- 1 Ký ức những trang báo được in trong lòng đất
Trong con hẻm nhỏ khu phố người Hoa thuộc phường 1, quận 6, TP.HCM, ngôi nhà số 341/10 Gia Phú vẫn lặng lẽ đứng đó, giản dị như bao mái nhà khác. Thế nhưng, ít ai biết rằng nơi đây từng là một “trạm phát sóng” bằng giấy mực giữa lòng địch, nơi những bài báo, truyền đơn, chỉ thị… được âm thầm in ấn và lan truyền đến đồng bào, góp phần lay chuyển dòng chảy cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Hạt giống báo chí cách mạng nảy mầm trong lòng địch
Theo bà Trường Thanh, quản lý di tích hầm bí mật, năm 1962, khi Mỹ tăng cường “chiến tranh đặc biệt” tại miền Nam Việt Nam với các loại vũ khí tối tân, hiện đại, Ban Tuyên huấn Hoa vận – đơn vị thuộc Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, đã thành lập tổ in bí mật nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Ban Tuyên huấn đặt trọng tâm vào việc phổ biến các tài liệu, chỉ thị của Đảng đến với chiến sĩ và cộng đồng người Hoa – một lực lượng có vai trò đặc biệt tại đô thị miền Nam lúc bấy giờ.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lâm Tư Quang, Phó Trưởng ban Hoa vận kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Hoa vận, tổ in gồm 15 đồng chí được hình thành tại căn nhà 81 Gò Công, quận 6. Bản tin “Giải phóng” tiếng Hoa được ra đời trong hoàn cảnh ấy, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Tuy nhiên, đến năm 1965, khi cơ sở đầu tiên có nguy cơ bị lộ, tổ in được chuyển về căn nhà số 341/10 đường Gia Phú, cũng nằm trong địa bàn quận 6 – nơi có vị trí kín đáo, dân cư xung quanh chủ yếu là lao động, ít để ý tới người khác.
Để hợp pháp hóa chỗ ở, tổ chức bố trí hai đồng chí Trịnh Huệ Ái và Hứa Hòa Căn đóng giả làm vợ chồng đứng tên thuê nhà, các thành viên khác thì đóng vai con cháu trong gia đình. Bề ngoài căn nhà được ngụy trang là một xưởng may gia đình. Nhưng phía dưới lòng đất, trong bóng tối của sự im lặng và nguy hiểm, một hầm in bí mật được gấp rút xây dựng chỉ trong vòng bảy ngày đêm, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của đồng chí Trần Khai Hùng – một thợ cơ khí, tổ in đã cho ra đời tờ báo Công nhân (tiền thân của Báo Sài Gòn giải phóng Hoa văn ngày nay), với nhiệm vụ tập hợp những tin tức về tình hình chiến sự, đường lối, chính sách của cách mạng.

Hầm rộng 1,6m, dài 2,2m, sâu 1,2m, đủ chứa bốn người cùng lúc. Hệ thống thông hơi được dẫn ra sân sau, đáy hầm đóng cừ tràm và tráng lớp xi măng dày để chống thấm. Đặc biệt, nắp hầm được ngụy trang bằng bốn viên gạch bông màu trắng đỏ, khớp hoàn toàn với nền nhà. Trên nắp hầm có đặt giường ngủ, vật dụng sinh hoạt, che kín lối xuống. Mỗi khi cần xuống hầm, các đồng chí chỉ cần dỡ vạt giường lên, mở nắp và chui xuống.
Việc in ấn được thực hiện dưới sự hỗ trợ của quạt máy, đèn neon, nhưng máy in thì không thể đưa xuống hầm do kích thước lớn, nên công đoạn in được đưa lên nhà trên. Để tránh tiếng ồn bị phát hiện, máy in gang được cải tiến thành máy nhôm, thêm bạc đạn để quay nhẹ, giảm âm thanh. Hầm thứ hai nhỏ hơn được đào cách đó 1,8m để giấu máy in trong những tình huống nguy hiểm. Những lúc cao điểm, tổ in hoạt động cả ngày, bởi ban đêm tiếng máy dễ bị phát hiện hơn.
Giấy in là loại giấy vấn thuốc lá nhập từ Trung Quốc – nhẹ, dễ vận chuyển, có thể in hai mặt. Sau khi in, tài liệu được giấu trong thùng carton, ngụy trang chung với hàng hóa, quần áo để chuyển ra ngoài.
Tổ in Hoa vận – mạch sống của báo chí cách mạng đô thị Sài Gòn
Trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1975, tổ in đã phát hành nhiều nhất là Báo Công nhân (về sau là Báo Giải phóng), truyện “Sống như Anh” viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, truyền đơn, sách báo… bằng chữ Hoa và chữ Việt với số lượng lớn. Có thời điểm, mỗi kỳ báo phát hành hơn 1.000 bản, lan tỏa sâu rộng trong giới công nhân người Hoa và các lực lượng quần chúng tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
“Công việc in ấn của tổ in Hoa vận không chỉ là sản xuất tài liệu. Đó là cách mà những người yêu nước thể hiện sự gắn bó với vận mệnh dân tộc”, bà Trường Thanh nhấn mạnh.

Không ít lần căn nhà bị địch khám xét. Năm 1967, đồng chí Trần Khai Nguyên – Tổ trưởng Tổ in, Bí thư Chi bộ – bị bắt và tra tấn đến chết sau khi bị chỉ điểm, nhưng không hề khai ra hầm in bí mật. Sau biến cố, tổ in tạm chuyển sang đường 46, quận 11. Tại đây, tháng 5-1968, trong đợt hai của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, cơ sở bị máy bay địch đánh bom, toàn bộ bị phá hủy. Hầm in ở Gia Phú vẫn an toàn nên tổ in lại quay về hoạt động.
Đến năm 1970, tổ in lần lượt chuyển qua các địa điểm: số 1 Nguyễn Duy Dương, rồi 514/6 Hàm Tử. Tại đây, công tác in ấn mở rộng mạnh mẽ hơn, truyền đơn được phân phát ra tận các tỉnh miền Đông, miền Tây, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt, ngày 30-4-1975, tổ in kịp hoàn tất một số lượng lớn báo phát hành đúng dịp 1-5 mừng đất nước hoàn toàn giải phóng.
Hầm in tài liệu bí mật tại số 341/10 Gia Phú là di tích duy nhất còn nguyên vẹn trong số các cơ sở hoạt động của Ban Tuyên huấn Hoa vận thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần to lớn, nơi đây được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2009/1998-QĐ-BVHTT ngày 26-9-1998.
Giữa nhịp sống hối hả hôm nay, hầm in bí mật ở 341/10 Gia Phú vẫn âm thầm tồn tại như một lát cắt sống động về lịch sử báo chí cách mạng. Ở nơi từng phải ngụy trang từng viên gạch để giữ lấy sự sống cho một tờ báo, người ta đã in ra không chỉ những con chữ, mà cả lòng tin và khát vọng tự do. Những tờ báo được chuyền tay trong bóng tối năm xưa chính là tiền thân của những trang báo hôm nay, nơi lý tưởng làm báo luôn đặt bên cạnh sự thật và nhân dân. Và có lẽ, chính trong những không gian chật hẹp như thế, báo chí đã học cách vươn lên – không chỉ để tồn tại, mà để trở thành tiếng nói không thể thay thế trong mỗi bước ngoặt của lịch sử.
Thương Nguyên
Bình luận (0)