Sáng 4-11, hội thảo “Công tác sinh viên (SV) ở kí túc xá” đã được tổ chức tại ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM, đại diện 23 KTX các trường ĐH trong cả nước đã đưa ra những nhận định, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý ngôi nhà chung cho sinh viên.
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng cán bộ quản lý KTX cũng là một người “thầy” bởi tuy không trực tiếp đứng trên bục giảng dạy SV nhưng họ là những người tổ chức hậu trường từ việc ở, ăn, tạo các dịch vụ sinh hoạt cho các bạn bên ngoài giảng đường.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cán bộ làm công tác tại KTX hầu như không được đào tạo các nghiệp vụ giao tiếp với SV- trí thức tương lai. Ông Phan Minh Thắng, giám đốc KTX ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, thẳng thắn thừa nhận hiện tại cán bộ tại các KTX hiện nay còn nhiều người “tay ngang”, người có “tì vết” được đưa về KTX.
"Thậm chí, tôi biết có nơi còn đưa về KTX những người sắp đến tuổi về hưu. Điều này cho thấy hiện nay cán bộ tại các KTX vẫn chưa được coi trọng”, ông Thắng cho biết thêm.
KTX phải được quản lý bởi những người có nghiệp vụ. Trong ảnh: KTX Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: Minh Đức |
Đồng tình quan điểm trên, ông Trần Thanh An, giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, một KTX có qui mô 8.000 SV, cho biết KTX này đang xây dựng văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên KTX, đặc biệt là nhân viên bảo vệ. Ông nói: “Giao tiếp với các bạn SV đòi hỏi phải có những con người văn minh, lịch sự thì mới có thể xây dựng một KTX lịch sự, văn minh. Bởi lẽ KTX không phải là nơi ở tạm mà là một ngôi nhà chung, nơi góp phần xây dựng nhân cách của những người chủ đất nước tương lai sau này”.
Ông An còn cho rằng việc quản lý KTX giống như một “bàn tay sắt bọc nhung” nghĩa là “phải mềm mỏng nhưng cũng thật cứng rắn để uốn nắn, nâng cao ý thức cộng đồng cho SV. Đây không chỉ là nơi ở mà còn là nơi học tập, tư duy, sáng tạo của SV và hình thành nhân cách của SV sau này ra xã hội”.
Sinh hoạt văn hóa, thể thao cũng là yếu tố quan trọng rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn. Trong ảnh: SV ĐHQG TP.HCM chơi bóng chuyền – Ảnh: Mai Vinh |
Một trong những điểm sáng được các nhà quản lý KTX nhìn nhận là hiện nay KTX đã chuyển từ “chăn dắt” sang “phục vụ”. “Chúng tôi xem sinh viên là một khách hàng thực sự và tạo ra những dịch vụ để cung cấp các nhu cầu cho các em. Trước đây, thời tôi đi học “ông” KTX bảo ngồi đâu thì phải ngồi đấy nhưng nay tình hình đã khác. Phải xem SV là một khách hàng thì mới phục vụ, tạo nhiều điều kiện tốt cho các em được…”, đại diện KTX ĐH Công Nghiệp Hà Nội nói.
Cũng đi từ quan điểm “phục vụ” ấy, ông Phan Đình Mãi, giám đốc KTX ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã làm các đại biểu thốt lên họ được “mở tầm mắt” khi chứng kiến cách quản lý của KTX này. Hiện tại, KTX ĐH Bách khoa là một trong những KTX đi đầu về việc đăng kí phòng ở qua mạng, từ khâu vào cửa phải có mã vạch, quản lý sinh viên ra vào theo mã vạch đến sinh viên thanh toán tiền KTX qua ngân hàng…
Trên trang web của KTX này có số liệu sinh viên, theo dõi sinh viên kể các việc khám bệnh, uống thuốc tại phòng y tế… Đặc biệt tại KTX này, sinh viên có thể lựa chọn phòng ở theo những bạn cùng sở thích như xem phim, đọc sách, các câu lạc bộ… sẽ đánh dấu vào một mục riêng và sắp xếp vào cùng phòng với những người cùng sở thích.
Trong khi đó, một quan điểm khác được ông Dương Văn Bá, phó vụ trưởng vụ công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT đưa ra là hiện nay tại các KTX có các tỉnh đầu tư xây dựng cần “tránh cục bộ giữa các địa phương và BQL KTX”. Theo ông, nên thống nhất giữa các tỉnh và KTX là việc xây dựng KTX là do tỉnh đầu tư nhưng việc bố trí ở phòng nào, nhà nào là do ban quản lý KTX sắp xếp. Bên cạnh đó, các dãy nhà tại các KTX của các địa phương cần xây dựng giống nhau để tiện việc sắp xếp…
KTX chỉ đáp ứng được chỗ ở cho 20% SV
Số liệu tổng hợp của Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra tại hội nghị cho thấy tính đến tháng 10-2009, cả nước có 376 trường ĐH-CĐ với 1,2 triệu học sinh, sinh viên nhưng số lượng KTX của các trường chỉ đáp ứng được khoảng 20% chỗ ở cho sinh viên. Trong đó, rất nhiều trường không có KTX cho sinh viên. Một số trường có KTX nhưng do điều kiện hẹp nên chỉ giải quyết một phần chỗ ở chứ chưa có những dịch vụ kèm theo.
|
HÀ BÌNH (TTO)
Bình luận (0)