1. Sau giờ ăn chiều, trước khi trở về phòng nghỉ, thầy Hòa mang ra 2 chiếc hộp to hình trái tim, in đậm chữ Mẹ hộp bên phải và Cha hộp trái. Đặt trang trọng trên bục cao, thầy Hòa giải thích: “Đây là hình tượng 2 trái tim của người cha và người mẹ, các con hãy lên chạm tay vào tỏ lòng yêu thương với mẹ, cha của mình. Sau đó các con trở về phòng nghỉ và có 30 phút viết lá thư nói về cảm nghĩ của mình đối với cha mẹ, những lỗi lầm và tình thương mà cha mẹ đã dành cho mình. Thư không ghi tên ai hết nha các con. Sau đó, các con dán lá thư của mình lên 2 hộp trái tim này…”.
Bước vào phòng giờ sinh hoạt tối trong không gian tràn ngập hoa dưới ánh đèn màu hồng, chỉ tay về 2 hộp có hình trái tim, thầy Hòa khẽ nói với hơn 30 em ngồi ngay ngắn phía dưới theo từng tổ: “Cảm ơn các con về những lá thư thật lòng, yêu thương này”. Nói rồi, thầy nhẹ tay gỡ một lá thư dán trên hộp có chữ Mẹ, giở ra đọc cho cả phòng cùng nghe: “Mẹ kính yêu! Con có một lỗi lầm muốn được giãi bày với Mẹ. Chuyện là cách nay mấy năm rồi, lúc còn mấy tiệm internet đầu ngõ nhà mình. Ngày nào cũng vậy, đi học về quẳng cặp sách trên bàn là con tót ra tiệm nét chơi game, đến tối mịt mẹ gọi còn không chịu về. Có lần bí quá, thấy xấp tiền mẹ cuộn dây thun để góc bàn con đã rút lấy tờ 100 ngàn đồng chạy ra tiệm nét chơi game. Dù chỉ là một lần trót dại ấy thôi, mà mấy năm nay con day dứt lắm, giờ mới dám nói ra, mong mẹ tha lỗi cho con…”. Gỡ nhẹ lá thư trên hộp hình trái tim Cha, thầy Hòa đọc tiếp: “Ba ơi, con nhớ Mẹ lắm, trong giấc mơ nào con cũng thấy Mẹ. Con cứ ước mong Mẹ còn sống Ba ạ…”. Một lá thư khác với nét chữ viết vội nguệch ngoạc dán trên hộp hình Cha: “Ba ơi, cố lên nha, con và mẹ luôn ở bên Ba. Con thương Ba nhiều lắm…” Trong ánh đèn màu hồng nhạt nhòa, dưới góc cuối phòng, bóng một cậu bé úp hai tay lên mặt cúi gằm trên mặt bàn. Nhẹ tay gỡ từng lá thư trên 2 hộp trái tim, thầy Hòa lặng lẽ cất vào trong cặp da, với tay bật công tắc đèn sáng rực căn phòng. “Cảm ơn những lá thư thật lòng, chan chứa yêu thương của các con. Thầy sẽ gửi lại Ban giám hiệu dán trong quyển sổ lưu bút đợt sinh hoạt ngoại khóa của trường mình năm học này. Thầy tin rằng, mỗi câu chuyện, mỗi nỗi niềm chất chứa yêu thương, mỗi nỗi nhớ, mỗi cầu mong, nguyện cầu, lời hứa của các con với cha mẹ sẽ đi mãi trong cuộc đời của mình…”.
Câu chuyện cảm động, ý nghĩa giáo dục trên được một phụ huynh, nguyên là cán bộ Đoàn có con trai tham gia đợt sinh hoạt ngoại khóa của Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức cách nay hơn 10 năm kể. Anh nói, sau đợt sinh hoạt ngoại khóa của năm đó, dù mỗi đứa một nơi, ở trong nước có, du học nước ngoài có vẫn kết nối, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với nhau, động viên nhau luôn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, sống thiện lương và không quên câu chuyện, lời hứa, niềm yêu thương gửi đến mẹ cha trong lá thư nhiều kỷ niệm năm đó.
