Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ đợt 2: Đề hay và yêu cầu sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Đúng những gì phát biểu của Bộ GD-ĐT trên Báo Thanh Niên trước khi diễn ra kỳ thi là: đề thi sẽ ra theo hướng phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Đây là một quyết tâm đổi mới của Bộ GD-ĐT và sự đổi mới này thể hiện rõ nhất ở đề thi Văn khối C, D trong buổi thi ĐH đợt 2 ngày hôm qua 9.7. 
Sự đổi mới trong cách ra đề Văn nằm trong từng câu của đề thi nhưng rõ và gây bất ngờ nhất là trong câu II của đề Ngữ văn. Ở đề thi Văn khối C, trích một câu trong lá thư của Tổng thống Mỹ A.Lincohn gửi cho thầy giáo của con trai mình như sau: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”. Từ ý kiến này, đề thi yêu cầu TS viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.
Thí sinh trao đổi sau buổi thi môn Văn – Ảnh: Đ.N.T
Tương tự, ở đề thi khối D yêu cầu TS viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý kiến "Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa" (Theo sách Dám thành công của NXB Trẻ).
Hai câu hỏi mở này được các giáo viên dạy văn đánh giá rất cao về tính sáng tạo của đề. Ông Lê Đình Vinh – Trưởng bộ môn Văn khối THPT chuyên thuộc trường Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: đây là đề thi rất hay, tạo điều kiện cho TS được thể hiện chính kiến của mình và tự do sáng tạo. Ở câu hỏi trong đề thi khối C còn mang tính thời sự vì nó phù hợp với cuộc vận động “hai không” của Bộ GD-ĐT (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Tuy nhiên, đây là hai câu hỏi rất khó đối với học sinh và với cả người chấm. Với học sinh, khi nói về sự trung thực trong khi thi và trong cuộc sống sẽ phải trình bày rất nhiều thứ và ít nhất học sinh phải định nghĩa được thế nào là sự trung thực. Sự trung thực đấy đem lại ý nghĩa như thế nào cho bản thân và cho xã hội. Chưa nói, trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, học sinh còn phải đề cập đến việc trung thực phải được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ chứ không phải là lúc nào cũng cần sự trung thực! Đó là một yêu cầu khó đối với đối tượng là học sinh, các em chưa thể đủ trải nghiệm trong cuộc sống để có thể đưa ra được những ý này.
Tương tự, ở câu hỏi của đề thi khối D. Theo ông Vinh, học sinh phải định nghĩa được cụm từ “niềm tin vào bản thân” chính là sự tự tin. Thầy Vinh cho rằng: “Đây là một đề thi hơi trừu tượng, nên với trình độ của học sinh phổ thông là một yêu cầu khó. Bản thân người lớn khi nói về sự tự tin còn khó, huống hồ với các em học sinh”.
Chính vì sự khó này nên theo ông Vinh, đáp án của Bộ GD-ĐT phải hết sức linh hoạt; không nên quá chi tiết. Đáp án chỉ cần đưa ra 3-4 ý lớn và chỉ có tính chất gợi mở. Đặc biệt, người chấm phải hết sức linh hoạt, không nên chỉ rập khuôn theo đáp án mà việc chấm thi cũng phải “mở” thì mới đảm bảo đánh giá đúng được trình độ của học sinh. Hơn nữa, có đảm bảo được việc chấm các đề mở một cách “tâm phục, khẩu phục” thì mới góp phần làm thay đổi được việc dạy và học văn vốn giáo điều và nhàm chán lâu nay.
Vũ Thơ/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)