Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ký ức một thời làm báo: Bài 1: Người “nối sóng” truyền hình ngày 30-4

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Với những người làm báo lão thành, dù thời gian đã qua nhưng kỷ niệm làm báo thời tuổi trẻ vẫn là một ký ức rất đẹp để họ có quyền ghi nhớ và tự hào. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2017), Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ với một số nhà báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà.

Nhà báo Đặng Trung Hiếu và tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ

Trong 40 năm của nghiệp làm báo, thời gian 20 năm cống hiến trên đất Bắc và 20 năm phục vụ tại miền Nam cũng đủ cho ông Đặng Trung Hiếu – nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM có được niềm tự hào và nhiều kỷ niệm sống chết với nghề bằng cả nhiệt huyết thời trai trẻ.

Một dấu son không quên!

Sự nghiệp báo chí của nhà báo Đặng Trung Hiếu trong chặng đường gần nửa thế kỷ đã song hành với sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam trước đây và Đài Truyền hình TP.HCM sau này.

Cách đây 2 năm, vào ngày 27-4-2015, buổi sinh hoạt “Đài Truyền hình TP.HCM – 40 năm hành trình tiếp bước” do Đoàn cơ sở đài tổ chức đã diễn ra trong không khí cả nước náo nức chào mừng kỷ niệm tròn 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đại diện cho các cán bộ lão thành tham gia tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1975 có nhà báo Đặng Trung Hiếu (nguyên Giám đốc đài thời kỳ 1989-1996). Mặc dù ở tuổi 84 nhưng ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Nhiều bạn trẻ lắng nghe câu chuyện “người đi trước” kể mà không tin được vào sự kỳ diệu của hệ thống truyền hình của TP mang tên Bác sau ngày giải phóng: Ông Hiếu kể trong hồi tưởng: “Cùng với các cơ quan khác, ngày 30-4 chúng tôi tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn. Thế mà chỉ sau đó một ngày chương trình truyền hình của cách mạng đã có buổi phát sóng đầu tiên lúc 20 giờ trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ”. Theo lời kể của ông, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì chắc chắn không có được buổi ra mắt đầu tiên đó của Đài Truyền hình mà nếu có thì chí ít cũng vài ngày hoặc vài tuần. Ông là một trong những cán bộ chủ chốt “nối sóng” truyền hình giữa 2 chế độ trong ngày hòa bình đầu tiên của dân tộc. Đó cũng là ngày mở ra một chặng đường làm báo mới của người cán bộ trẻ thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam sau 20 năm xa quê kể từ ngày ra Bắc tập kết.

Trung hiếu như tên gọi

… Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 23 tuổi, chàng trai quê ở Vĩnh Long lên đường tập kết ra Bắc đợt đầu tiên theo chủ trương của tổ chức để tiếp quản đài phát thanh tại thủ đô Hà Nội. Dù đã 63 năm nhưng ông vẫn nhớ như in ngày làm việc đầu tiên trên đất Bắc: “Khi ra tới Hà Nội tôi được ông Trịnh Lý Thản lúc bấy giờ là Cục phó quản lý máy phát thanh phân về bộ phận chuyên ghi tiếng ghi hình cho Đài Tiếng nói Việt Nam”. Đây cũng là nơi để chàng trai trẻ trưởng thành và gắn bó với công việc của một cán bộ kỹ thuật của đài. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là kể từ khi đế quốc Mỹ leo thang ra bắn phá miền Bắc. Mặc dù có 2 bộ phận phát thanh nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn có thêm nhưng cơ sở bí mật khác sẵn sàng ứng cứu nếu bị bom thù phá hoại: “Chúng tôi đi sơ tán khắp nơi từ Hà Tây sang Ba Vì lên tận Lào Cai, Cao Bằng, Hòa Bình. Dù gian khổ nhưng bằng mọi cách giữ làn sóng điện của Tổ quốc luôn liền mạch. Ngoài miệng núi chỉ có miệng nhỏ kín đáo nhưng vào bên trong được khoét rộng ngay cả dân địa phương cũng không biết trụ sở đài nằm trong đó”. Có lẽ chính vì thế mà cả thế giới và kẻ thù rất khâm phục cách làm việc của Việt Nam dù trong hoàn cảnh ác liệt nào của chiến tranh tiếng nói Tổ quốc vẫn được thông suốt mà chưa bao giờ bị mất sóng. Theo lời kể của ông Hiếu, giai đoạn sau năm 1968 chiến trường miền Nam thắng lớn, Ban Truyền hình miền Nam yêu cầu miền Bắc chuẩn bị kỹ thuật truyền hình để viện trợ khi cần vì lúc này truyền hình của Đài Giải phóng chỉ là con số không. Với cương vị là Phó ban B, ông được lãnh đạo đài phụ trách nghiên cứu truyền hình cùng với một đoàn cán bộ sang Cu Ba học tập kỹ thuật vô tuyến của châu Mỹ. Đây chính là “bệ phóng” vững chắc đã được chuẩn bị trước 5 năm nên sự kiện ngày 1-5-1975 có buổi truyền hình đầu tiên trên TP.HCM vừa mới giải phóng đối với người trong nghề là không có gì lạ.

Cũng bắt đầu từ đó nhà báo Đặng Trung Hiếu gắn bó với Đài Truyền hình TP.HCM sau 21 năm xa quê hương. Đây cũng là nơi để người vợ của ông là phát ngôn viên Việt Hà nổi tiếng trên đất Bắc theo chồng vào Nam công tác. Với cương vị Giám đốc đài từ năm 1989 đến 1996, ông cùng với tập thể đài mở ra từng trang mới cho các chương trình phát sóng truyền hình bắt kịp với hơi thở cuộc sống. Đây cũng là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước nên theo ông nếu không toàn tâm, toàn ý và khắc phục khó khăn thì khó có được những thành tựu về phát thanh truyền hình. Với ông, người làm báo chỉ có một mục đích là phục vụ đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Với tấm lòng “Trung với Đảng hiếu với dân” đòi hỏi nhà báo phải có một phẩm chất trung thực, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Việc ông nghỉ hưu muộn sau 5 năm cũng là câu chuyện của những khó khăn khi phim trường của đài bị hỏa hoạn: “Sau khi đề nghị Bộ Thông tin xây dựng 2 phim trường mới, tôi phải ở lại cùng anh em hoàn thành nốt 2 phim trường mới. Đây cũng là thời kỳ chuyển giao từ thế hệ truyền hình đen trắng sang truyền hình màu nên tất cả phải làm lại từ đầu”. Ông chia sẻ thêm: “Hiện nay, thiết bị truyền hình ngày càng hiện đại do thế giới tiến nhanh nên chúng ta được thừa hưởng để có những chương trình hay đẹp. Điều này đòi hỏi anh em làm báo hình phải phấn đấu nỗ lực không ngừng để theo kịp tiến bộ của các nước. Bởi, không chỉ có kỹ thuật tốt mà phải có con người giỏi, nếu không có năng lực thì không thể tiếp thu được”.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)