Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Kỳ tích “chiến thắng chính mình”

Tạp Chí Giáo Dục

Trương Văn Trị. Ảnh: Phạm Thịnh
Năm 2010 kết thúc được đánh dấu bằng sự kiện Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII diễn ra thành công tốt đẹp. Tại đại hội lần này, nhiều gương mặt trẻ đã được vinh danh. Họ đã có những cống hiến to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.
Làm giàu không cần bằng ĐH
Đó chính là hình ảnh chàng trai quê lúa Thái Bình Trương Văn Trị. Anh chính là người đã nuôi thành công cá nước mặn trong hồ nước ngọt. Câu chuyện thuần hóa con cá vược của anh nhiều khi tưởng chừng rất khó tin trong thực tế. Sinh ra trong một gia đình có 4 anh em tại xã Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình, không có điều kiện đi học, anh chỉ dám đăng ký thi vào Khoa Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản Trường Trung cấp Nuôi trồng thủy sản Bắc Ninh. Tuy chỉ học trung cấp nhưng anh luôn phấn đấu học hết mình. Anh cũng là sinh viên duy nhất của trường ở tuổi 20 được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau một quá trình “bôn ba” làm việc ở nhiều nơi, Trị quyết định trở về quê lập nghiệp. Lúc này, bỗng hình ảnh con cá vược không thể sống sót tại ao nhà sau mỗi lần cha và anh đi biển mang về thả xuống bỗng hiện lên rõ nét trong anh. Anh mạnh dạn thuê gần 1ha đất của xã để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản với số tiền 4 triệu đồng/năm. Cha mẹ anh phản đối kịch liệt vì cảm thấy “thằng con trai quá liều”, dám một mình một trại giữa cánh đồng mênh mông. Sau nhiều lần thuyết phục bố mẹ và nhận được sự đồng ý, Trị quyết định mua 10.000 con cá vược giống của Thái Lan. Mẻ cá đầu tiên này anh thu được 3 triệu đồng, lỗ 17 triệu đồng. Trị lại tiếp tục nhập 10.000 cá giống về nuôi. Lần này khá hơn, tỷ lệ cá vược sống lên được 40%. Sau một tháng Trị bán 3.000 con cá giống, để lại 1.000 con nuôi cá thịt và kết quả thu về không lỗ cũng chẳng lãi… Cuối năm 2006, Trị thuần hóa cá vược sống được trong môi trường nước ngọt. Kết quả tăng lên, tỷ lệ con sống tới trên 80%. Tháng 3-2007, Trị tiếp tục nhập 20.000 con cá vược, Trị thuần hóa thành công cá vược sang môi trường nước ngọt không phần ngàn độ mặn, tỷ lệ sống tới gần 90%. Từ những lần thất bại, đến giờ, con cá vược của Trị đã có mặt tại 20 tỉnh thành trong cả nước, thu về cho anh mỗi năm từ 5-7 tỷ đồng. Trong năm 2010, Trị mở rộng quy mô sản xuất. Diện tích cũ đã thay bằng 5ha trang trại được xây mới với đầu tư lên tới 10 tỷ đồng. Niềm mong mỏi lớn nhất của anh hiện nay đó là đưa được con cá vược nước ngọt vượt biển ra nước ngoài tiêu thụ. 30 tuổi, mỗi năm Trị kiếm hàng chục tỷ đồng nhờ hăng say làm việc, cố gắng học hỏi, tin vào điều có thể.
Người 3 lần dự Đại hội Thi đua yêu nước
Phan Thành Thương. Ảnh: Nghiêm Huê
ĐH Thi đua yêu nước lần thứ VIII là đại hội thứ ba Phan Thành Thương (28 tuổi) tham dự với cương vị là đại biểu của tỉnh Tây Ninh. Gia đình có 4 chị gái, một anh trai, tất cả đều bình thường. Nhưng Thương là con út sinh ra lại không được may mắn như các anh chị. Bị di chứng chất độc da cam từ người cha, Thương sinh ra với hai cánh tay ngắn chỉ bằng 1/3 người bình thường và chỉ có một ngón. Với thân hình khác người nên hồi còn nhỏ đi học, Thương bị bạn trêu chọc rất nhiều. Thương chỉ cho tôi những vết sẹo trên đầu bị ngã do bạn bè trêu chọc. Sau ba năm buồn nản vì thi rớt tốt nghiệp THCS do ghi chép quá chậm, Thương rời gia đình với quyết tâm “học thành thạo tin học mới trở về”. 16 tháng cố gắng vượt qua những trở ngại làm quen với bàn phím, cố gắng điều khiển chuột bằng chân và phải học nhờ trên máy tính của bạn. Kết quả là ngoài chứng chỉ tin học ứng dụng trình độ A của Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm miễn phí TP cấp, anh còn nhận luôn bằng kỹ thuật viên tin học Diploma và Photoshop của Trung tâm Điện tử máy tính Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Kiến thức xem như đã ổn, nhưng giấc mơ trở thành thầy giáo tin học lại gặp trở ngại về mặt bằng và vốn mua máy vi tính. Anh đem trình tất cả chứng chỉ, bằng cấp, nguyện vọng và cuối cùng được Chủ tịch UBND xã Phước Vinh đồng ý cho sửa lại phòng khách của Trung tâm Học tập cộng đồng xã để làm phòng dạy vi tính. Lớp học của anh cũng đặc biệt như chính con người anh. Lớp có tới 50-60% là người nghèo. Chính vì vậy, đối tượng này, anh dạy miễn phí dù cuộc sống của anh cũng đang gặp khó khăn. Một lần nữa, số phận lại không buông anh. Đứa con trai mới sinh “giống hệt anh”. Nhưng rồi bằng ý chí và nghị lực, anh cũng kịp trấn an mình và nuôi con đến nay đã được gần 4 tuổi. Anh cố gắng truyền cho con những kinh nghiệm mà mình đã trải qua để con anh lớn lên cũng mang trong mình ý chí, niềm tin và nghị lực giống như anh. Anh luôn sống bằng niềm tin vào chính mình, vào câu nói của Hồ Chủ tịch “tàn nhưng không phế”.
Gia tài của cô gái 19 tuổi

