Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ký ức một thời làm báo: Kỳ cuối: Hai cây “đại thụ” của phát thanh và truyền hình

Tạp Chí Giáo Dục

Làm báo ở chiến trường

Nhà báo Nguyễn Hữu Phước (thứ 3 từ phải sang) đang đưa micro phỏng vấn Thượng tướng Trần Văn Trà trong Dinh Độc Lập năm 1975 (ảnh tư liệu)

Mê làm báo từ thời HS, sau khi tham gia cách mạng ông trở thành phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng. Đi qua nửa thế kỷ làm báo, ông tâm sự: “Trong hành trình hoạt động báo chí kháng chiến, điều đáng ghi nhớ nhất là phóng viên, biên tập chúng tôi luôn đồng hành, gắn bó với các sự kiện mang ý nghĩa lịch sử của dân tộc”. Ông là nhà báo Nguyễn Hữu Phước – nguyên biên tập viên của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM.

Đối với nhà báo Nguyễn Hữu Phước, được sống cùng nhân dân trong khói lửa chiến đấu và chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng của dân tộc là niềm tự hào lớn lao nhất mà không phải ai cũng có được.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, thân sinh là luật sư Nguyễn Hữu Thọ – một nhà trí thức yêu nước nên khi còn đi học Nguyễn Hữu Phước đã tham gia phong trào HS đấu tranh đòi quyền dân chủ trong chế độ Mỹ – Diệm. Nhắc tới cơ duyên làm báo ông tâm tình: “Từ nhỏ vốn có ham muốn nghề viết văn, thích làm báo khi học ở trường nên sau những năm tháng tiếp cận học tập ngành truyền thông báo chí cách mạng trong kháng chiến, tôi trở thành phóng viên, biên tập của Đài Phát thanh Giải phóng phù hợp với ước vọng từ nhỏ của mình”.

Đây cũng là thời gian ông có rất nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời làm báo thời kháng chiến ở Đài Phát thanh Giải phóng, một cơ quan lúc bấy giờ mang danh nghĩa tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Không chỉ làm việc tại đài, với nghề phóng viên – biên tập, ông từng tham gia trực tiếp ở các chiến trường nổi tiếng khu vực miền Đông mang ý nghĩa bước ngoặt lịch sử như Đầm Be 1970 ở Campuchia tiêu diệt hàng chiến đoàn quân Sài Gòn và Lonnol. Đó là trận đánh ở Phước Long mùa xuân năm 1975, lần đầu tiên giải phóng hoàn toàn một tỉnh mở màn cho các chiến thắng tiếp theo ở Buôn Ma Thuột và các tỉnh miền Nam sau đó. Từng trang báo đều in dấu chân của người chiến sĩ giải phóng quân.

 “Thời bấy giờ, với tư cách là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng chúng tôi không chỉ thể hiện là một cơ quan báo chí mà còn luôn tỏ rõ là một cơ quan đại diện cho một tổ chức kháng chiến đầy uy lực. Với sức mạnh không thua kém các binh đoàn chiến đấu trên chiến trường, Đài Phát thanh Giải phóng vừa tham gia cổ vũ đẩy mạnh khí thế chiến đấu và chiến thắng đánh bại các chiến lược quân sự của đối phương trên chiến trường, cổ vũ các phong trào đấu tranh chính trị ở các thành thị vùng địch tạm chiếm, mà còn trực tiếp tham gia tác động về chính trị với đối phương thông qua nhiều sự kiện phản ảnh trên làn sóng phát thanh, trực tiếp tham gia nhiều sự kiện nóng bỏng, kịp thời đã để lại những dấu ấn khó quên”. Tiếng nói phát thanh của đài – nơi truyền tải tiếng nói chính nghĩa có sức mạnh của hàng vạn người lính mà sự kiện đáng nhớ nhất là tháng 4-1965, chỉ qua làn sóng phát thanh, đài đã góp phần quan trọng buộc địch phải dừng tay tử hình một chiến sĩ biệt động cách mạng Nguyễn Văn Hai để đổi lại việc phía ta không trừng trị đáp trả tên trung tá Mỹ Gustav Hertz đang bị cách mạng giam giữ. Sau đó cũng qua làn sóng điện, đài buộc Nguyễn Cao Kỳ có ý định ngày hôm sau đưa nhóm sinh viên Lê Hồng Tư ra xử bắn tại pháp trường cát Sài Gòn đã phải dừng tay trước lời đe dọa sẽ bị trả đũa tương tự. Những cuộc thông báo với đối phương trên sóng phát thanh về trao trả người bị giam giữ của hai bên đến minh định lập trường nóng bỏng hai bên trên sóng phát thanh những ngày cuối cuộc chiến năm 1975… đều có sức mạnh uy lực của báo nói vùng giải phóng. Năm 1976 từ Đài Phát thanh Giải phóng ông được điều động về Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Một năm sau, chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1978 đến năm 2005 ông là Phó Tổng biên tập, Tổng Biên tập các tạp chí Quảng cáo & Tiếp thị, Tiếp thị & Gia đình, Thành Đạt đến năm 2010 thì nghỉ hưu. Hiện nay, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu cho đài truyền hình

Ông Huỳnh Văn Nam (bìa trái) tại chương trình “Đuốc sáng Việt Nam – Hành trình theo chân Bác” cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh nhân vật cung cấp)

Từ một kỹ sư kỹ thuật về phát thanh truyền hình, bằng sự phấn đấu và cống hiến ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp và Giám đốc của đài truyền hình của một TP lớn. Ông là nhà báo Huỳnh Văn Nam – nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM.

