Đây là hai nhân vật nghệ sĩ đầu tiên trong sự nghiệp viết báo mảng văn hóa nghệ thuật của tôi. Thoắt cái, đã 25 năm trôi qua, hai nghệ sĩ ấy vẫn luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật, vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSND. Đặc biệt là mối thâm tình của ba anh em chúng tôi vẫn không hề thay đổi…
NSND Hữu Quốc – Quế Trân và tác giả hội ngộ vào tháng 4-2024
1. Hôm nhận được thiệp của NSND Quế Trân và NSND Hữu Quốc mời tham dự tiệc kỷ niệm 25 năm ngày cả hai đoạt HCV giải Trần Hữu Trang (18-4-1999/ 18-4-2024), tôi thật sự giật mình, đã 25 năm trôi qua rồi ư?
Năm 1999, NS Quế Trân và Hữu Quốc là hai thí sinh duy nhất đoạt được HCV giải Trần Hữu Trang với số điểm cao nhất, thuyết phục cả ban giám khảo chuyên môn lẫn báo chí, đặc biệt là sự công nhận của hàng triệu khán giả trong và ngoài nước… Thời gian này, tôi về Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo (nay là Tạp chí Giáo dục TP.HCM) thực tập. Khi đó, Quế Trân đang học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và Hữu Quốc đang công tác tại Đoàn cải lương xung kích Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Vì cả hai đều đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn xuất sắc, được Thành đoàn TP.HCM tặng danh hiệu “Tài năng trẻ” rất phù hợp với nội dung của báo nên tôi đã đề xuất với Ban Biên tập là sẽ phỏng vấn hai gương mặt nghệ sĩ này và được chấp thuận!
Bài đăng trên Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo này có tuổi đời 25 năm, phỏng vấn đôi nghệ sĩ Quế Trân – Hữu Quốc sau một tháng đoạt HCV giải Trần Hữu Trang năm 1999. 25 năm qua, Quế Trân – Hữu Quốc đã miệt mài cống hiến hết sức mình cho nghệ thuật. Họ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu NSND. Xứng đáng với tên tuổi của một thế hệ trẻ tiếp nối bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương!
NS Hữu Quốc – Quế Trân đoạt HCV giải Trần Hữu Trang năm 1999
2.NSND Hữu Quốc được khán giả biết đến với nhiều vai diễn, nhưng đặc biệt nhất vẫn là những vai “kép lão”.
Không chỉ là một nghệ sĩ nổi tiếng, anh còn là ông chủ của một quán ăn. Nhìn anh loay hoay chuẩn bị những món đồ ăn cho khách mà tôi cứ bị cuốn theo, bởi vì tôi không nghĩ một người nghệ sĩ nổi tiếng như anh mà lại có thể là một đầu bếp thật “cừ” đến như vậy. Nơi đây giới văn nghệ sĩ thường đến thưởng thức rất đông, vì họ yêu mến anh, một người anh lớn trong nghề nhưng lại rất mộc mạc dễ gần và đáng yêu.
NSND Hữu Quốc chia sẻ: “Năm 16 tuổi là năm tôi được cố NSND Phùng Há phân vai lão đầu tiên, vai Tư Đồ trong vở diễn Phụng Nghi Đình. Nhưng đó chỉ là một trích đoạn trong kỳ thi học kỳ 5. Khi ra trường, năm tôi 18 tuổi thì cô đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã phân cho tôi hai vai lão. Vai Trung Tín Hầu (lão độc) trong vở Khúc hát đoạn tình của soạn giả Ngọc Linh và vai ông Đồ (Lão mùi) trong vở Giông tố, tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng. Và con đường để vào vai lão là do cố NSND Phùng Há đã vạch ra cho tôi và nó cứ như một định mệnh để cuộc đời nghệ thuật của tôi cứ mãi chuyên trị vai lão cho đến tận bây giờ…”.
