Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ký túc xá thiếu chỗ, SV phải “ở ghép”

Tạp Chí Giáo Dục

Dù KTX đã kín chỗ, SV ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn tiếp tục xin được vào “ở ghép” (ảnh chụp ngày 23-9). Ảnh: M.T

Dù đã “đầy” chỗ, nhiều ký túc xá (KTX) vẫn nhận SV “ghép” thêm vào các phòng. Không ít SV nhờ được “vớt” đã có được một chốn đi về, kết thúc những ngày đỏ mắt kiếm không ra chỗ trọ…
Phòng vượt số người quy định
Ngày 24-9, tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, SV và phụ huynh vẫn tấp nập làm đơn xin gia nhập vào KTX. Phần đông SV xin vào đợt này hệ CĐ, nhập học sau khi trúng tuyển NV2. Phụ huynh em T.N. đến từ tỉnh Phú Yên cho biết, gia đình nhận được giấy báo nhập học của SV này ngày 21-9, quá thời điểm nhập học đến 5 ngày. Sự chậm trễ này có thể do quá trình vận chuyển của bưu điện. Vào Sài Gòn gấp gáp, hai cha con không kiếm được chỗ trọ nên đăng ký xin “ở ghép” tại KTX. Một phụ huynh khác đến từ tỉnh Vĩnh Long cũng giải bày, kiếm được phòng trọ bên ngoài đã khó, chủ nhà lại yêu cầu SV phải đóng tiền trọn năm, mỗi tháng 1,2 triệu đồng/phòng. Không đủ khả năng “chi” ngay một khoản tiền lớn như vậy và chưa kiếm được người trọ chung nên chị và con gái lại vác hành lý xin “ở ghép” tại KTX. Nhiều phụ huynh khác cũng cảm thấy yên tâm hơn khi cho con vào ở KTX để được đảm bảo an toàn và gần trường học.
KTX Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cũng chung tình trạng trên, dù đã “cháy” chỗ, Ban quản lý KTX vẫn giải quyết thêm cho một số SV vào ở. Mỗi phòng tối đa 12 SV giờ “gánh” thêm 1-2 SV nữa. Các SV thứ 13-14 này vẫn đóng cùng mức phí như những SV khác là 100 ngàn đồng/tháng. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, các SV “ở ghép” cũng đóng lệ phí 1,5 triệu đồng/năm như các SV nội trú bình thường. Tất cả SV “ở ghép” đều phải làm cam kết.
Giải pháp tạm vì SV
Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM, ông Đỗ Mỹ Hà (Trưởng ban Quản lý KTX Trường ĐH Công nghiệp) cho biết, KTX trường hằng năm giải quyết chỗ ở cho đến 5.000 SV nhưng nhu cầu bao giờ cũng vượt. Tùy diện tích, mỗi phòng dao động từ 16 đến 24 SV. Hiện KTX đã đầy chỗ nhưng vẫn nhận thêm SV “ghép” vào các phòng. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết chỗ ở cho những SV đến trễ, lại đang lạ nước lạ cái không tìm được phòng trọ. Vào KTX một thời gian, khi tìm được chỗ trọ ưng ý, SV có thể chuyển ra khỏi KTX và được hoàn trả lại khoản tiền đã đóng (có trừ lệ phí khoản thời gian SV đã nội trú). Cũng theo ông Hà, tại trường hằng năm luôn có tình trạng SV vào ở KTX không bao lâu lại chuyển đi vì đổi nguyện vọng, học tập tại một trường, ngành khác. Đến thời điểm này, lượng SV “trả chỗ” khoảng 100 em. Những chỗ này sẽ dành giải quyết dần dần cho những SV diện “ở ghép”. Phải đến cuối tháng 10, số lượng SV trong KTX mới ổn định, chấm dứt tình trạng SV “ra vào”. Những SV có nguyện vọng “ở ghép” lâu dài vẫn được tạo điều kiện nhưng phải được sự đồng ý của tất cả thành viên phòng mà SV đó đang ở.
Cô Nguyễn Trương Phụng Minh (Trưởng ban Quản lý KTX Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) khẳng định, 6 năm qua trường đều giải quyết tăng lượng SV tại một số phòng trong KTX. Trường có 2 cơ sở KTX đặt tại quận 9 và quận 5, thực tế, chỉ cơ sở 1 mới đáp ứng đủ nhu cầu nội trú của SV vì nơi đây chỉ dành cho SV năm nhất. Cơ sở 2 tại quận 5 hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu (khoảng 400 chỗ). Năm nay, giá nhà trọ khu vực quanh trường tăng cao nên nhu cầu nội trú của SV càng nhiều. Tuy nhiên, trường thường chỉ giải quyết cho những SV có hoàn cảnh thực sự khó khăn được “ở ghép”. Cô Phụng Minh thống kê, SV của trường phần đông đến từ các tỉnh, nhiều em hoàn cảnh khó khăn, có tháng không đủ tiền trả tiền phòng trọ đến “cầu cứu” trường được vào KTX. Thời gian này có đến 4 trường hợp SV mới chuyển từ cơ sở quận 9 lên chưa tìm được phòng trọ, trường vẫn giải quyết cho ở tạm tại KTX. Có nhiều trường hợp SV không thuộc diện được nội trú KTX nhưng hoàn cảnh khó khăn thực sự, Ban quản lý KTX vẫn cố gắng giải quyết cho “ở ghép”. Cô Phụng Minh nhận định, dĩ nhiên là sẽ có một số bất tiện vì phòng chỉ có 1 nhà vệ sinh, 1 nhà tắm, 2 quạt trần… 12 SV sinh hoạt đã khó, giờ thêm 1-2 người nữa lại càng khó hơn. Tuy nhiên, việc nội trú tạm thời hoặc lâu dài của những SV này đều phải được sự nhất trí của cả phòng.
Dù sao “ở ghép” cũng chỉ là giải pháp tạm thời và SV phải bất đắc dĩ mới chọn khi mà vấn đề nhà trọ, tiền trọ… vẫn là một nỗi lo lớn đối với họ, nhất là với bộ phận SV nghèo…
MÊ TÂM

Bình luận (0)