Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa – “mạch máu” của kỷ nguyên số hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Những nhà máy hiện đại với hệ thống dây chuyền tự động “làm thay” công việc của con người đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở những thành phố công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa,… Và đứng sau những dây chuyền như thế không thể không nhắc đến ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa – “mạch máu” của sản xuất công nghiệp hiện nay.

Ngày càng được chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đảm đương vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, “giữ nhịp” sản xuất công nghệ cao trong thời đại 4.0. 

3 “bí mật” làm nên ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa   

Một ngành học với tên gọi… dài hơn hẳn đa số các ngành khác, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tưởng như đã rất rõ ràng, nhưng thật ra cũng chứa đựng không ít điều “bí mật”. Đầu tiên, ngành học này là một “tập hợp xuyên ngành” – từ kỹ thuật cơ khí hiện đại, kỹ thuật điều khiển đến kỹ thuật máy tính – để thiết kế, vận hành, điều khiển,… dây chuyền sản xuất mà không cần đến sự tham gia trực tiếp của con người. Thế nên nếu chọn học ngành này, bạn đừng ngạc nhiên khi ngoài kiến thức về điều khiển, tự động hóa, trong chương trình còn cả những kiến thức về truyền động điện, lập trình đồ họa hay vật lý điện từ!

Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là ngành học bao gồm nhiều lĩnh vực

“Bí mật” thứ hai, nhắc đến Điều khiển và Tự động hóa không chỉ là nhắc đến những hệ thống máy móc “khủng” trong các nhà máy, xí nghiệp,… mà còn có cả những thiết bị tự động dân dụng – nghĩa là xuất hiện ngay trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì thế, giờ học thực hành còn bao gồm cả việc thực hành trên những chi tiết, thiết bị… “nhỏ mà có võ”, tất nhiên là cùng với đó, bạn sẽ được học tập trực tiếp với những hệ thống máy móc “khủng” rồi!

Nhân lực tốt nghiệp ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đang được nhiều doanh nghiệp săn đón

Nhưng điều quan trọng nhất với các bạn trẻ đam mê công nghệ tự động hóa chắc chắn phải là “bí mật” thứ ba: với vai trò là “mạch máu” xuyên suốt, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa được coi là nền tảng cho cả một kỷ nguyên công nghiệp đang phát triển từng ngày. Chính vì thế, nhân lực ngành này được các tập đoàn, các doanh nghiệp – cả trong và ngoài nước – săn lùng ráo riết. Kỹ sư Điều khiển và tự động hóa là những người đảm trách vai trò điều hành các dây chuyền tự động hiện đại nhằm tăng cao hiệu quả sản xuất, hiện đại hóa quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng thành phẩm. Thông thường, sinh viên ngành này thường được “ngắm nghía” cho những vị trí như Kỹ sư thiết kế, vận hành và bảo trì dây chuyền sản xuất tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc quản lý kỹ thuật tại các nhà máy, tập đoàn, công ty,…

Sinh viên ngành Tự động hóa và hành trình “thích nghi” với kỷ nguyên số hóa

Trong lĩnh vực “làm bạn” với máy móc, với các hệ thống dây chuyền và thiết bị tự vận hành, yêu cầu số 1 đối với một kỹ sư Điều khiển và Tự động hóa trong một nhà máy là phải am hiểu về thiết bị, máy móc sản xuất và đây chuyền sản xuất tại nhà máy đó. Đây cũng là yêu cầu đầu tiên của các doanh nghiệp, tập đoàn khi tuyển dụng nhân lực ngành Điều khiển và Tự động hóa – kể cả với kỹ sư vừa tốt nghiệp. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, một số trường Đại học đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tế, đặc biệt thông qua phương pháp đào tạo chú trọng thực hành cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, hợp với xu hướng sản xuất của thời đại.

Hệ thống thực hành hiện đại dành riêng cho sinh viên ngành kỹ thuật tại HUTECH

Chẳng hạn, tại trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), sinh viên ngành Tự động hóa nói riêng và nhóm ngành Kỹ thuật nói chung được đầu tư hệ thống thực hành Tự động hóa cực chuẩn ngay tại “trái tim công nghệ TP.HCM” – Khu Công nghệ cao Quận 9. Với loạt thiết bị được tài trợ bởi Mistubishi Electric Việt Nam, sinh viên không chỉ trải nghiệm các thao tác, phương thức vận hành của các hệ thống tự động hóa mà còn có dịp phát triển năng lực chuyên môn thông qua làm việc trực tiếp với các công nghệ đang được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất hàng đầu hiện nay.

Bên cạnh đó, những hội thảo học thuật, giao lưu và định hướng nghề nghiệp cũng như trải nghiệm thực tế cùng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như General Electric Việt Nam, Bosch, Samsung Vina,… tại HUTECH cũng góp phần trang bị “hành trang chuẩn” để sinh viên Điều khiển và Tự động hóa tự tin “thích nghi” ngay từ giảng đường đại học.

Thông tin xét tuyển ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa ở một số trường Đại học:

Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C01 (Toán, Văn, Lý), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT quốc gia; hoặc xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; hoặc xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM; hoặc xét điểm kỳ thi riêng của HUTECH.

Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM.

T.D.V

Bình luận (0)