Ông Nguyễn Rã (79 tuổi, ngồi) từng trực tiếp bảo vệ cố Chủ tịch Võ Chí Công những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Trí Tín. |
Ông Nguyễn Rã, 79 tuổi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10 An ninh vũ trang khu V (đơn vị trực tiếp bảo vệ Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công trong giai đoạn 1960- 1975) cho biết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, anh em cán bộ, chiến sĩ có nhiều kỷ niệm khó quên với ông Năm (tên thân mật của cố chủ tịch Võ Chí Công).
Vào giữa năm 1968, trong lúc cùng một số chiến sĩ hộ tống Bí thư khu ủy khu V về công tác ở Gò Nổi, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), giữa đường đi thì bị địch phát hiện thả bom B52. "Trong tình thế nguy cấp, anh em đưa anh Năm vào hầm trú ẩn vườn nhà dân, lấy mành tre đan chéo làm kèo rồi cùng nhau ghé lưng vào bên dưới mái hầm để bảo vệ anh. May mà trận đó mọi người trú trong hầm đều thoát chết", giọng run run ông Rã nhớ lại.
Ông Đỗ Thế Vĩnh, 77 tuổi, cùng quê Tam Xuân (Núi Thành, Quảng Nam) với ông Công, nhớ lại thời cùng công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng (1965-1969): "Nhiều lần về thăm cơ sở, ông Công hay căn dặn cán bộ địa phương phải lấy dân làm gốc. Mất dân là mất phong trào, mất Đảng, mất tất cả. Trong chiến tranh cũng như hòa bình, lúc nào ông Công cũng trăn trở với chính sách an dân, làm sao dân được no cơm, ấm áo".
Ông Nguyễn Ngọc Tân (86 tuổi), nguyên Đội trưởng Đội Du kích Vũ Hùng – Tiền thân lực lượng Vũ trang tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ảnh: Trí Tín |
Trong một thời gian dài, gia đình anh hùng Lực lượng vũ trang Lương Văn Hận ở huyện Núi Thành là cơ sở hoạt động bí mật của ông Võ Chí Công và nhiều cán bộ cách mạng. Ông Hận, 70 tuổi, nhớ lại: "Bác Công về Tam Kỳ thời đó đói lắm. Bác quyết định cho phá kho thóc Tam Kỳ chia cho dân. Ngày ấy đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của bác: Công lao bà con Núi Thành như núi cao, biển rộng. Lúc này là thời điểm cần phải cứu giúp bà con…".
Còn ông Nguyễn Ngọc Tân, 86 tuổi, biệt danh Bảy Nùng (Đội trưởng đội du kích Vũ Hùng – Tiền thân lực lượng vũ trang Quảng Nam – Đà Nẵng) thì luôn miệng thán phục: "Ông Công là người kiên cường, dũng cảm mưu trí, luôn lấy quần chúng làm trọng, sát thực tế nên chỉ huy trận Núi Thành thắng lớn mở màn trận đầu thắng giặc Mỹ ở Khu V. Dựa vào thế trận lòng dân vững chắc, sau đó ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng, cả khu V".
Trong lễ viếng cố chủ tịch Võ Chí Công sáng 10/9 tại dinh Thống Nhất (TP HCM), ông Nguyễn Văn Thịnh, 78 tuổi, cựu sĩ quan tình báo, đứng lặng một góc khán phòng. Ánh mắt mờ đục hoe đỏ của ông nhìn chăm chăm vào những vòng hoa tang xếp ngay ngắn. Ông Thịnh bảo mình may mắn vì từng được làm việc với ông Công tại Liên Khu V trong thời kháng chiến chống Pháp. Đối với ông, cố chủ tịch là nhà lãnh đạo khiêm nhường, luôn hoà nhã chia sẻ cùng anh em đồng chí.
“Cách đây 2 tuần, hay tin bác ốm nặng, tôi đã đến bệnh viện thăm nhưng lúc này sức khoẻ của bác quá yếu. Nhìn thấy tôi bác chỉ nhẹ vẫy tay chào”, ông Thịnh nói.
Ông Vũ Duy Đề: "Cố chủ tịch Võ Chí Công là người không câu nệ cương vị, hoạt động dù ở vị trí nào cũng rất chí tình". Ảnh: Quốc Thắng. |
Còn ông Vũ Duy Đề, nguyên Phó ban Kinh tế Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, cho biết bản thân ông đã học được rất nhiều từ cố chủ tịch Võ Chí Công, một con người hết lòng vì dân, vì nước. Ông không câu nệ cương vị, hoạt động dù ở vị trí nào cũng rất chí tình.
"Sau Cách mạng Tháng Tám, biết một người như anh Năm chỉ làm chính ủy Trung Đoàn (chính ủy viên) trong khi ông xứng đáng ở vị trí cao hơn, mọi người thắc mắc, thì không ngờ anh nghiêm giọng nhắc nhở Việc Đảng giao đừng câu nệ khiến ai cũng cảm động", ông Đề trầm ngâm nói.
Ông Đề cho biết, những năm 1980, đất nước rất khó khăn, nhân dân nghèo khổ. Nhưng chỉ sau 10 tháng ông Võ Chí Công (từng làm Trưởng ban Nông nghiệp TW) quyết tâm làm "Khoán 10" thì kinh tế đã khác hẳn, không còn cảnh thiếu lương thực mà ngược lại cả nước xuất khẩu được hơn một triệu tấn gạo. Lúc đầu, cách làm kinh tế của ông Công bị không ít lãnh đạo phản đối, nhưng ông vẫn nhẹ nhành mà đầy cương quyết "Tôi xin các anh làm thử". Và sau đó khi triển khai, ông Công đã được nhân dân rất ủng hộ.
Lần ra Hà Nội có dịp gặp lại ông Công, ông Đề đã nhắc về chuyện làm kinh tế. Lúc đó cố chủ tịch nói: "Làm công tác cách mạng các cậu phải mềm dẻo, đối với đồng chí, cấp trên hay nhân dân cũng thế. Nếu hồi đó quá cứng nhắc bảo vệ quan điểm, nghinh chiến để được cấp trên đồng ý mà sau này có thành công cũng sẽ khiến các anh ấy khó xử. Cứ nói làm thử nhưng quyết chí làm thì chắc chắn sẽ thành công".
"Tôi ngưỡng mộ bác bởi nhiều thứ, trong đó có việc ông từng giáo dục làm việc gì mà đụng đến tự ái của anh em là không nên. Con người bác mềm dẻo mà kiên quyết, suy nghĩ sát thực tế, phù hợp với sự vận động và phát triển của sự vật nên làm đến đâu thắng đến đó", ông Đề xúc động nói.
Trí Tín – Quốc Thắng (Theo VNE)
Hãy đánh giá bài viết này!
Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.
Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá
Bình luận (0)