Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ký ức về những bài thơ đầu tay

Tạp Chí Giáo Dục

Năm lớp bảy, suốt ba tháng hè được nghỉ học, tôi thường trốn nhà theo lũ bạn đi tắm biển Mỹ Khê, Thanh Bình (Đà Nẵng). Lần nọ, khi hay tin tôi suýt chết đuối, ba bực lắm. Biết chắc thế nào chiều về cũng bị một trận đòn nên thân, tôi liền xin mẹ cho lên nhà ông ngoại tìm chỗ náu thân. Ở đây, tôi hay vào phòng ngủ của ông cậu tìm sách đọc. Bất kỳ sách nào lọt vào tay là tôi đọc để “giết” thời gian, không hiểu cũng đọc. May mắn, có những bài thơ in trên Tạp chí Phổ Thông do nhà thơ Nguyễn Vỹ làm chủ nhiệm thì tôi hiểu chút đỉnh. “Bằng bằng, trắc trắc, trắc bằng bằng…”, nhịp điệu khoan thai ấy đã đi vào trong trí nhớ từ lúc nào cũng không rõ nữa. Đến một lúc, tôi bắt đầu tập tễnh… làm thơ. Bấy giờ, tờ báo Thằng Bờm cũng của nhà thơ Nguyễn Vỹ đã ra đời. Tôi bắt đầu gửi những bài thơ đầu tiên của mình đến tờ báo này, nhưng không được in. Ít lâu sau, tờ báo Thiếu Nhi của ông chủ nhà sách Khai Trí cũng góp mặt trong làng báo, tờ báo do nhà văn Nhật Tiến làm chủ bút. Tôi lại gửi thơ của mình đến đó. Mỗi kỳ báo ra là tôi hồi hộp lật từng trang báo còn thơm mùi mực in để xem bài mình có được in hay không? Sau nhiều lần thất vọng, lần đầu tiên tôi rú lên khi thấy cái bút hiệu của mình nằm chễm chệ trên mặt báo. Tôi sung sướng suốt mấy ngày liền. “Tác phẩm” đầu tiên của tôi được in trên báo là bài thơ Em tôi – in trên tờ báo Thiếu Nhi số 89 (13-5-1973). Năm đó tôi 13, 14 tuổi. “Em tôi bé nhỏ/ Bầu bĩnh dễ thương/ Trên môi son đỏ/ Nụ cười trầm hương…”. Sau đó, tôi liên tục có thơ in trên báo này: “Mười ba tuổi tập làm thơ/ Ngồi trong lớp học ngẩn ngơ nhìn trời/ Lắng nghe chim hót đầy vơi/ Quên lời cô giảng được xơi trứng gà”; hoặc “Quê nhà buổi sáng tinh sương/ Con gà trống gáy sau vườn ó o/ Xa xa bác mặt trời to/ Như vừa thức giấc tròn vo là tròn”…
Ít lâu sau, tôi gửi thơ của mình đến các báo khác như tờ Tuổi Hoa, Mây Hồng phát hành hàng tuần và các nhật báo khác và cũng được đăng. Oách quá đi chứ! Khổ nỗi, thuở ấy dù có thơ in, tôi cũng không hề được tòa soạn gửi báo biếu hoặc nhuận bút. Nhưng tôi lại nghĩ “phục vụ cho văn học nghệ thuật” thì cần gì ba “cái chuyện lẻ tẻ” ấy?!?. Vì vậy, tôi ưỡn ngực về phía trước, nghếch mặt nhìn lên trời mà mơ mộng và tiếp tục làm thơ. Mà hồi đó, tôi đã “nổi tiếng” lắm chứ chẳng đùa. Bằng chứng trên tờ báo Thiếu Nhi, ngay bìa 2 quảng cáo số báo Xuân Giáp Dần phát hành ngày 8-1-1974, giá bán 160 đồng, có câu: “Nội dung là cả một công trình biên soạn của các cây bút quen thuộc đã góp mặt vẻ vang trên Thiếu Nhi trong những năm qua”. Trong đó, liệt kê những tên tuổi như Nguyễn Hùng Trương, Nhật Tiến, Minh Quân, Đỗ Phương Khanh, Nguyễn Đình Toàn… còn có Thiên Bất Hủ nữa chứ! Bút danh của tôi đó! Chẳng nhớ vì sao tôi lại ký bút danh này. Có lẽ ảnh hưởng từ một tuồng cải lương nào chăng?. Chắc chắn là thế vì bấy giờ cả xóm chỉ mỗi nhà tôi sắm được cái truyền hình – chỉ cỡ màn hình vi tính hiện nay, mỗi lúc có phát cải lương là cả xóm lũ lượt kéo đến xếp hàng ngồi xem chật nhà! Sau này tôi mới biết, thế hệ cùng làm thơ với tôi hoặc nhích hơn tôi một vài tuổi cũng đều ký bút danh, chứ ít ai dùng tên thật. Chẳng hạn, anh Nguyễn Đông Thức năm 11 tuổi đã làm thơ, ký Long Nhi; anh Nguyễn Nhật Ánh ký Hoài Mộng Diễm Thư; anh Nguyễn Thái Dương ký Nguyễn Mặt Trời; anh Đoàn Thạch Biền ký Nguyễn Thanh Trịnh… Riêng anh Đoàn Vị Thượng, lúc ấy đang sống ở Quảng Ngãi, ký tên thật Trần Quang Đoàn dưới nhiều bài thơ in trên tờ Tuổi Hoa…Mùa xuân đó, tôi học lớp 9. Đây là bài thơ cuối cùng tôi được in trên báo chí Sài Gòn. Ít lâu sau, miền Nam được giải phóng, tôi vẫn tiếp tục làm thơ và trước ngày đi bộ đội, tôi bắt đầu ký tên thật dưới các bài thơ in trên báo Quảng Nam, Tin Sáng… Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhận nhuận bút là của báo Tin Sáng, tòa soạn trả tôi 13 đồng cho ba bài thơ in trên ba số báo trong năm 1976. Đến nay, tôi vẫn giữ được thư chuyển tiền, đánh máy chữ có chữ ký của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận… 
Nhà thơ LÊ MINH QUỐC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)