Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kỳ thi với HS tuổi 18

Tạp Chí Giáo Dục

Những thay đổi lớn của bản thân khi đã hoàn tất chương trình học phổ thông để bước vào kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời. Nhìn từ số liệu thông tin từ Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, cả nước hàng năm có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có khoảng gần 300.000 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Từ thông tin trên, có thể thấy hàng năm có khoảng 1/4 thí sinh không có nhu cầu hay ước mơ vào giảng đường ĐH. Chưa vội đánh giá đó là quyết định đúng đắn hay sai lầm của các em, nhưng qua đó có thể thấy số lượng học sinh có ngay quyết định cho tương lai mình trước ngày diễn ra kỳ thi. Các em chắc hẳn ít nhiều đã có một quyết định cho tương lai của mình ngay từ tuổi 18. Điều đó có đáng khen, khi các em có nhận thức đúng về năng lực bản thân hoặc những điều kiện khách quan từ gia đình và xã hội tác động đến quyết định của mình.

Bên cạnh đó, tổng số thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia để dùng kết quả xét tuyển ĐH, CĐ là hơn 700.000 thí sinh. Trong số đó có bao nhiêu em bước vào kỳ thi “tuyển ĐH” – như bản chất của nó – có được quyết định trên là từ sức ép của các bậc phụ huynh. Số lượng tiếp nhận các em vào các trường ĐH không lớn như vậy. Điều đó mặc nhiên thừa nhận có rất nhiều em sẽ không thực hiện được ước mơ của mình – hay của gia đình – khi kết quả tuyển sinh ĐH được công bố. Đến khi đó, các em có sẽ bắt đầu nghĩ về tương lai của mình, có muộn?

Trong hai loại học sinh trên, ai là người đã lớn?

Phụ huynh với kỳ thi

Thiết nghĩ phụ huynh nào cũng quan tâm đến tương lai của con mình. Từ khi còn thơ, đứa trẻ nào cũng nhận được lời chúc tốt đẹp với kỳ vọng của các bậc phụ huynh “hay ăn, chóng lớn, vâng lời bố mẹ”. Hiện nay, nhìn vào số thí sinh 18 tuổi mới thấy rất nhiều phụ huynh vẫn chưa thấy rằng con mình đã lớn, hay không cho con mình lớn, với những chi tiết qua những gương mặt thấp thỏm lo âu khi chờ đợi thí sinh trước cổng hội đồng thi, lo cho con từng bữa ăn, quạt mát cho con, che nắng cho con… Những thí sinh nhận được sự chăm sóc tận tình như vậy không biết có mấy ai hãnh diện rằng mình được chăm lo như thế (?).

Chợt nhớ lời bài hát “Hôm qua em tới trường. Mẹ dắt tay từng bước”, nhưng xin quý vị phụ huynh hãy nhớ trong bài hát Đi học (nhạc Bùi Đình Thảo, thơ Hoàng Minh Chính) nối tiếp đoạn thơ trên là câu “Hôm nay mẹ lên nương. Một mình em đến lớp”. Xin quý phụ huynh nhớ cho đến nay, những học sinh 18 tuổi của mình đã lớn, nên để các em “lớn toàn diện”, như lời chúc năm xưa. Đừng biến những đứa con đã trưởng thành của mình thành những chú “gà công nghiệp”.

Với những phụ huynh đó, tình thương con có đặt đúng chỗ?

Xã hội với kỳ thi

Trước mỗi mùa thi, các phương tiện thông tin dành không ít giấy mực để thể hiện sự quan tâm. Với luồng thông tin liên tục dội vào các em trước kỳ thi, như sắp bước vào trận chiến, nhiều khi phản tác dụng, những thông tin dồn dập, vây phủ các em, tạo không khí hoang mang, hồi hộp, lo lắng cho các em.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” với mục đích là một chương trình xã hội nhằm hỗ trợ các thí sinh thi vào các trường ĐH, CĐ và trung học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu phân tích từ tên gọi có thể thấy xã hội nhìn về số học sinh 18 tuổi này như những “bé thơ”. “Tiếp sức” là giúp sức vào làm tăng thêm sức mạnh. Vậy có nghĩa là bước vào kỳ thi, các thí sinh mình không mạnh, cần phải tiếp sức của nhiều nguồn. Đồng nghĩa đây là một cuộc chiến quá ư nặng nề, căng thẳng, khó khăn mà các em không đủ tự tin để đối mặt?

Có nên đổi tên gọi chương trình “Tiếp sức mùa thi” với tên “Đồng hành mùa thi” để gợi lên hình ảnh khi bước vào kỳ thi, các em có một đội, một nhóm, hay một cộng đồng người, với nhau, bên nhau, cùng nhau, cùng nắm tay nhau tiến về phía trước, một cách nhịp nhàng và đồng bộ. Qua đó thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng các em, từ đó các em càng tự tin thể hiện mình qua kỳ thi.

“Đồng hành” hay “Tiếp sức” sẽ tạo tâm lý người lớn hơn cho các học sinh 18 tuổi?

Xã hội hãy bớt những thông tin tạo áp lực để thí sinh có điều kiện thể hiện cá nhân, rèn tính tự lực. Phụ huynh hãy bớt đi sự chăm sóc quá mức cần thiết, như với một thanh niên chưa lớn, để các em có điều kiện trưởng thành, để các em là người lớn, có thể sống độc lập, tự quyết định được số mệnh của mình, chịu trách nhiệm với hành vi của mình. 

Bản thân các em, những công dân 18 tuổi hãy tự thấy rằng mình đã lớn, đã trưởng thành. Đó là quy luật của tự nhiên, con người rồi ai cũng phải lớn, không thể bé nhỏ, dựa dẫm mãi vào người khác được.

Trần Đăng Huy (Cần Thơ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)