Sông đã "mở nước ôm vào dạ" một con người luôn tha thiết với những vần thơ về quê hương. Tế Hanh vừa nằm xuống, làm sống dậy trong ký ức đồng nghiệp hình ảnh một người thơ hiền, lặng lẽ, dịu dàng với cả cuộc sống lẫn thơ ca.
Dưới đây là những chia sẻ của các nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Trọng Tạo và nhà phê bình Vương Trí Nhàn trước sự ra đi của tác giả Nhớ con sông quê hương
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Gửi một nén nhang từ Huế”
Tế Hanh là một người đàn ông rất hiền, một nhà thơ đích thực, đúng nghĩa. Tôi gặp Tế Hanh cách đây đã 40 năm, khi ấy, tôi mới 19-20 tuổi. Vốn yêu thơ ông từ khi còn là học sinh nên khi gặp ông, tôi rất xúc động. Ông gây ấn tượng mạnh cho tôi bởi đôi mắt đen, ánh màu xanh rất lạ. Lối nói chuyện của ông cũng rất hiền lành, điềm đạm.
Người ta nói nhiều đến những vần thơ viết về quê hương của Tế Hanh. Riêng tôi, tôi rất thích những bài thơ tình của ông – những bài thơ từng được tôi chép vào một quyển sổ, cùng tác phẩm của nhiều nhà thơ khác trên thế giới. Bây giờ, tôi vẫn còn thuộc những bài như Bão (đọc bài thơ) hay Bài thơ tình ở Hàng Châu (đọc bài thơ) với những câu như: “Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa / Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa / Làn nước qua ánh mắt ai đưa / Cơn gió đến bàn tay em vẫy…”.
Tôi ở Huế, không thể ra Hà Nội phúng viếng ông. Nhưng tôi sẽ nhờ người quen gửi một nén nhang tiễn biệt nhà thơ về cõi vĩnh hằng.
Nhà thơ Tế Hanh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: "Tế Hanh khóc khi nhắc đến Nhớ con sông quê hương"
Nhà thơ Tế Hanh và tôi rất gần gũi với nhau, nhất là thời gian ông còn làm việc ở Hội Nhà văn. Nhà ông ở Hàn Thuyên, gần trụ sở của Hội, nên tôi và ông thường cuốc bộ về nhà ông chơi. Ông hiền lành, sống tình cảm và tinh tế. Trong cuộc sống, ông thực thà, chân thành. Còn trong sáng tác, ông viết một cách hồn nhiên, nhưng lại gây bất ngờ bởi những câu thơ rất lạ. Tuy mọi so sánh đều có thể khập khiễng, nhưng sự hồn nhiên của Tế Hanh thường khiến tôi liên tưởng đến nhà thơ Nga Sergey Exenhin.
Trong những năm ông ốm liệt giường, tôi có dịp đến thăm ông. Hồi đó, tờ báo Thơ của chúng tôi thực hiện một tuyển tập thơ của các cây bút nổi tiếng. Tất nhiên, Tế Hanh là cái tên không thể thiếu. Tôi đến gặp ông để tham khảo ý kiến xem nên chọn bài thơ nào. Hồi đó, ông đã mê mê tỉnh tỉnh. Nhưng khi nhắc đến bài Nhớ con sông quê hương (đọc bài thơ), Tế Hanh chảy nước mắt.
Sau 1975, tôi rất ấn tượng với một bài thơ Tế Hanh viết sau khi về quê thăm mộ mẹ. Hai câu cuối, ông viết: “Quê mẹ không còn mẹ / Bao giờ con lại về”. Hai câu thơ khiến chúng ta tìm thấy tâm trạng của mình trong đó, khiến ta lặng người đi.
Cách đây khoảng 3 tuần, khi ngồi cùng nhà thơ Nguyễn Hoa, tôi có hỏi anh ấy xem dạo này tình hình Tế Hanh thế nào. Nguyễn Hoa bảo, anh ấy vào thăm, nhưng nhà thơ không còn biết gì nữa. Tôi định bụng sẽ sớm đến thăm lại ông nhưng vẫn chưa làm được. Bây giờ tôi thấy rất hối hận.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ: "Thơ ông thắm thiết một cách dịu dàng"
Ông là người hiền hậu và khiêm nhường vô chừng. Tế Hanh nổi tiếng từ khi còn rất trẻ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông đao to búa lớn, chưa từng thấy ông cao giọng trước bất cứ vấn đề gì. Ông làm việc hết sức lặng lẽ, nhưng luôn tìm ra được những ý tưởng mới mẻ cho thơ. Tế Hanh không thích tranh biện, không muốn ồn ào, có lẽ bởi ông tin vào sức mạnh của những câu thơ. Thơ ông thắm thiết một cách dịu dàng. Tế Hanh, có thể nói, chính là một trong 10 tác giả có đóng góp quan trọng nhất trong phong trào Thơ Mới. Sau kháng chiến, ông vẫn giữ vững được vị thế của mình. Ngoài sáng tác, Tế Hanh còn là một dịch giả. Thơ ông chọn dịch, cũng nhẹ nhàng, cũng buồn buồn như những sáng tác của ông vậy.
Trong cuộc sống đời thường, Tế Hanh rất thích đi bộ. Ông đi bộ thường xuyên, vừa đi vừa nghĩ, vừa sáng tác. Ông cứ lặng lẽ tha thẩn với một cái túi vải trên vai như vậy. Tiếc là ông trời đã lấy đi ánh sáng đôi mắt và sức khỏe của ông từ quá sớm, khiến cho cái thú bình dị ấy cũng khó lòng thực hiện.
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: "Có một khoảng riêng trong lòng tôi dành cho Tế Hanh"
Theo tôi, phẩm chất của một nhà thơ là ở chỗ, họ tạo ra những cái không thể thay thế, là sự độc đáo không trùng lặp với bất cứ ai. Có một khoảng riêng trong lòng tôi dành cho Tế Hanh, bởi có những lúc, với tôi không ai bằng Tế Hanh cả. Trong những năm 1960, khi người ta còn mải mê làm thơ chiến đấu, ca ngợi những tình lớn lao, tình cảm tập thể thì Tế Hanh có những câu thơ như viết cho con gái như: "Chị lên bốn, em lên hai / Các con bảo vệ cuộc đời cho cha”. Những vần thơ như thế rất hiếm và rất cần thiết cho cuộc sống lúc bấy giờ.
Tế Hanh có giọng thơ buồn buồn, nó hòa nhịp với cái tâm hồn vốn lặng lẽ chứ không quá nồng nhiệt của dân tộc này. Tế Hanh đã bắt nhịp được, là đại biểu cho dòng thơ đó, vì vậy mà thơ ông dễ đi vào lòng người, dễ chiếm được cảm tình của người Việt Nam.
Lưu Hà (Theo VNE)
Bình luận (0)