Hồi ấy, đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, chúng tôi học hệ 10 năm (miền Bắc) là những năm tháng gian khổ, ác liệt vì chiến tranh lan rộng cả hai miền. Cuộc sống của người dân vô cùng vất vả, khó khăn, thiếu thốn; trong đó có chuyện thiếu sách giáo khoa (SGK) của học sinh!
Năm 1971, sau khi thi tuyển gần một tháng, tôi và hai người bạn cùng xóm biết mình được vào học cấp 3. Mừng thì mừng nhưng làm sao để có những cuốn SGK là cả một vấn đề nan giải! Các anh chị học trước đó, số lượng trong toàn xã chỉ đếm chưa đầy một bàn tay!
Thế là tôi nhờ người lớn đi dò xem ở đâu có người học cấp 3 là đến nhà, bất kể quen hay không quen, để xin lại SGK cũ về học… Cảm phục trước sự ham học của tôi, một người chị đã học xong cho tôi một cuốn “Trích giảng văn học – Lớp Tám” (tương đương cuốn Ngữ văn, lớp 10 bây giờ) làm tôi mừng muốn rơi nước mắt. Tuy sách hơi cũ, nhưng được bao bìa cẩn thận, tôi rất cảm ơn…
Kết quả của những ngày chạy ngược chạy xuôi, tôi chỉ được một cuốn “Trích giảng văn học”; còn môn toán, môn lý, môn hóa… tôi không có cuốn nào! Thế là mỗi giờ thầy cô lên lớp, phải thật sự chú ý nghe giảng; ghi hết những lời thầy cô. Tối đến, tôi đến nhà người bạn ở cuối xóm mượn SGK của nó, vì nó có nhiều hơn tôi vì biết… chạy đi kiếm trước!
Đối với các môn tự nhiên như toán, lý, hóa… thì chúng tôi được thầy cô hướng dẫn chép bài tập vào vở và về nhà làm trong cuốn vở “Bài tập Đại số” “Bài tập Hình học”, “Bài tập Vật lý”… Những cuốn tập này mỗi HS tự đóng, tự làm nhãn vở và dán lên phần ngoài bìa. Trong sách bài tập, hồi đó không có kẻ sẵn những ô, những dòng kiểu “nhử”; dường như “khuyến khích” HS viết thẳng vào như sách bây giờ! Có lẽ người biên soạn muốn học sinh phải tự tay ghi bài tập, từ đó tạo nếp tư duy trong quá trình chép bài.
Muốn học tốt giờ văn thì phải soạn văn vào cuốn “Soạn văn” mà thầy cô hướng dẫn. Không có sách giải sẵn, sách “Học tốt” đầy tràn như bây giờ nên chúng tôi tự học nhóm, cùng đọc bài, cùng tranh luận, tự suy nghĩ để soạn tốt một bài văn. Vì thế, những ghi nhớ về nội dung bài học luôn sâu hơn, bền hơn và giúp chúng tôi vận dụng vào bài thi, vào cuộc sống thực tế…
Có lẽ đời sống vật chất mọi mặt đều khá nên HS cũng thiếu sự chịu khổ, chịu cực mà luôn chờ sẵn mọi thứ để làm cho nhanh kiểu “mì ăn liền”. Xin nhắc lại quá trình chép bài tập từ SGK qua cuốn vở là quá trình động não, có tác dụng ghi nhớ kiến thức chứ không phải “mất thời giờ” như có người ngộ nhận.
Noi gương các anh chị đi trước, thấy được tầm quan trọng của cuốn SGK trong học tập; chúng tôi luôn giữ gìn, bảo quản rất cẩn thận nên cuối năm lại “bàn giao”, chia sẻ cho em, cho cháu trong họ hàng, trong làng xóm… Cứ thế, qua nhiều thế hệ; những cuốn SGK quý giá đã góp phần làm giàu thêm hiểu biết; làm giàu thêm kiến thức của mỗi học trò…
Lê Đức Đồng
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)