Theo kỹ thuật dạy học ở New Zealand, giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh chủ động trong các hoạt động nhóm (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Khi chúng tôi tiếp xúc với các nhà quản lý giáo dục, các giảng viên đại học cũng như giáo viên các trường trung học ở New Zealand, chúng tôi học được khá nhiều điều thú vị.
Qua đó, chúng tôi đã nhận ra một thông điệp như là một triết lý về giáo dục của New Zealand: “20 năm trước đây, chúng ta không thể biết được 20 năm sau, có những ngành nghề phát triển như bây giờ và cũng tương tự như vậy, chúng ta cũng không thể đoán biết được 20 năm nữa trong xã hội có thêm những ngành nghề nào? Ngành nghề nào phát triển tốt nhất? Chính vì như vậy, chúng ta phải đào tạo cho thế hệ trẻ có năng lực thích nghi với mọi ngành nghề mà xã hội cần, phải hết sức nhạy bén, linh hoạt trong cuộc sống, phải dạy cho học sinh biết học cách học. Nhà trường phải biết thay đổi giá trị từ việc phải nghe lời giáo viên sang biết học tập suốt đời; từ việc buộc học sinh phải thuộc bài, phải làm theo hướng dẫn sang biết sáng tạo; từ làm việc độc lập sang làm việc nhóm; việc làm bài cá nhân chuyển sang làm có suy nghĩ, làm việc từng cặp và biết chia sẻ”.
Thực hiện tầm nhìn của chương trình giáo dục New Zealand đòi hỏi người giáo viên phải biết giúp học sinh có được sự tự tin, biết kết nối, tích cực tham gia các hoạt động và phải biết học suốt đời. Để làm được những điều trên, nền giáo dục New Zealand thực hiện 10 kỹ thuật dạy học như sau:
1. Giáo viên phải chia sẻ mục đích học tập và tiêu chí thành công với học sinh, phải cùng học sinh giải đáp được các câu hỏi: Chúng ta phải học cái gì? Tại sao chúng ta phải học điều đó? Chúng ta sẽ học điều đó như thế nào? Chúng ta sẽ học được chúng khi chúng ta vận dụng được chúng?
2. Tiêu chí thành công: Chia nhỏ bài ra từng bước, điều này rất quan trọng như trong môn toán chẳng hạn, bởi vì ngay từ đầu, chúng ta không thể cung cấp quá nhiều kiến thức cho học sinh. Giáo viên phải đưa ra những ví dụ và cho bài tập trong nhóm và luôn phải nhắc học sinh cần hướng tới điều gì?
3. Liên hệ việc học với hoàn cảnh học sinh: Giáo viên cần hiểu học sinh đã biết gì? Học sinh muốn học gì? Điều gì học sinh có thể chia sẻ với nhau và ngay cả với giáo viên?
4. Khuyến khích và tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ: Bằng cách tạo các câu hỏi với yêu cầu cấp độ khác nhau, sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi, tạo điều kiện để học sinh tư duy, chú ý có thời gian cho học sinh suy nghĩ.
5. Khuyến khích và tạo cơ hội cho học sinh nói: Phải dành thời gian để học sinh làm rõ ý tưởng của mình và diễn đạt ngôn ngữ bằng cách tổ chức thảo luận cặp đôi, nhóm, cả lớp phục vụ cho những mục đích khác nhau, bằng các câu hỏi mở. Thực hiện thang bậc hiểu biết của Bloom như sau:
Đánh giá
Tổng hợp
Phân tích
Áp dụng
Hiểu
Kiến thức
Kiến thức
6. Khuyến khích và tạo cơ hội cho học sinh hành động. Thực hiện quy luật: Tôi nghe – tôi quên (What I hear, I forget); Tôi thấy – tôi nhớ (What I see, I remember); Tôi làm – tôi hiểu (What I do, I understand).
7. Khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh làm việc tập thể: Để nhóm hoạt động có hiệu quả cần chú ý là phải giao cho họ vai trò cụ thể, phải làm cho mọi thành viên của nhóm có thể đóng góp ý kiến điều này có ý nghĩa trong việc hoàn thành nhiệm vụ của nhóm.
8. Phương pháp phản hồi kết quả: Giúp học sinh điều kiện để cung cấp thông tin phản hồi về hiệu quả của việc học tập.
9. Tạo cơ hội và thời gian cho học sinh tự rút kinh nghiệm về việc học. Giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh trả lời các câu hỏi: Tôi học được điều gì? Tôi thích điều gì? Cần cải thiện ở khía cạnh nào? Tôi áp dụng những điều đã học vào các tình huống khác như thế nào?
10. Thiết lập mối quan hệ tốt với học sinh. Để có thể thiết lập mối quan hệ tốt với học sinh, người giáo viên cần phải: biết lắng nghe. Đối xử công bằng với mọi người. Phải thấu hiểu. Một chút hài hước. Phải tốt bụng. Biết tôn trọng học sinh.
Có những người bẩm sinh có năng khiếu làm giáo viên, chúng ta cần phấn đấu làm như họ! Thực hiện tốt 10 kỹ thuật giảng dạy này, chúng tôi tin rằng các bạn sẽ thành công trong sự nghiệp trồng người của mình.
ThS. Văn Công Sang
Bình luận (0)