Năm nay nhà báo Huỳnh Văn Nam vừa tròn 67 nhưng ít ai đoán được tuổi thật vì sức vóc ông vẫn còn tráng kiện. Có thể nói cuộc đời của ông là một trang biên niên sử của khối phát thanh truyền hình đầy gian khó nhưng cũng rất vinh quang. Giống như nhà báo Đặng Trung Hiếu, mới 5 tuổi ông đã cùng má và mấy anh em theo tàu ra Bắc trong nỗi nhớ nhà day dứt. Ba ông – nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ nổi tiếng với câu thơ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” đành xa vợ con phải ở lại một mình, sau đó chuyển ra theo đường bộ.

Năm 1973, duyên nợ đến với nghiệp báo khi ông có tấm bằng thạc sĩ về kỹ thuật thuộc ngành bưu chính viễn thông tại TP.Petecbua (Nga) về nước công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. “Đây là thời kỳ Đài Tiếng nói Việt Nam đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới truyền hình phục vụ đồng bào miền Bắc và chuẩn bị tiếp quản miền Nam nên khối phát thanh truyền hình đã thành lập Đài Truyền hình Giảng Võ” – ông Nam nhớ lại. Là kỹ sư trưởng của đài với chức vụ Trưởng phòng kỹ thuật, ông cùng với anh em bộ phận kỹ thuật trở thành hậu phương lớn có nhiều đóng góp to lớn cho các hoạt động của mọi bộ phận phục vụ công việc lên hình phát sóng.

Trong 10 năm giữ vai trò giám đốc của 2 nhiệm kỳ, có thể nói đây là giai đoạn khẳng định bước nhảy của Đài Truyền hình TP.HCM để có được thời hoàng kim rực rỡ so với trước đó. Không chỉ quản lý về kỹ thuật, Giám đốc Huỳnh Văn Nam còn quan tâm tới chất lượng nội dung và mở rộng biên độ cho các chương trình có tầm giá trị lớn. Khán giả truyền hình thời bấy giờ vẫn còn nhớ loạt phóng sự truyền hình “Mê Kông ký sự” đầy “mê hoặc” do NSND Phạm Khắc đề xuất và chỉ đạo thực hiện và nhà báo Huỳnh Văn Nam sau đó là người tiếp nối. Thừa thắng lên, một loạt phóng sự được ông “đẩy” lên thành ký sự truyền hình để đời được khán giả theo dõi từng bước đi như “Ký sự hỏa xa”, “Ký sự tân đảo”, “Ký sự Amazon”. Là người đề xướng ra nhiều thiên ký sự để đời nhưng khi nhắc đến thiên ký sự “Hành trình theo chân Bác”, nhà báo Huỳnh Văn Nam kể lại với niềm tôn kính và rất đỗi tự hào.

Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông là trong chương trình “Đuốc sáng Việt Nam – Hành trình theo chân Bác” đưa ngọn đuốc của Bác Hồ từ Cao Bằng vào TP.HCM là mời được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào viếng Lăng Bác lần cuối vì tuổi cao sức yếu. Đây cũng là chi tiết xúc động nhất mà mọi khán giả xem đài đều lặng người khi nghe lời phát biểu của vị Đại tướng lão thành một học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng với cương vị Giám đốc đài, ông đã tìm cách “gỡ bỏ” được các bộ phim Hàn Quốc nằm trong khung giờ vàng để thay thế các bộ phim Việt Nam phục vụ khán giả nội địa. Đó là cách đầu tư chất lượng kịch bản, chăm chút khâu dàn dựng, nâng dần số lượng và phát sóng vào giờ vàng, phim trong nước dần lên ngôi để lại nhiều tình cảm quý mến cho hàng chục triệu người xem trong cả nước với tinh thần “giờ vàng phim Việt”.

Trao đổi về nghề, ông cho rằng nếu báo viết chỉ trau dồi về ngôn ngữ thì báo hình đòi hỏi nhiều ở khâu kỹ thuật như quay phim, ánh sáng, âm thanh. “Có thể nói hiện nay, truyền hình đang làm nên một trang sử mới với kỹ thuật CNTT hiện đại. Các ngành sân khấu, điện ảnh và cả truyền hình thật sự ngỡ ngàng trước sự bùng nổ của CNTT và internet. Tuy nhiên do có nhiều kênh lại thiếu sàng lọc nên ảnh hưởng đến thẩm mỹ người xem. Đây là khó khăn nhưng cũng là thuận lợi cho báo chí vì muốn hay không khi ra biển lớn cũng phải trôi theo dòng với những cạnh tranh khắc nghiệt. Càng ra biển càng cảm thấy mình nhỏ lại nên không thể giậm chân tại chỗ được”.

Theo ông, nhà báo cầm bút hay cầm máy đều có vai trò lớn đối với cuộc đời. Viết báo chỉ đủ sống để theo nghề chứ không ai trở thành giàu có từ nghề báo. Theo nghề bởi đam mê vì sự tiến bộ của xã hội nên phóng viên phải nắm bắt hơi thở cuộc sống, bài viết có tính phản biện cao. Vì thế phải nên sống, nên viết mong muốn của mỗi nhà báo là góp tiếng nói tích cực cho sự đi lên của xã hội.

Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)