Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2009 – Những âm hưởng tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

1,26 triệu thí sinh (TS) đã hoàn tất kỳ thi tuyển sinh vào đại học (ĐH) năm 2009 với những dư âm tốt đẹp, tích cực. Nói là 1,26 triệu lượt TS, nhưng thực tế thì số người quan tâm đến kỳ thi rất quan trọng này lớn hơn gấp nhiều lần. Nói một cách ngắn gọn: cả xã hội đã vào cuộc và đã thành công!
        Tất cả vì quyền lợi của thí sinh
Kỳ thi năm nay đã kết thúc và đạt được kết quả rất tốt, đầy thuyết phục. Những con số/thông tin tích cực của năm 2009 tăng lên, số TS vi phạm quy chế giảm, số TS ảo tuy còn cao, nhưng cũng giảm nhờ công tác tư vấn hướng nghiệp trước kỳ thi khá tốt…
Ngay cả mỗi khi có sự cố xảy ra, quyền lợi của TS là mục tiêu đầu tiên được xác định. Sự cố về đề thi trong đợt 1 thi ĐH khối A, cơ sở in sao đề thi của Trường ĐH Quy Nhơn (đã in sai 1/50 câu của đề thì môn Vật lý so với đề thi của bộ), bộ cũng đã kịp thời đề xuất phương án khắc phục sai sót theo hướng đảm bảo quyền lợi, công bằng cho các TS dự thi
Đề thi năm nay cũng là một điểm son khi mang tính phân hóa cao, đánh giá đúng học lực của TS, đặc biệt môn Văn, lần đầu tiên đã thể hiện rõ bản chất của môn học “là nhân học” khi đặt vấn đề về đạo đức và trách nhiệm công dân của những người chủ tương lai đất nước.
Một trong những đúc kết của Bộ GD-ĐT dành cho báo giới trong kỳ thi năm nay cũng hướng tới những tấm gương tốt, những tấm lòng hảo tâm cùng chung lòng, góp sức, hỗ trợ cho các TS, các gia đình cả về vật chất và tinh thần cho TS và phụ huynh, những hoàn cảnh đặc biệt.
Nhìn nhận một cách toàn diện hơn, qua những bài viết cho phân khúc hẹp đó, những mảnh đời cơ cực, khốn khó đó… những mạnh thường quân và những tấm lòng nhân ái và trên đó, ý nghĩa tinh thần đã tiếp sức các em, động viên các em vượt qua chính mình. Chính những điều đó, góp phần không nhỏ cho sự thành công của 2 đợt thi vừa qua.
        Những mong đợi…
Khép lại kỳ thi với nhiều điều tốt đẹp. Song tương lai đang còn nhiều thách thức. Chắc chắn những ai quan tâm đến những chủ trương lớn, những chính sách và sự đổi mới của ngành GD-ĐT luôn mong đợi những điều tốt đẹp, hợp lý. Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục sẽ được tiếp tục gắn liền với thực tiễn, bởi những điều tốt đẹp chỉ có thể đạt được mục tiêu tốt đẹp khi việc thực hiện, triển khai đúng, hợp lý. Ngay bây giờ, rất có thể dư âm đẹp về kỳ thi vừa qua sẽ làm cho những ai còn phân vân, còn lưỡng lự về “bỏ 1 nào trong 2” sẽ yên tâm mà tiếp tục đề nghị nên giữ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Một vấn đề nữa đúc kết từ kỳ thi này là vẫn còn đâu đó bất cập về số hồ sơ ảo, thậm chí, nguyện vọng 2, 3 sau này sẽ làm ảo thêm nhiều vấn đề khác nữa… Để hạn chế hồ sơ ảo, theo nhiều chuyên gia quản lý giáo dục, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh là hết sức quan trọng và phải làm tốt hơn, sớm hơn.
Và để người đậu NV2, NV3 gắn bó tích cực với ngành nghề đã chọn, việc tăng cường tính tự chủ cho các trường ĐH, CĐ trong khâu xét tuyển NV2, NV3 trên các căn cứ: sở thích nghề nghiệp của người học, từng nhóm lĩnh vực ngành nghề, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, nhu cầu xã hội/doanh nghiệp… là hết sức cần thiết và phải làm sớm, thường xuyên, chuyên nghiệp. Hành lang pháp lý cho vấn đề này đã có, thông qua chủ trương đào tạo đáp ứng với nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp của Bộ GD-ĐT. 
Th.S TRẦN ĐÌNH LÝ (SGGP)
Đánh giá chung về kỳ thi TS ĐH năm 2009
– Công tác chuẩn bị thi của Bộ GD-ĐT và các trường ĐH được triển khai sớm, kỹ lưỡng, đảm bảo đúng lịch công tác tuyển sinh và sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi.
– Các cán bộ biên soạn, phản biện đề thi là giáo viên các trường THPT ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; giảng viên các trường ĐH, có trình độ chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm cao.
– Đề thi được dư luận đánh giá tốt, không quá dài, quá khó, không đánh đố, vừa sức, phù hợp với trình độ chung, thời gian làm bài của TS và có khả năng phân loại cao. Đề thi được bảo mật, an toàn tuyệt đối, không có sai sót cả về nội dung và hình thức, không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi.
– Nhận thức của các cán bộ làm công tác tuyển sinh và TS về chấp hành kỷ luật thi đã nâng cao, nên kỷ luật phòng thi được siết chặt, không khí trường thi nghiêm túc, trật tự. Các hiện tượng vi phạm quy chế thi đều được phát hiện, xử lý kịp thời, kiên quyết và dứt điểm. Số lượng và mức độ vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật giảm hẳn so với năm 2008.
– Các cơ quan thông tấn báo chí đã kịp thời đưa tin về những tấm gương tốt, những tấm lòng hảo tâm cùng chung lòng, góp sức, hỗ trợ cho các TS, các gia đình cả về vật chất và tinh thần, góp phần không nhỏ cho sự thành công của 2 đợt thi vừa qua.
(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)