Hội nhậpThế giới 24h

Kỹ thuật tra tấn của CIA: 9 chiêu tra tấn hợp thức hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Hợp thức hóa các kiểu tra tấn dã man những kẻ tình nghi là khủng bố Al-Qaeda của CIA bằng văn bản, các luật gia của Bộ Tư pháp Mỹ thời ông Bush đã bảo đảm rằng nhân viên CIA chuyên hỏi cung sẽ không bị truy tố bởi chỉ làm theo chỉ đạo của chính quyền

> Công bố các kỹ thuật tra tấn của CIA

Tên tuổi tác giả của 4 bản ghi nhớ được coi là tài liệu mật dưới thời chính quyền ông Bush và được công khai hôm thứ năm tuần rồi dưới thời ông Obama đã được tiết lộ.

Abu Zubaydah, nạn nhân bị trấn nước đầu tiên của CIA

Bốn văn bản, ba tác giả
Nhật báo The New York Times cho biết người ký bản ghi nhớ đầu tiên vào tháng 8-2002 là Jay S. Bybee, trợ lý của bộ trưởng tư pháp phụ trách văn phòng cố vấn về pháp lý (OLC) của Bộ Tư pháp. Lúc đó CIA bắt được Abu Zubaydah, tình nghi là một “con cá lớn” của Al-Qaeda. CIA gặp nhiều khó khăn khi lấy khẩu cung mặc dù đã xài đủ thứ chiêu dữ dằn bất hợp pháp. Sợ bị kết tội là tra tấn tù nhân, CIA nêu ra các biện pháp “hỏi cung cải tiến” này với bộ tư pháp và hỏi như thế là có hợp pháp hay không.
Một trong các biện pháp đó là nhốt Abu vào một cái phòng nhỏ, sau đó thả vào một con côn trùng  (không nói là con gì) rồi “hù” Abu nếu bị con đó cắn sẽ chết. CIA làm chuyện này vì phát hiện Abu rất sợ côn trùng. CIA hỏi làm như thế có hợp pháp không, Bybee khẳng định là hợp pháp…
Ba bản ghi nhớ sau (tháng 5-2005) do Steven Bradbury soạn và ký. Nội dung các văn bản này chứng thực những lập luận trong bản ghi nhớ thứ nhất của Bybee. Luật Mỹ định nghĩa tra tấn là một hành động “nhằm gây thương tổn cho cơ thể hoặc đau đớn về tinh thần”. Dựa vào định nghĩa này, Bybee và Bradbury đã dùng những thuật ngữ pháp lý lắt léo để chứng minh rằng những kỹ thuật hỏi cung mà họ nêu ra – đã được nhân viên CIA dùng thoải mái – không phải là “tra tấn”.
Ví dụ, theo Bybee, đòn trấn nước quả là đáng sợ vì nghi phạm bị ngợp nước nhưng nó chỉ diễn ra rất ngắn không đầy 40 giây cho nên không thể gọi là tra tấn bởi “đau đớn”, hiểu theo nghĩa rộng, chỉ diễn ra sau khi bị trấn nước lâu hơn. Vẫn theo lập luận của các vị luật gia này, bị trấn nước là một phần trong chương trình huấn luyện binh sĩ của các nước không để lại thương tổn về thể xác hay nguy hiểm về tinh thần cho nên cũng không thể gọi là tra tấn. Họ lờ đi một thực tế: khi tập luyện, binh sĩ không sợ chứ khi bị bắt mà bị trấn nước họ rất sợ.
Ngoài hai luật gia Bybee và Bradbury, còn có giáo sư (GS) John Yoo là tác giả chính của bản ghi nhớ đầu tiên. Khi soạn tài liệu này, GS Yoo đang công tác ở Bộ Tư pháp. Năm 2004, ông mới rời khỏi bộ này. Hiện nay, ông Yoo đang dạy ở Trường Đại học California, đồng thời là GS thỉnh giảng trường luật thuộc Đại học Chapman ở quận Cam. Theo tờ San Francisco Chronicle, sau khi bản ghi nhớ của ông được công bố hôm thứ năm tuần rồi, hiện đang có dư luận đòi sa thải và truy tố ông.
Vẫn theo tờ báo trên, ông Yoo viết bản ghi nhớ theo yêu cầu của CIA nhằm hợp thức hóa các đòn tra tấn trái phép đối với nghi phạm Abu Zubaydah. Theo ông Yoo, chỉ có thể gán tội tra tấn khi nào gây ra một sự đau đớn tương đương với “làm cho nội tạng bị tổn thương, thậm chí dẫn đến tử vong”.
Những bản ghi nhớ kể trên đã được gửi tới John A. Rizzo, lúc đó là quyền trưởng ban cố vấn pháp lý của CIA.


