Trong các ngày 23 – 24 -26.6, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
Kỳ thi này được đánh giá là căng thẳng không kém so với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ bởi lẽ theo chỉ tiêu, chỉ có khoảng hơn 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào trường THPT công lập.
Có phần kiến thức dành cho học sinh trung bình
Học sinh lớp 10 trường THCS Nguyễn Du, TP.HCM ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi – Ảnh: Đ.N.Thạch |
Ngày 24.6 tới, khoảng 90.000 học sinh (HS) lớp 9 trên địa bàn thành phố sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên với hai môn thi: Ngữ văn và Toán. Đây là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT lớn nhất của Hà Nội từ trước tới nay do địa giới hành chính mở rộng. Tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Hà Nội tiếp tục duy trì phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, trong đó, điểm thi được tính hệ số 2. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Hoài Vĩnh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ nằm trong phần nội dung kiến thức của chương trình THCS, chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 9. Trong đề thi, sẽ có phần kiến thức mà HS trung bình có thể làm được bài và một phần câu hỏi để phân loại HS khá giỏi. Điểm thi sẽ là tổng điểm hai bài thi Ngữ văn và Toán chấm theo thang điểm từ 0 đến 10, ba-rem điểm chi tiết tới 0,25 điểm. Theo quy định của Sở GD-ĐT, đối với lớp 10 không chuyên, sẽ chỉ đưa vào diện xét tuyển những HS không có bài thi nào bị điểm 0.
Về giám thị, để đảm bảo tính khách quan, sẽ có 50% giáo viên THCS không dạy Ngữ văn và Toán lớp 9 năm học 2008-2009; 50% là giáo viên THPT không dạy Ngữ văn và Toán. Ngoài các đoàn thanh tra lưu động của Sở và Phòng GD-ĐT, tại mỗi hội đồng coi thi có từ 2 – 4 thanh tra viên làm nhiệm vụ.
Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển của HS, trường THPT đề xuất điểm chuẩn, Sở GD-ĐT sẽ duyệt điểm chuẩn cho từng trường.
Ông Đoàn Hoài Vĩnh còn lưu ý: Điểm xét tuyển do Sở GD-ĐT công bố là căn cứ duy nhất để xác định điểm chuẩn, các trường không được đưa ra bất cứ một loại điểm và điều kiện khác để xét tuyển. Trường hợp hạ điểm chuẩn, các trường THPT phải niêm yết công khai số lượng HS đã tuyển, số còn thiếu so với chỉ tiêu, điểm chuẩn mới và thời hạn nộp hồ sơ. HS muốn nhập học tại trường đăng ký theo nguyện vọng 2 (NV2) phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận HS đăng ký NV1, không nhận HS đăng ký NV2.
Đặc biệt, Sở sẽ cho phép tuyển NV3 của một số trường THPT công lập gặp khó khăn trong tuyển sinh. Cũng theo yêu cầu của Sở GD-ĐT: HS đủ điểm chuẩn phải nộp đầy đủ hồ sơ nhập học tại trường, các trường không được thu bất cứ khoản đóng góp nào khác. Đặc biệt, đối với các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí và các khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.
Cấu trúc đề thi tương tự bài kiểm tra học kỳ 2 lớp 9
Theo ông Nguyễn Văn Ngai – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra từ ngày 24 – 26.6 tới. Đề tuyển sinh vào lớp 10 có cấu trúc tương tự như đề kiểm tra học kỳ 2 ở lớp 9. Trong đó với thang điểm 10 cho mỗi môn, tùy theo môn sẽ có 7 đến 8 điểm là những kiến thức cơ bản nằm trong chương trình học của bậc THCS mà chủ yếu là chương trình lớp 9 dành cho HS trung bình có thể làm bài được. Phần còn lại từ 2 đến 3 điểm là đề thi nâng cao dành cho HS khá giỏi để phân loại HS. Đề thi 2 môn Toán, Ngữ văn là đề thi tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ có xen kẽ giữa phần thi viết và phần thi trắc nghiệm.
Ông Ngai cho biết thêm, theo Nghị quyết 05 của Chính phủ, định hướng đến năm 2010 60% HS hoàn thành bậc THCS sẽ được vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập. Tuy nhiên, nhiều năm nay TP.HCM đã cố gắng tuyển 80% HS tốt nghiệp THCS vào các trường THPT công lập. Năm học 2009 – 2010, tuy rằng trường lớp mới không được xây thêm nhưng Sở GD-ĐT vẫn cố gắng để giữ được tỷ lệ này. Do vậy, đề thi và thang điểm cũng được đưa ra dựa trên tỷ lệ này. Cụ thể là khoảng 80% HS sẽ vào trường công lập qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Ông Ngai nói: Nội dung đề tuyển sinh lớp 10 của 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ hoàn toàn dựa trên kiến thức được học ở bậc THCS mà chủ yếu là ở lớp 9. Vậy nếu đã học đầy đủ chương trình lớp 9, thực hiện đầy đủ các yêu cầu mà thầy cô hướng dẫn ôn tập, thì thời gian này các thí sinh chỉ cần dành thời gian để hệ thống hóa kiến thức đã học, ôn luyện lại kiến thức cơ bản, làm một số bài tập đã học ở trường để củng cố kiến thức thì đã đủ sức thi vào lớp 10 chứ không nhất thiết phải luyện thi.
Hiện tượng luyện thi là do tâm lý chứ chưa chắc gì qua lớp luyện thi cấp tốc với một thời gian rất ngắn các em có thêm kiến thức mà chỉ mất thời gian và tốn kém chi phí. Thật sự nếu mình tự nghiên cứu, tự học tập thì kiến thức sẽ thấm sâu hơn là bị nhồi nhét tại các trung tâm luyện thi. Thời gian cũng rất gấp gáp rồi, các em nên dành thời gian để tự ôn luyện và nghỉ ngơi.
Cũng giống như ở tất cả các kỳ thi, khi làm bài thi nhất thiết thí sinh phải đọc kỹ đề, phân tích đề để biết rõ nội dung trọng tâm câu hỏi. Ông Ngai khuyên: Đối với môn Toán cần nắm vững kiến thức cơ bản, thuộc các công thức để có thể làm bài tập. Chú ý đọc kỹ đề và tính toán cẩn thận. Cần thiết phải tính nháp trước khi ghi kết quả vào bài làm. Riêng phần hình học phải vẽ hình trên bài làm. Nếu vẽ hình trên giấy nháp để tính toán rồi chỉ ghi kết quả vào làm bài thì sẽ không được chấm điểm vì ở Hình học, hình vẽ rất quan trọng. Thực tế trong các kỳ thi trước, có rất nhiều thí sinh vẽ hình trên giấy nháp nhưng lại không vẽ hình trong bài làm nên rất dễ bị mất điểm. Ở môn Ngoại ngữ chú ý củng cố thêm vốn từ, xem lại phần văn phạm, cấu trúc câu. Còn đối với môn Ngữ văn thí sinh phải đọc kỹ đề, hiểu và nên có dàn ý trước khi làm bài. Dựa trên dàn ý để viết bài văn cho đủ ý, mạch lạc. Đảm bảo cấu trúc cần thiết đối với bài luận văn.
Thí sinh nên an tâm, tự tin và bình tĩnh để bước vào một kỳ thi hiệu quả. Đừng nên quá lo lắng, sẽ tạo tâm lý không hay, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuệ Nguyễn – Phi Loan (TNO)
Bình luận (0)