50 năm (12-1972/ 12-2022) đã trôi qua rồi nhưng với tư cách một cô giáo quản lý học sinh trong những ngày mưa bom bão đạn khủng khiếp mà hào hùng năm ấy, tôi vẫn không thể nào quên được.
Tác giả sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1967 trên đường đi nhận công tác
Hồi ấy tôi dạy ở Trường cấp 3 Hoàng Văn Thụ. Từ ngã 4 Chợ Mơ đi xuôi về Đuôi Cá khoảng 2km sẽ gặp chùa Sét. Từ chùa Sét rẽ vào khoảng 500m là trường và khu tập thể giáo viên.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, các trường nội thành đều được đi sơ tán, trường Hoàng Văn Thụ phục vụ con em ngoại thành nên mặc dù ở gần ga Giáp Bát, một trọng điểm đánh phá thường xuyên của địch nhưng giáo viên vẫn phải bám trụ giảng dạy. Từ tháng 4-1972 đến tháng 12-1972, địch thường xuyên đánh vào thủ đô, Ban Giám hiệu quyết định dựng một số lớp giữa cánh đồng, chọn những nơi có cây cối rậm rạp. Xung quanh lớp học được đắp đất dày, cao, dưới chân các em ngồi có hệ thống giao thông hào để khi có báo động các em sẽ theo hệ thống giao thông hào ấy chạy ra các hầm cá nhân. Cô giáo chủ nhiệm lúc nào cũng đeo trên người sơ đồ các hầm trú ẩn của các em để khi hầm nào bị lấp là lập tức cùng với đội xung kích của lớp có mặt, đào bới để kéo các em lên.
Ác liệt nhất là giai đoạn 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” (18-12-1972 đến 31-12-1972). 7 giờ 30 đêm 18-12 có còi báo động và từ đó đến 6 giờ sáng lưng không hề dính giường. Sáng 19-12, tôi quyết định đào một hầm trong nhà vì không thể nào chạy ra ngoài kịp. Đêm 19 lại suốt một đêm không ngủ. Đêm 20 mọi người trong khu tập thể giáo viên quyết định trải chiếu dưới hầm lớn giữa 2 dãy nhà tranh để ngủ dưới hầm luôn. Chỉ trẻ con mới chợp mắt được đôi chút chứ còn người lớn chỉ chập chờn vì tiếng bom và tiếng súng nổ xé trời, làm sao ngủ được. Trưa 21-12, địch đánh vào chùa Sét, ga Giáp Bát, nhà máy điện Yên Phụ, ga Hàng Cỏ, sân bay Bạch Mai. Tôi và con mới 2 tuổi ngồi dưới hầm đất đổ rào rào, mọi đồ đạc, sách vở để trên giá đều rơi xuống đất. Máy bay rít rùng rợn, bom nổ to kinh hoàng. Một tay tôi bế con, một tay cầm xẻng với tư thế hầm bị sập thì tự bới đất để chui lên. Rùng rợn nhất là khi nó chúi xuống cắt bom, lửa cháy, khói bốc khét lẹt. Ngoài đường làng, người chết, người bị thương kêu khóc thảm thiết. Hết 3 đợt bom thì thầy Hành (Hiệu trưởng) hạ lệnh rút khỏi trường. Tôi bế con chạy ngược lên phố. Từ chùa Sét lên Chợ Mơ dây điện đứt, cột điện, cây cối ngã đầy đường, nhà cháy rừng rực. Một số gia đình giáo viên dọn ra đồng dựng lều làm hầm trú tạm.
Trong hoàn cảnh như vậy, những con người Hà Nội vẫn kiên cường, cứng cỏi, bình tĩnh lạ thường, trong đống gạch vụn hoang tàn ấy đang trỗi dậy và lớn lên. Cạnh hố bom một người tự bới đất chui lên nhặt một cánh tay, một vạt áo còn lại của đứa con rồi lặng lẽ ra đi. Ở một đường phố khác, một đội đào bới vừa bới được 10 người, người tỉnh hà hơi thổi ngạt cho người mê. Tỉnh lại vĩnh biệt ngôi nhà thân yêu đã biến thành tro bụi rồi lặng lẽ ra đi. Tại một nơi khác, một chiếc cần cẩu đang cẩu một tảng bê tông lớn. Dưới tảng bê tông kia là một ngôi hầm với biết bao bệnh nhân và y bác sĩ. Họ lần lượt được cứu thoát. Tất cả những con người mang đầy thương tích ấy đêm xuống đứng lên sáng lòa trong ánh lửa căm thù. Họ cầm đủ các cỡ súng bắn trả kẻ thù dữ dội. Ngôi nhà của Ủy ban Khoa học Nhà nước rung lên như đưa võng. Những đêm Hà Nội sáng rực trời, máy bay Mỹ cháy trên bầu trời thủ đô. Có đêm người ta đếm được 40 quả tên lửa cùng bay lên một lúc. Xác B52 rơi trên phố Khâm Thiên, B52 rơi ngay xuống Đuôi Cá, B52 rơi ngay sau chuồng cọp của vườn Bách Thảo… Cái khổ nhất của giáo viên chủ nhiệm thời đó là mỗi lần bộ đội ta bắn rơi máy bay, học sinh từ dưới hầm chui lên vỗ tay reo hò. Cô giáo chủ nhiệm phải gào khản cả cổ, yêu cầu các em xuống hầm. Vậy đó. Tuổi trẻ gan góc quả cảm dường như chúng không biết sợ là gì. Sau một đêm chiến đấu ác liệt, giữa phút tạm yên tĩnh của hai đợt bom vẫn có thể rẽ vào Tràng Tiền ăn một bát phở. Một sự dũng cảm đến kỳ lạ, không hiểu họ nấu vào lúc nào. Ngày 25-12 (Noel), Mỹ tuyên bố ngừng ném bom 1 ngày. Cả Hà Nội bây giờ mới triệt để sơ tán. Mọi người ra khỏi Hà Nội bằng đủ mọi phương tiện: xe đạp, xe bò, xe xích lô, gồng gánh. Tôi đạp xe chở con lên Vĩnh Phú. Ngày 31-12, gửi con lại nơi sơ tán tôi quay trở lại trường.
