Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Kỳ thủ khiếm thị

Tạp Chí Giáo Dục

Thảo (phải) đang cùng bạn học chơi cờ vua tại Trường Nguyễn Đình Chiểu

Mặc dù bị khiếm thị nhưng Nguyễn Thị Thảo (HS lớp 10 Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM) không chỉ đạt thành tích cao trong học tập mà còn rất xuất sắc ở lĩnh vực thể thao.
Định mệnh nghiệt ngã
Thảo sinh năm 1991 tại Ma Đ’rắc, một huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk trong một gia đình có sáu anh chị em.  Năm 11 tuổi, sau một buổi sáng thức dậy, Thảo thấy mắt mình rất mờ, bố mẹ đưa đi khám ở bệnh viện tỉnh thì mới biết Thảo bị mắc bệnh khiếm thị bẩm sinh. Mắt kém không thể tới trường nhưng Thảo đã cố thuyết phục bố mẹ cho em được theo đuổi con chữ. Vì thương con chăm học, suốt ngày mò mẫm đọc sách, làm toán dù mắt đã mờ, gia đình đã đưa Thảo lên Trường Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM học nội trú. Lúc ấy, mắt Thảo vẫn còn khả năng nhìn được gần nên em được xếp vào lớp học bình thường. Tuy nhiên, năm lớp 3, Thảo đã chủ động xin cô giáo cho mình được chuyển sang học lớp chữ nổi để thích ứng với việc sẽ bị mù vĩnh viễn. Sau gần 11 năm học tập ở trường, giờ đây Thảo đã trưởng thành và bước vào lớp 10. Xa nhà, mỗi năm được về quê hai lần vào dịp Tết và nghỉ hè, Thảo luôn tự mình bắt xe về huyện Ma Đ’rắc, Đắk Lắk. Dù phải đi qua nhiều trạm xe, tuyến đường, nhưng với Thảo, những chuyện đó “dễ như trở bàn tay”.
Khi niềm đam mê chắp cánh
Theo cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM thì bộ môn cờ vua được nhà trường đưa vào giảng dạy cho các em HS từ năm lớp 2. Hầu hết các em tỏ ra rất thích thú khi được chơi cờ. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có năng khiếu và đam mê như Thảo. Qua nhiều cuộc thi của trường, thấy Thảo chơi tốt và thậm chí còn thắng cả các bạn không bị khiếm thị, nhà trường đã quyết định gửi em sang Trung tâm Thể thao Tân Bình (TTTTTB) để huấn luyện cho em. Và tài năng của em đã bộc lộ khi năm 2007, lần đầu tiên tham dự giải thể thao khuyết tật toàn quốc, Thảo đoạt được chiếc huy chương đồng bộ môn cờ vua. Khi hỏi về bí quyết vừa là HS giỏi (nhất là môn toán) vừa chơi cờ vua giỏi, Thảo vui vẻ nói: “Em rất đam mê với cờ vua nên đã chăm chỉ tập luyện. Em rất may mắn khi được HLV Lê Hiền Thục hướng dẫn tận tình nên tiến bộ rất nhiều”. Nỗ lực của Thảo đã được đền đáp, tại Giải thể thao khuyết tật toàn quốc năm 2011, Thảo tiếp tục đoạt được chiếc huy chương vàng đồng đội và huy chương bạc cá nhân. Cuối năm 2011, Thảo được chọn tham dự Para Games 6 tại Indonesia và “rinh” tấm huy chương đồng về cho riêng mình. “Lần đầu tiên được ra nước ngoài thi đấu, em tự hào, nhưng cũng có phần hồi hộp. Nhưng khi nhớ lại những lời của bố mẹ, thầy cô dặn lúc lên đường nên em đã thi đấu hết mình”. Khi miêu tả về tấm huy chương mà mình có được, Thảo hồn nhiên “nó hình tròn, em thấy cũng nặng, chắc là đồng thật ạ. Nhưng em đưa về quê cho bố mẹ cất rồi…”.
Đối với một người bình thường, học chơi cờ vua là một điều dễ dàng, nhưng với người bị khiếm thị như Thảo thì học chơi cờ vua đã khó, còn để chơi giỏi và giành những tấm huy chương lại càng khó thêm. Thảo chia sẻ: “Các bạn bình thường thì nhìn vào bàn rồi cầm cờ đi, còn em phải vừa đánh vừa suy nghĩ và tưởng tượng ra bàn cờ, vừa sờ vào quân cờ để biết đối phương đi quân nào. Cũng phải mất một thời gian mới làm quen được”. Được hỏi về cách chơi cờ vua dành cho người khiếm thị, Thảo cho biết: “Bàn cờ vua có 8 ô hàng dọc và 8 ô hàng ngang. Theo quy định, 8 ô ngang sẽ được đánh dấu từ chữ cái A đến H. 8 ô hàng dọc sẽ được quy ước từ số 1 đến số 8. Khi đi một quân cờ, người chơi phải đọc cho đối phương biết là mình đi vào ô nào. Ví dụ, đọc to di chuyển con tốt lên A4”. Dù chơi cờ giỏi, nhưng Thảo cho biết: “Ước mơ sau này của em là được trở thành cô giáo để dạy học cho những người cùng cảnh ngộ như em, còn cờ vua chỉ là đam mê mà thôi!”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thảo là HS ngoan hiền, tài năng của trường. Mỗi lần giảng dạy, tôi hay lấy em ra làm tấm gương để cho HS khác noi theo…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)