2. Người đàn ông trạc tuổi 50 tần ngần đứng dưới mái hiên nhà góc ngã ba đường dẫn về xã vùng cao Yên Hà bên dòng sông Đà cuộn chảy, hỏi bà cụ bán nước: “Dạ bà cho hỏi, thầy Thành trường cấp 2 huyện ngày trước nhà ở đâu ạ?”. “Anh cứ đi đoạn nữa rồi hỏi nhà thầy Thành, ai cũng biết”. “Dạ em chào thầy! Thầy nhớ em không ạ”. “Xin lỗi, chắc tôi không nhớ”. “Em là Tuấn, học trò cũ của thầy đây ạ, thầy không nhận ra em à”. Với tay kéo chiếc ghế gỗ phía đầu bàn, thầy Thành ân cần, nói: “Em ngồi xuống đây. Thật tình học trò cũ nhiều người tên Tuấn quá”. “Em là Tuấn, học trò thầy từ năm học lớp 6. Em là đứa học trò hư hỏng, nghịch nhất lớp đấy ạ”. Nheo mắt hướng về phía người học trò năm xưa, thầy ân cần hỏi thăm Tuấn bây giờ làm gì, ở đâu… Định thần một lúc, Tuấn mới kể lại câu chuyện ân hận, dằn vặt mình mấy chục năm qua.
Ngày đó, những đứa trẻ ở cái xã nghèo vùng trung du hàng ngày đến trường trong cái thiếu, khó trăm bề. Lớp có Đức gia đình thuộc diện khá giả của thời đó. Mới lớp 6 mà đi học Đức đã được bố mẹ cho đeo đồng hồ. Một hôm, lúc ra chơi thấy chiếc đồng hồ của Đức để dưới hộc bàn, Tuấn thò tay lấy bỏ vào túi quần. Vào lớp, thấy mất chiếc đồng hồ, Đức thưa lại với thầy chủ nhiệm. “Em nào trót dại lấy của bạn tự giác trả lại đi”. Thầy vặn hỏi cả lớp, không bạn nào dám nhận mới gọi từng tốp em ngồi theo dãy bàn lên bảng đứng thành hàng rồi cho lớp trưởng lấy khăn bịt mắt từng em lại, úp mặt hết vào bảng đen. Thầy từ phía sau thọc tay vào túi quần từng em, đến Tuấn thì lôi ra chiếc đồng hồ, nắm chặt trong tay nhưng vẫn tiếp tục lục túi các em còn lại. Đặt chiếc đồng hồ trên bàn, thầy mời Đức lên nhận lại. Không nói thêm câu gì, cho các em về chỗ ngồi, thầy tiếp tục giờ học như không có chuyện gì vừa xảy ra, trong khi ở góc cuối dãy bàn Tuấn úp mặt vào tay ân hận về hành động xấu của mình đã bị thầy phát hiện. Nỗi ân hận này đã dằn vặt, nhớ mãi với Tuấn và mong có ngày gặp lại thầy để được giãi bày, tạ lỗi lầm với thầy… “Hôm nay, gặp thầy em đã nói ra được điều đó. Nhờ vậy mà thầy mới biết là em, chứ lúc lục túi các em thầy nhắm chặt hai mắt lại nên đã không biết chiếc đồng hồ đó nằm trong túi quần của bạn nào”.
Đến lúc này, Tuấn mới ngỡ ngàng trước hành động xấu của mình năm xưa đã được thầy có cách không để mình bị xấu hổ, tội lỗi với Đức và các bạn trong lớp học. Cách đó đã cho Tuấn một bài học quý làm người và cơ hội sửa chữa lỗi lầm, không bao giờ mắc phải. Nếu ngày đó mà cả lớp biết được hành động xấu của Tuấn, chắc chắn em sẽ bị lãnh một hình thức kỷ luật, bêu tên trước toàn trường. Gia đình, bạn bè sẽ biết và khó mà tha thứ lỗi lầm đó cho Tuấn. Cuộc đời của Tuấn có lẽ đã rẽ sang một lối khác, thậm chí có thể đã sa vào con đường bất thiện lương, luôn có những hành động xấu làm ảnh hưởng đến xã hội. Bài học về tình người, tình thầy – trò mang ý nghĩa nhân văn, đạo đức cao cả mà thầy đã truyền dạy cho những học trò thân thương của mình năm xưa, đã làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm và cuộc đời của Tuấn, là một bài học quý để các bạn trong lớp với Tuấn nhận biết và hướng định một cách sống văn hóa, nhân văn, tình người.
Nhà báo Phạm Hoài Nam
Bình luận (0)