Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP.HCM đã đạt được những thành công nhất định

Tạp Chí Giáo Dục

Quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 vào ngày 7 và 8-7 trong bối cảnh dịch bệnh, TP.HCM đã phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống nhiều lần. Đến thời điểm này, với sự vào cuộc chung tay của cả hệ thống chính trị, có thể nói kỳ thi đã đạt được những thành công nhất định. Không chỉ nghiêm túc, đúng quy chế mà còn đảm bảo siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc (ở giữa) và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam (ngoài cùng bên phải) kiểm tra điểm thi Trường THPT Trưng Vương sáng 7-7

Kết thúc kỳ thi, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam, nhìn lại “kỳ thi lịch sử”.

Phóng viên: Lãnh đạo TP.HCM từng gọi kỳ thi năm nay là một “kỳ thi lịch sử”, diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tính đến thời điểm này, khi kỳ thi đã chính thức khép lại, ông đánh giá như thế nào về kỳ thi lịch sử này?

– Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam: Đúng như lãnh đạo TP.HCM đã nhận định, kỳ thi năm nay là kỳ thi lịch sử. Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, kỳ thi phải thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu: vừa thực hiện nghiêm túc, minh bạch, tuân thủ nghiêm ngặt quy chế thi của Bộ GD-ĐT; vừa đảm bảo thật tốt các biện pháp phòng chống dịch; vừa giúp phụ huynh, thí sinh và cả cán bộ, giáo viên nhân viên…, an toàn, an tâm trong suốt thời gian thi.

Để đạt được các mục tiêu kép đó, đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh, UBND TP, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP đã quyết liệt chỉ đạo Sở GD-ĐT TP cùng các tổ chức, ban, ngành liên quan triển khai hàng loạt các biện pháp mạnh, với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị. Các phương án tổ chức thi an toàn được triển khai trên toàn bộ 155 điểm thi với sự tham mưu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 từng địa phương, sao cho phù hợp nhất với điều kiện, đặc thù riêng của từng điểm thi. Bám sát theo diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn TP, phương án cũng được điều chỉnh ở một số điểm thi như chia đôi phòng thi, phân luồng di chuyển, tổ chức thi riêng cho một số thí sinh có nguy cơ sau buổi thi..

Việc khử khuẩn, vệ sinh; quy tắc 5K; giữ khoảng cách; đeo khẩu trang; rửa tay sát khuẩn… là những yêu cầu được các điểm thi duy trì trong suốt thời gian kỳ thi diễn ra đối với cả thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh. Lãnh đạo TP cùng Sở GD-ĐT TP đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các điểm thi trước và trong khi kỳ thi diễn ra, đánh giá và chỉ đạo kịp thời về phương án phòng chống dịch.

Được tổ chức trong điều kiện dịch bệnh, mặc dù cả hệ thống đã rất nỗ lực song thực tế diễn ra, kỳ thi vẫn phát sinh một số vấn đề khách quan. Ở một số điểm thi đã xuất hiện thí sinh F0. Tuy nhiên, các vấn đề đó đã được TP quyết liệt xử lý, rất kịp thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho thí sinh, điểm thi; tính toán nhiều yếu tố, siết chặt thêm nữa các biện pháp phòng dịch, nhân văn, tạo tâm lý an tâm cho thí sinh, phụ huynh, cán bộ giáo viên, nhân viên tại điểm thi.

Thậm chí, ngay trước ngày thi, Sở đã ra quyết định thay đổi 8 trưởng, phó điểm thi, điều động bổ sung thay đổi 660 cán bộ coi thi từ phòng GD-ĐT và các trường THPT cho 145 điểm thi do nhân sự ban đầu không tham gia công tác vì không thực hiện quy định phòng chống dịch. Do đã phân công cán bộ dự phòng ngay từ ban đầu (6 người/điểm thi) do vậy Sở không bị động trong khâu thay đổi nhân sự. Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi có 3 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi, không có trường hợp cán bộ coi thi vi phạm quy chế.

Do vậy, cho đến thời điểm này, khi kỳ thi đã kết thúc, tôi cho rằng “kỳ thi lịch sử” đã đạt được những thành công nhất định. Bao gồm, thành công về khâu tổ chức nghiêm túc, minh bạch, công khai, đúng quy chế; Thành công về khâu phòng chống dịch trong điểm thi…

Đúng như ông nói, để tổ chức được kỳ thi này, TP đã phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Giữa muôn vàn những âu lo trong mùa dịch vẫn còn rất nhiều những ấm áp, cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm, dứt khoát, kịp thời của TP. Nhìn từ thực tế kỳ thi diễn ra, đánh giá lại, ông thấy còn điều gì mà ngành giáo dục cần phải rút kinh nghiệm không, thưa ông?.

