nhận xét của cá nhân mình: “"hai không", "chống tiêu cực, gian lận"… đúng là có tác dụng 1 năm sau đó đâu lại vào đấy. Năm ngoái đã bắt đầu lộn xộn trở lại, năm nay chắc hẳn sẽ lộn xộn hơn nhiều. Tôi thấy trường tôi năm nay còn thông báo hẳn lên bảng tin thu 50.000đ/HS để hỗ trợ thi tốt nghiệp”.
Theo giáo viên này, vô hình chung học sinh nghĩ ngay đây là tiền "đảm bảo" hay trước đây người ta còn gọi là "tiền ngu". Chính từ suy nghĩ này, học sinh đã lơ là học hành gây bực bội chán nản cho giáo viên trong quá trình ôn tập cho các em. Nhận định cuối cùng mà vị giáo viên ở Nam Định đưa ra là chúng ta đang lo lắng qua đáng cho học sinh dẫn đến làm hại học sinh và làm khổ chúng ta.
Cũng trong một bức thư khác một giáo viên ở Hà Nội bức xúc: “Tôi cũng là một giáo viên, cũng chỉ mong mình không phải đi làm thi tốt nghiệp vì hoạt động này thực chất là tự dối lừa nhau mà thôi. Nếu cứ tổ chức thi như thế này thì tốt nhất là hãy bỏ kỳ thi này đi để các học sinh và thầy cô đỡ khổ. Hãy dùng ngay kết quả 3 năm học cấp 3 của các em để làm điều kiện tốt nghiệp, đừng tổ chức nữa vì quá lãng phí và không thực sự giải quyết được việc gì”.
Nếu nhìn lại kết quả tốt nghiệp THPT ba năm gần đây, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự chênh lệch trong kết quả thi của các năm. Ví như năm 2009, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước là 83,8%; tỉnh có tỷ lệ đỗ cao nhất 98,26% là Nam Định, tỉnh có tỷ lệ đỗ thấp nhất là Sơn La với 39,07%. Đến năm 2010 khi công tác coi thi được xem là siết chặt hơn thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước tăng lên 92,57%. Đáng lưu ý là ở trường 0% đỗ tốt nghiệp năm 2007 thì chỉ sau 3 năm, trường PTTH Đinh Tiên Hoàng (Quarng Ngãi) có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lên tới tới 90,6%.
Và năm nay, dự đoán của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng sẽ tương đương năm 2010 ở ngưỡng trên 90% đến sấp xỉ 92%. Lý do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển có thể đưa ra con số dự đoán dựa vào đề thi và phản ánh về tình hình thi cử tại các địa phương. Theo Thứ trưởng Hiển, đề thi tốt nghiệp THPT được ra đảm bảo cho học sinh trung bình, học tập đạt yêu cầu tối thiểu của chuẩn kiến thức kỹ năng sẽ làm được bài, đủ điểm để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Còn với các câu hỏi phân loại thí sinh sẽ giúp các học sinh có học lực khá giỏi đạt được điểm 9 – 10. Ông Hiển nhận định: “Cá nhân tôi cũng muốn tỉ lệ tốt nghiệp cao, nhưng tỉ lệ cao đó phải đi đôi với chất lượng thật”.
Thứ trưởng Hiển cũng đưa ra một biện pháp mà Bộ sử dụng để đảm bảo tính khách quan, tránh tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đó là biện pháp chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp.
Đứng trên quan điểm của một nhà quản lý giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ không căn cứ vào số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi hay tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao hay thấp để đánh giá thi đua hay tính thành tích. Bởi sức học của hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 là hoàn toàn khác nhau, Bộ chỉ mong muốn đây là một kỳ thi phản ánh đúng thực chất sự cố gắng của thầy và trò ngành giáo dục.

 

TheoNhật Dương

(vnmedia)



 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)