Bài phỏng vấn NS Hữu Quốc – Quế Trân đăng trên Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo năm 1999
NSND Quế Trân thì cho biết: “Những người làm nghệ thuật truyền thống như chúng tôi luôn đề cao yếu tố tôn sư trọng đạo. Gia đình, gia tộc là nền tảng vững chãi và quý giá cho mỗi chúng tôi. Tôi lúc nào cũng hướng về gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ và ba tôi – NSND Thanh Tòng một cách tin tưởng, đầy tự hào. Mà không chỉ giới hạn trong gia tộc, với tất cả các nghệ sĩ đang tâm huyết với nghệ thuật cải lương, tôi luôn đặt niềm tin, luôn thật lòng mong cho mỗi người sẽ có nhiều sản phẩm, nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ khán giả, để môn nghệ thuật này được bảo tồn và lan tỏa trong thời đại mới. Nhiều người nói cải lương không còn như thời hoàng kim vì thiếu đi kịch bản mới mang tính thời đại. Tôi thấy điều đó cũng không sai. Nhưng trong quá trình tiếp xúc với khán giả, tôi nhận ra vẫn có những người thích các vở diễn kinh điển, càng quen thuộc càng dễ chạm đến người xem. Bên cạnh đó đúng là có một lượng khán giả thích những cái mới. Cái gì càng sáng tạo, mới lạ thì càng thu hút họ. Nhờ vậy mà có những gánh hát, đoàn hát đi theo nhiều xu hướng khác nhau để phục vụ nhu cầu của người xem. Điều này giúp cho cải lương vừa giữ được tính truyền thống đặc trưng của nghệ thuật cổ truyền vừa tiệm cận được với nhịp sống của thời đại…”.
3.Với NSND Quế Trân, ngoài sự hâm mộ về tài năng tôi còn cực kỳ trân trọng tấm lòng hiếu thảo của Quế Trân dành cho ba Thanh Tòng và mẹ Ngọc Nhung… Tôi ít gặp Quế Trân từ ngày NSND Thanh Tòng mất nhưng hễ có dịp gặp lại là anh em chúng tôi lại tíu tít nhắc lại những kỷ niệm xưa… Ngày tôi kéo Quế Trân ra ngoài quán nước mía trước Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại phỏng vấn… Ngày chú Thanh Tòng nhắn tôi qua nhà cùng ăn bữa cơm gia đình… Biết bao nhiêu bài báo tôi viết về Quế Trân ra đời tràn ngập tình yêu thương và đầy sự ngưỡng mộ!
NSND Hữu Quốc thì tôi gặp thường xuyên hơn, nhất là từ lúc anh về cộng tác thường trực tại Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cùng với Bình Tinh. Những cuộc vui của anh luôn có tôi tham gia… Chưa khi nào anh đề nghị tôi viết bài về anh, chỉ là do tôi tự âm thầm quan sát, thấy thích, thấy thương, thấy phục… và những bài viết ra đời… Anh đọc, anh cười nói đúng một câu: “Chỉ có thể là em mới hiểu anh rõ như vậy!”.
Danh hiệu NSND với Hữu Quốc – Quế Trân là một niềm tự hào nhưng cũng là một trọng trách rất lớn trên vai của hai nghệ sĩ. Nhưng tôi tin, trọng trách ấy cả hai nghệ sĩ sẽ hoàn thành tốt khi mà tình yêu nghệ thuật trong họ luôn cháy bỏng trong lòng. Khi mà họ luôn biết sống vì người khác. Khi mà họ luôn biết trân quý tình yêu thương của khán giả dành cho mình. Khi mà họ luôn biết ơn Tổ nghiệp!
Tôi tin hai nghệ sĩ này chưa bao giờ đặt một dấu mốc cho điểm dừng của tài năng…! Và tôi cũng sẽ không bao giờ dừng bút viết về hai nghệ sĩ này khi họ còn xứng đáng!
Song Minh
Bình luận (0)