– Ông Lê Hoài Nam: Phải khẳng định lại là TP đã cực kỳ nỗ lực trong kỳ thi này. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động tham gia kỳ thi lên đến 17.043 người. Trong suốt quá trình kỳ thi diễn ra, tại mỗi điểm thi, đâu đâu chúng ta cũng có thể thấy sự hiện diện của nhiều lực lượng từ y tế, công an, cảnh sát, dân quân, thanh niên… chung tay, tiếp sức cho kỳ thi. Đặc biệt, không thể không kể đến những nỗ lực của mỗi thầy cô giáo, đã làm việc rất trách nhiệm, nghiêm túc, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình trong kỳ thi.

Đó còn là những nỗ lực của mỗi thí sinh, phụ huynh, ý thức trách nhiệm, chủ động phối hợp và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở mỗi điểm thi. Thí sinh, phụ huynh toàn TP đã rất chia sẻ, đồng hành với TP và ngành giáo dục để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, kỳ thi vẫn còn một số hạn chế mà ngành giáo dục xin được sâu sắc rút kinh nghiệm. Dù đã lường trước nhiều yếu tố nhưng tại một số điểm thi vẫn tồn tại sự phối hợp chưa được thực sự nhịp nhàng. Về điều này, chúng tôi xin được rút kinh nghiệm sâu sắc.


Thí sinh dự tại TP.HCM tham gia kỳ thi đợt 1

Song nói đi cũng nói lại, trong kỳ thi lịch sử này cũng có nhiều cách làm hay, mô hình tốt mà tôi cho rằng có thể nhân rộng để áp dụng cho các kỳ thi sau. Đó là khâu tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông trước cổng điểm thi để phụ huynh không tụ tập quá đông; khâu hướng dẫn thí sinh lên thẳng phòng thi; bố trí thí sinh ra về lệch giờ để không gây ùn tắc, nhốn nháo trước cổng điểm thi. Ở một số địa phương như Quận 1 còn trưng dụng các điểm trường khác để làm nơi dùng chân nghỉ trưa cho phụ huynh, thí sinh ở xa, giúp thí sinh phụ huynh an tâm trong mùa thi…

Mặc dù kỳ thi đã kết thúc nhưng phía trước có lẽ công việc còn rất nhiều để có thể kịp được những tiến độ thời gian của kỳ thi mà Bộ GD-ĐT đã quy định. Xin ông cho biết một số công việc sắp tới mà ngành sẽ triển khai để hoàn tất mùa thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021?

– Ông Lê Hoài Nam: Ngay khi kỳ thi kết thúc, theo đúng kế hoạch, ngày 9-7, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ triển khai khâu chấm thi. Với các công việc như làm phách, chấm thi, so dò lên điểm.

Số lượng người tham gia chấm thi chính thức ở các nội dung: làm phách, lên điểm, chấm thi trắc nghiệm, tự luận được huy động là 1.710 giáo viên. Số lượng này chưa bao gồm lực lượng thanh tra thi, công an, điện lực, y tế… tham gia trực công tác thi.

Kết quả thi dự kiến sẽ được công bố vào ngày 26 đến 28-7. Trong thời gian này thí sinh cũng sẽ được công nhận xét tốt nghiệp. Thời gian chấm thi phúc khảo là từ ngày 26-7 đến 16-8 với tổng số cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi phúc khảo là 1.000 người.

Các công đoạn sau kỳ thi vẫn sẽ được ngành quán triệt, thưc hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn. Toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia ban chấm thi, ban làm phách se được xét nghiệm Covid-19 vào ngày 9-7. Song song đó, mọi biện pháp về giãn cách, quy tắc 5K, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khử khuẩn, vệ sinh… cũng sẽ được triển khai trong suốt thời gian chấm thi.

Cạnh đó, Sở GD-ĐT TP cũng sẽ tiếp tục lên phương án để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 cho những thí sinh chưa dự thi vào đợt 1. Theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn TP để có những tham mưu, kiến nghị, đề xuất kịp thời lên Bộ GD-ĐT, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh dự thi đợt 2.

Xin cảm ơn ông.

Yến Hoa (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)