Ngày về Hà Nội, Hà Nội vắng vẻ. Tôi chạy đến phố Khâm Thiên, đội đào bới vẫn đang làm việc. Y bác sĩ và xe cấp cứu vẫn đứng chờ. Người ta vẫn bơm ôxy và nước đường xuống hầm hy vọng vẫn có người còn sống. Mùi hôi thối của xác chết hòa quyện với mùi khói hương của các gia đình thắp cho thân nhân bên các hố bom, sao mà não nùng quá. Mãi đến ngày 3-1-1973 vẫn còn kéo được những xác người ra khỏi đống đổ nát. Tôi chạy lên Ngọc Hà xem B52 rơi. Trong làng Ngọc Hà người ta đếm được 37 quả bom chưa nổ và nhiều mảnh xác B52 to có cả hai bánh xe rất to vẫn còn dính vào thân máy bay. Làng Ngọc Hà đông như ngày hội, hoa nở rộ và người đi xem B52 như nước chảy. Các nhà báo phương Tây nhảy lên B52 đứng chống nạnh chụp ảnh có vẻ khoái lắm. Mọi người trèo lên xác B52 gỡ cái nọ cái kia.
Sau khi đi xem các nơi, tôi quay về trường rẽ vào 200m thì lạnh cả người. Trước mặt bom cày xới, những hố bom sâu 8m, đường kính 20m và rất nhiều hố bom nhỏ nữa. Làng Giáp Bát, Giáp Lục bị hủy diệt hoàn toàn, khu Tương Mai tan tành hết. May mà bom rơi ra cánh đồng khá nhiều. B52 rải thảm từ chùa Sét lên khu Mai Hương dài 3km. Người không chết mấy vì được báo trước 2 tiếng, chạy được cả. Ngày 5-1 có chủ trương học lại. Ngày 9-1 tình hình lại căng thẳng. Lần này, Ban Giám hiệu quyết định đưa nhà trẻ lên Trung Hà – Ba Vì và cho tất cả các cháu lên đó. Giáo viên vẫn tiếp tục bám lớp. Có những lớp chỉ có 10 học sinh đến học nhưng chúng tôi vẫn giảng dạy bình thường. Cuộc sống tạm bợ như dân du mục, bởi tất cả đồ đạc đều đã đem đi gửi hết. Sự sống và cái chết luôn cận kề vậy mà chúng tôi vẫn sống rất vui, rất lạc quan yêu đời. Nếu có lệnh tổng động viên là sẵn sàng ra trận. Những ngày ấy trường Hoàng Văn Thụ đã tiễn 3 giáo viên lên đường nhập ngũ.
Nhớ lại khi nhận được giấy triệu tập lên Chương Mỹ chấm thi tốt nghiệp, tôi lại phải gửi con để đi chấm thi. Đạp xe đạp từ Hà Nội lên Sơn Tây, dọc đường gặp máy bay bắn suýt chết. Mới nghe báo động thì máy bay đã đến trên đầu chỉ kịp vứt xe nằm bẹp xuống, tiếng đạn nổ đoàng ngay bên cạnh. 10 ngày chấm thi phải chạy máy bay liên tục nhưng vẫn rất vui. Đêm nào cũng tổ chức “ca nhạc không theo yêu cầu”, hết hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi” lại đến “Bài ca người giáo viên nhân dân”, rồi “Người Hà Nội”. Hết hát lại kể chuyện tiếu lâm. Quay về trường lại cùng tập thể giáo viên đi đắp đê, sáng làm từ 4 giờ đến 8 giờ, chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30. Một đoàn văn công quân đội đi biểu diễn suốt dọc đê.
Chiều 30-4 được tin giải phóng Sài Gòn, cả Hà Nội đổ ra đường. Giáo viên trường Hoàng Văn Thụ cũng đạp xe lên tận Hồ Gươm hòa vào dòng người vừa đi vừa reo hò, ca hát mừng ngày chiến thắng. Hòa bình lập lại còn bận hơn cả thời chiến tranh. Trường và Đoàn Thanh niên phải cử đội đi thu dọn hậu quả tàn phá sau chiến tranh, mang quà bánh đi thăm các gia đình có người chết, người bị thương. Làm cổng chào trang hoàng để kỷ niệm ngày hòa bình. Cả Hà Nội treo cờ một tuần.
Niềm hạnh phúc nhất của tôi trong những năm chiến tranh ác liệt là lớp tôi chủ nhiệm có rất nhiều học sinh giỏi. Kết thúc năm học 1971-1972, có đến 5 học sinh được chọn đi học nước ngoài: Lưu Ngọc Băng, Hoàng Văn Đoàn, Nguyễn Văn Khánh, Trương Tiến đi Liên Xô; Bùi Minh Tâm đi Hungari. Bộ Giáo dục gửi giấy về tận trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhận xét. Tôi đã rất xúc động khi hạ bút viết về các em. Bởi các em hoàn toàn xứng đáng. Đó là những học sinh thông minh, học giỏi, giàu ý chí nghị lực, có lẽ sống cao đẹp, vượt qua mưa bom bão đạn quyết tâm rèn luyện học tập để sau này trở về xây dựng đất nước.
NGƯT Diệu Hương
Bình luận (0)