Tranh minh họa một số biện pháp tra tấn mà Bộ Tư pháp Mỹ cho là hợp pháp

Hướng dẫn kỹ thuật tra khảo
Bốn bản ghi nhớ của OLC nêu ra rất nhiều chiêu tra tấn nghi phạm mà Bộ Tư pháp Mỹ cho là hợp pháp. Trong số này, có 9 chiêu sau đây được nhân viên CIA sử dụng thường xuyên:
1. Xô vào tường: Nghi phạm bị điều tra viên kéo mạnh về phía trước rồi xô ngược vào tường. Để không gây thương tích ở đầu và cổ, nghi phạm bị trùm đầu bằng bao bố hoặc khăn lông.
2. Xối nước: Nghi phạm bị xối nước lạnh bằng vòi hay từ một thùng phuy. Thời gian xối nước tùy theo nhiệt độ của nước. Ví dụ với nước lạnh 41 độ Fahrenheit  (khoảng 7 độ C) thì không quá 20 phút, sao cho nghi phạm không bị lạnh quá có thể chết.
3. Tát mặt:
Biện pháp này nhằm mục đích làm cho nghi phạm bị bất ngờ, bị sốc và cảm thấy tủi nhục.
4. Nhốt trong lồng tối: Lồng nhốt thường tối tăm, lớn thì chỉ có thể đứng thẳng người, còn nhỏ thì chỉ có thể ngồi chồm hổm. Thời gian nhốt: lồng lớn tối đa 8 giờ, lồng nhỏ không quá 2 giờ.
5. Tư thế stress: Điều tra viên có thể bắt nghi phạm đứng hoặc ngồi  trong những tư thế rất khó chịu, làm mệt mỏi cơ bắp. Ví dụ bắt đứng hai tay chống tường, hai chân đứng bằng đầu ngón chân hoặc ngồi bệt, hai chân duỗi thẳng, còn hai tay phải giơ cao lên trời.
6. Lột truồng: Kỹ thuật này đánh vào tâm lý của nghi phạm.
7. Làm mất ngủ: Bắt nghi phạm cởi truồng, mặc tã giấy, đứng suốt, tay bị còng treo lên trần nhà. Giờ ăn, nghi phạm được nhân viên CIA cho ăn bằng tay. Thời gian tối đa cho phép: 180 giờ.
8. Dùng côn trùng: Nhốt nghi phạm trong lồng rồi bỏ côn trùng lạ vào cho nghi phạm khiếp sợ.
9. Trấn nước: Nghi phạm nằm trên ván chổng ngược, chân cao hơn đầu. Dùng khăn lông bịt miệng và mũi rồi đổ nước cho ngợp. Biện pháp này gây tăng carbon dioxide trong máu của nghi phạm làm cho khó thở giống như bị dìm trong nước. Khi dùng biện pháp này, có chuyên gia y tế giám sát để khỏi gây tử vong ngoài ý muốn. 

Kỳ tới: Những người trong cuộc nói gì?

Văn Anh (NLD)

Bình luận (0)