Vũ Minh Châu. Ảnh: Bích Ngọc

2 huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế, giải thưởng Hoa trạng nguyên 2010, Gương mặt trẻ thủ đô 2009… là những giải thưởng mà Vũ Minh Châu, nguyên học sinh chuyên hóa, khối chuyên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiện Châu đang du học tại ĐH MIT của Mỹ. Năm 2008, 2009 là năm rực rỡ của Châu khi cô giành liên tiếp 2 huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế. Để có được hai tấm HCV này, Châu đã phải mất rất nhiều công sức để khổ luyện. Sau khi giành giải thưởng và đỗ vào Khoa Hóa của ĐH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Châu dành nhiều thời gian ôn tiếng Anh.
Châu kể: “Có lần Châu được tham dự vào một buổi lễ tuyên dương. Chương trình diễn ra ở một sân khấu ngoài trời rất hoành tráng nhưng lồng lộng gió rét vào tháng 12. Những cô bé chừng 3-4 tuổi mặc áo hai dây đứng co ro trong rét sau bài biểu diễn dài. Mấy cô bé đã sụt sùi vì nước mũi chảy. Mình được tuyên dương mà cảm thấy cầm lòng không đặng. Lẽ nào chỉ vì sự ồn ào của một chương trình mà những cô bé này sẽ phải chịu rét sao”. Ngay từ hồi học cấp 1, thầy giáo đã tới tận nhà nói chuyện với bố mẹ Châu về định hướng tương lai cho giới trẻ. Môn hóa học đã thu hút Châu từ nhỏ bởi những phương trình hóa học lý thú. Khả năng học hóa của Châu cũng được bộc lộ từ nhỏ. Châu giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn hóa TP.Hà Nội năm 2006. Châu chia sẻ: “Hôm nhận giải HCV Olympic hóa học quốc tế, mình bất ngờ vì có rất nhiều bạn từ nhiều quốc gia trên thế giới rất giỏi. Mình không nghĩ sẽ giành giải mà còn là HCV nữa chứ. Lúc nhận HCV, người ta đọc tên Việt Nam mình thấy tự hào vô cùng”. 12 năm liền là học sinh giỏi, cô gái 9X Vũ Minh Châu quan niệm phải luôn phấn đấu để chủ động trong cuộc sống. Bảng thành tích của Châu không chỉ dừng lại ở 2 HCV hóa học quốc tế mà năm 2009, Châu thi TOEFL đạt 104/120 điểm. Đạt tuyệt đối điểm SAT1 (bài thi kiểm tra khả năng của học sinh trung học được sử dụng phổ biến để kiểm tra đầu vào của các trường ĐH, CĐ trên thế giới. Được viết tắt từ cụm từ Scholatstic Aptitude Test) với 2.060. Đạt tuyệt đối điểm SAT2 với 2.400 điểm. Năm 2009, Châu còn là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam.
Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)