Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Kỳ thú gành Đá Đĩa

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Phú Yên có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như vịnh Xuân Đài, Mũi Điện, Đá Bia, chùa Đá Trắng, đầm Ô Loan… Song nhắc đến vùng đất này, du khách không thể bỏ qua điểm du lịch tự nhiên: gành Đá Đĩa, nằm ở bờ biển thôn 6, thuộc xã An Ninh Đông, H.Tuy An.

Du khách đến tham quan gành Đá Đĩa có thể xuất phát từ TP.Tuy Hòa, ngược ra hướng bắc khoảng 32 km theo quốc lộ 1, rồi rẽ hướng phải, đi trên con đường liên xã chừng 12 km là đến. Toàn cảnh khu gành đá có chiều rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200 m. Mỗi viên đá ở đây có hình đa giác, màu đen bóng, được tạo hóa dựng, xếp, đặt đứng theo từng lát, từng cột liền khít nhau. Nếu quan sát gần, mỗi viên đá giống như những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau, cột nọ liền cột kia tạo thành một tổng thể đá cao, thấp nghiêng, bằng khác nhau. Những người giàu trí tưởng tượng, đứng từ trên cao nheo mắt lại nhìn xuống, toàn cảnh gành đá giống như một tổ ong khổng lồ.


Một góc gành Đá Đĩa – Ảnh: Đào Tấn Trực

Theo kết quả nghiên cứu của một số tài liệu, sở dĩ đá ở đây được “đẽo gọt, sắp đặt” như vậy là do hoạt động của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước biển bất ngờ bị đông cứng lại, và hiện tượng nóng gặp lạnh gây nên rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang khiến những cột đá bị cắt thành nhiều khúc.

Điều đặc biệt là gành Đá Đĩa còn rất hoang sơ. Ở đây, xóm làng cư ngụ dọc theo những con đường, có đồi núi, nương rẫy và cuộc sống thì mang đậm chất của người địa phương. Đẹp nhất khi đến đây là vào thời điểm buổi sáng sớm. Mặt trời vừa từ biển nhô lên, mặt biển bên cạnh gành đá tương phản như một tấm gương tuyệt đẹp. Du khách có thể tản bộ xuống gành đá hoặc đứng từ đỉnh cao chọn những góc nhìn mà tha hồ bấm máy. Cảnh hoang sơ, đá tự nhiên, nước biển xanh ngắt, khí hậu mát lành và những điều hấp dẫn khác sẽ khiến con người cảm thấy thư thái vô cùng.

Du khách đến tham quan gành Đá Đĩa thường mang theo thức ăn, đồ uống bởi ở đây chưa có dịch vụ ẩm thực. Ngồi dưới những hốc đá, cạnh những tán cây vừa nghỉ ngơi vừa ngắm cảnh, nhìn đá, nhìn biển, nhìn trời, nghe ầm ì tiếng sóng vỗ bên tai, mũi và miệng thấm nồng hương vị biển thì còn gì thú vị bằng. Tuyệt vời hơn, bên ngoài gành đá nhấp nhô một bãi thuyền, bên kia vòng cung của gành đá là những bãi sắn, ruộng ngô của người dân địa phương xanh mướt trông thật hài hòa.

Nếu đi thuyền bằng đường biển thì cảm giác sẽ tuyệt vời hơn. Từ gành Đá Đĩa có thể ngược vào cù lao Mái Nhà, Hòn Yến cách đó không xa hoặc ngược lên phía bắc là vịnh Xuân Đài nằm bên thị xã Sông Cầu. Nếu thích, có thể đến với thắng cảnh đầm Ô Loan bên cầu gỗ An Hải gần đó để vừa ngắm cảnh đầm nước vừa thưởng thức các loại hải sản nổi tiếng nơi đây.

Chính vì những đặc điểm nổi bật đó mà ngày 23.1.1997, gành Đá Đĩa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận Di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Từ đó đến nay, gành Đá Đĩa vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên vẹn của mình và thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan.

Đào Tấn Trực

Theo Thanh Nien

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)